Học cao học có cần thiết khi kiếm tiền chỉ cần nhiêu đó kiến thức thôi ?

0

SSDH- Mình là một trong số ít người trải qua rất nhiều thái cực của việc kiếm tiền và học tập dù tuổi đời có khá trẻ.

Hồi học xong đại học, mình đơn giản nghĩ là: “Thu nhập mình khá cao, thậm chí gấp đôi ba lần các bạn mới về nước. Học lên cũng chẳng giải quyết vấn đề. Có chăng là sự “hám của lạ” với một trải nghiệm mới mà thôi.”
Thế nhưng, khi đi học thạc sĩ, mình mới phát hiện ra kiến thức của mình hổng lỗ chỗ và tư duy thì luôn bị giới hạn trong thực tế trải nghiệm ở Việt Nam. Vậy nên, nếu mình có thăng tiến trong sự nghiệp với tấm bằng đại học thì mình cũng chỉ lên nhiều lắm là Trưởng phòng, Phó ban. Còn muốn lên đến tầm Tổng hay Ban quản trị thì mình chưa đủ trình để đưa ra giải pháp mới và thực hiện nó trong văn hóa Việt Nam khiến mọi người tâm phục khẩu phục. Thạc sĩ là nơi mình đã trau dồi những thứ đó. Vậy nên nếu có ai đó nói với bạn rằng đợi đến thạc sĩ mới đi học dễ mất động lực thì hãy luôn tự nhắn nhủ bản thân rằng tiền kiếm trước mắt là một chuyện, cơ hội để thăng tiến hơn trong lâu dài vẫn luôn nằm trong kiến thức.
Có người lại nói rằng: “Nhưng tôi thấy đầy người không học hành gì vẫn làm ông nọ bà kia đấy thôi?” Mình cũng biết người như vậy, nhiều là đàng khác. Thế nhưng 10 người mình thì 8 người quay ra hỏi mình khi doanh nghiệp họ đã phát triển cách làm một số thứ rất cơ bản trong tiếp thị, quản lý kế toán, hàng hóa, hậu cần và sản xuất. Kinh nghiệm thực chiến quả là một phần quan trọng nhưng mà những người bạn này của mình luôn nói rằng: “Giá ngày xưa học chăm một chút thì giờ đỡ khỏi mò từng chút một để phát triển tốt hơn.” Kiến thức học bậc cao tuy không giúp bạn kiếm ra tiền nhưng nó giúp bạn hệ thống lại những kinh nghiệm của mình để đưa ra tư duy sáng tạo và liên tục phát triển ý tưởng của mình lên tầm cao mới.
Có người lại nói rằng: “Một số người vì không biết làm gì nên mới đi học.” Dạng thợ học này mình biết cũng không ít. Thậm chí có những bạn mà nghề chính là “xin học bổng và đi học” nhưng thành tích cuộc sống thì không có nhiều khiến mình cũng thấy tò mò là học để làm gì nhỉ? Thế nhưng, một số không nhỏ trong những người này có đam mê đến ám ảnh về một thứ rất sâu từ khi còn rất trẻ. Và sau một thời gian dài học, họ thực sự đã nở hoa và có hàng loạt các công trình đóng góp kiến thức mới cho nhân loại. Số còn lại… học vì không biết làm gì khác thì sau này cũng có lúc họ phải dừng lại và đối diện với cơm áo gạo tiền thôi.
Với mình thì học xong thạc sĩ có là thời điểm mình thăng hoa nhất về tài chính cũng như sự nghiệp. Nếu đại học cho mình kiến thức cơ bản để hoàn thành công việc chuyên môn thì thạc sĩ cho mình ý thức về việc mình không biết rất nhiều thứ cũng như sự cởi mở sáng tạo khi tiếp cận bất cứ vấn đề gì. Khi mình quay lại làm Tiến sĩ, mình đã cân nhắc rất nhiều giữa tài chính và mong muốn của bản thân. Mình cũng từng nghi ngờ rằng cuộc sống mình thậm chí có thể tệ hơn nếu chọn con đường giàu kiến thức này. Thế nhưng sự thật thì ngược lại. Khi đi sâu vào nghiên cứu, đọc càng nhiều, học càng nhiều, thử nghiệm thực tế khi nghiên cứu càng nhiều, mình mới thấy hoàn toàn không hối hận.
Lúc thạc sĩ mình biết là mình có thể thiếu kiến thức, còn vào Tiến sĩ mình mới ý thức được là dù dùng hết cả đời để học cũng ngấm không nổi 1%. Thế nên tự dưng mọi tranh chấp trong cuộc sống ngày mình còn làm doanh nghiệp trở nên bé tẹo teo. Cuộc sống còn quá nhiều rộng lớn để khám phá thay vì tranh đi tranh lại một miếng bánh bị cắn dở lỗ chỗ. Thành ra chính vì ý thức được sự nhỏ bé của mình, tư tưởng mình thực sự tự do khỏi cơm gạo tiền và khen chê, đấu đá.
Có người gọi đó là “hâm” (mà chắc là hâm thật) nhưng so với cả ngày nhận áp lực ngang từ mọi người rồi buồn bã về bản thân thì mình thấy tối ngủ ngon vẫn là tốt nhất cho sức khỏe.
Có người còn phàn nàn rằng “Mấy ông Tiến sĩ toàn cãi nhau mấy cái nhỏ nhỏ chẳng có giá trị gì cho đời?” Mình cười cười. Nghiên cứu khoa học là để tạo ra kiến thức mới. Có thể trong mắt nhiều người cái được tranh luận là rất nhỏ nhưng phải cãi vì nếu ra kiến thức sai rồi đưa vào chương trình giảng dạy thì sẽ hại không chỉ một thế hệ đâu. Bạn hãy cứ nghĩ cái câu: “Đau bụng uống nhân sâm… tắc tử” mà nhà khoa học chỉ nghiên cứu ra vế đầu, quên hai chữ sau cùng thì bao nhiêu người sẽ chết. Thế nên đừng vội trách thứ bạn không hiểu.
Cuối cùng thì học là để kiếm tiền phải không? Tiến sĩ chắc gì đã ra tiền hơn các bậc học khác. Nhưng mình muốn kể câu chuyện thế này:
Edison ít học hành sáng tạo ra điện một chiều rồi bóng đèn, tiền thì kiếm bộn. Marconi cũng chẳng học hành ăn cắp thiết kế radio của Tesla, thương mại hóa đài sóng AM, FM, cũng kiếm hàng đống.
Thế nhưng, nếu không phải Tesla thiết kế ra điện xoay chiều hay sóng vô tuyến thì những phát minh kể trên đều không thể lan rộng đến công chúng và tạo ra thế kỉ 21 như chúng ta đã biết. So với 2 người kể trên thì Tesla được đào tạo bài bản và học cao hơn rất nhiều. Cũng là thử nghiệm nhưng nhờ có phương pháp khoa học Tesla vượt trội hơn hẳn trong việc biến ý tưởng thành hiện thực. Có thể Tesla cả đời vẫn nghèo, cũng có thể bạn không muốn cuộc sống đó cho con cái mình hay bản thân mình, thế nhưng kiến thức nếu chỉ để kiếm tiền thì sẽ chẳng còn gì cho sự phát triển chung của nhân loại cả.
Còn mình có nghèo không? Thú thực là không mình giờ có thêm chút kiến thức nhưng tài chính cũng không giảm. Ở một đất nước như Mỹ, mình cũng có điều kiện để tò mò cái gì thì lao vào nghiên cứu. Và không ít nghiên cứu của mình tuy chưa xuất bản nhưng cũng áp được vào một số đối tác doanh nghiệp của mình để tiết kiệm rất nhiều chi phí. Cái hạnh phúc nhất của “nghiệp” mình đang theo chính là mình có ý tưởng mình sẽ có thời gian thực hiện nó và áp dụng nó vào thực tế ở tầm cao, thậm chí ngồi ban điều hành doanh nghiệp.
Thế nên, nhiều lúc đọc tin tuyển dụng ở Việt Nam thấy doanh nghiệp tuyển Tiến sĩ về làm nhân viên, hoặc trường quốc tế tuyển giảng viên, mình lại bất giác cười. Có rất nhiều đơn vị Việt Nam trả lương khá cạnh tranh để mời nhân lực hay giáo về. Thế nhưng họ vẫn luôn coi những nhà nghiên cứu này như nhân viên. Trên thực tế người nghiên cứu luôn cần hai thứ: tiền đủ sống và tự do trong lý tưởng. Trong đó cái thứ hai nhiều khi quan trọng hơn. Thế nên chừng nào Việt Nam không thể đối với những người sở hữu kiến thức bậc cao như đối tác thay vì người làm công ăn lương thì nước mình sẽ còn chảy máu chất xám dài dài. Và khi những người như vậy không về thì định kiến về việc Tiến sĩ cũng chỉ là một tấm bằng cũng luôn còn ở đó.
Mình chưa bao giờ quá coi trọng bằng cấp cũng chưa bao giờ phủ nhận tiền là công cụ cho nhiều mục tiêu khác nhưng kiến thức rộng lớn hơn cả hai thứ đó nhiều. Đừng nhầm lẫn giữa chúng. Có kiến thức thật, mình có thể không giàu nứt đố nhưng không nghèo đến khố rách. Có kiến thức thật cuộc sống của mình cũng bình thản an nhiên và tự do tư tưởng hơn rất nhiều người.
SSDH( Tác giả : Jenny Hoang )
Share.

Leave A Reply