“Host family” không chỉ là nơi ăn, chốn ở giữa xứ người

0

SSDH – Ở giai đoạn học trung học, con trẻ đang phát triển nhanh về thể lực, sinh lý, áp lực bài vở lớn nên rất cần sự hỗ trợ và tiếp cận tổng hợp từ gia đình người bản xứ chứ không đơn thuần chỉ là có chỗ ăn, chỗ ngủ ở xứ người.

 

Lí tưởng nhất là gia đình “host” có con học cùng trường đại học

 

Một điều lưu ý đối với các bậc phụ huynh Việt chuẩn bị cho con du học Mỹ ở bậc trung học là tìm “host family”. Đối với du học sinh dưới 18 tuổi (chưa đến tuổi trưởng thành theo luật định), nếu không có thân nhân, không ở nội trú thì sẽ được nhà trường sắp xếp cho đến ở trong gia đình “host family”.

 

Tuy “host family” cũng có hình thức là nơi ở trọ cho du học sinh như “homestay” nhưng thực chất, nó được hiểu là một hình thức của “gia đình giám hộ”, không như “homestay” chỉ là một nơi ở trọ đơn thuần.

 

Chị Vũ Hồng Anh, tiến sỹ ngành Nhân học tốt nghiệp trường Maxwell School, Đại học Syracuse (trường đào tạo chính sách công số 1 của Mỹ trong suốt 8 năm qua) đã chia sẻ những vấn đề xoay quanh du học trung học tại Mỹ trong buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm du học Mỹ “Đi để lớn” cuối tuần qua tại Hà Nội.

 

Bản thân là cựu du học sinh ở Mỹ và có con trai từng học tại trường Mỹ trong suốt thời gian phổ thông, chị Hồng Anh có được những trải nghiệm du học ở cả bậc đại học và trung học.

 

Đặc biệt, là phụ huynh có con được nhận vào nhiều trường đại học danh giá, trong đó có trường Caltech (California Institute of Technology – Top 10) và University of British Columbia (Vancouver), chị Hồng Anh đã chia sẻ góc nhìn thực tế về những được mất và những điều cần lưu ý để quý vị phụ huynh có thể giúp con có sự chuẩn bị tốt nhất cho du học từ bậc phổ thông.

 

 “Host family” không chỉ là nơi ăn, chốn ở giữa xứ người 

Chị Vũ Hồng Anh (tiến sỹ ngành Nhân học tốt nghiệp trường Maxwell School, Đại học Syracuse – Mỹ) tháo gỡ khúc mắc về du học trung học cho phụ huynh, học sinh.

 

Theo chị Hồng Anh, tìm chọn gia đình bản xứ (host family) là mối quan tâm lớn của các phụ huynh Việt có con du học Mỹ từ bậc trung học.

 

“Phụ huynh cần có thỏa thuận với gia đình host để xây dựng quan hệ họ và để họ chăm sóc con mình khi cháu hoạt động, học tập tại xứ người. Điều này cực kỳ quan trọng với các cháu ở bậc trung học vì lúc này chúng đang giai đoạn phát triển nhanh về thể lực, sinh lý, khối lượng bài vở lớn cho nên phải là cách tiếp cận và quan tâm hỗ trợ tương đối tổng hợp chứ không đơn thuần chỉ là có chỗ ăn, chỗ ngủ”, chị Hồng Anh khẳn định.

 

Hiện nay, có rất nhiều chương trình giúp tìm “host family” với chi phí không đáng kể, nhưng tìm được gia đình bản xứ cho con ở khi sang Mỹ học là chưa đủ.

 

Theo chị Hồng Anh, phải chọn được gia đình bản xứ quan tâm đến con mình như con họ, mà lí tưởng nhất là gia đình có con từng hoặc đang theo học tại trường ĐH con mình học. Bởi lẽ, lúc này gia đình bản xứ sẽ có thể đầu tư vào con mình giống con họ mà không tốn thêm nhiều thời gian.

 

Mặt khác, con trẻ có thêm một người bạn bản xứ cùng trường là rất tốt để học hỏi, hòa nhập môi trường học tập và văn hóa Mỹ. Khi đó, “host family” có thể đầu tư cho con mình như con cái họ và đó là kiểu “đầu tư thêm” chứ không tốn thời gian, sức lực như “đầu tư mới”.

 

Tiếng Anh không phải vấn đề lớn

 

Chị Hồng Anh kể câu chuyện thực tế của con trai khi du học Mỹ từ bậc tiểu học. Khi mới sang, con rất thạo tiếng Việt. Hết năm thứ nhất, cô giáo người Mỹ có hỏi gia đình rằng: “Anh chị có thể cho cháu học lại năm thứ nhất không vì tiếng Anh của cháu chưa đạt đến trình độ và nếu cho cháu lên lớp 2 thì sợ cháu bị hẫng?”

 

Gia đình đã trả lời với cô giáo rằng “vì điều này gia đình đã nói với con suốt cả năm học rồi nên chúng tôi muốn cháu lên năm lớp 2”. Chỉ sau 6 tháng lên lớp 2 thôi thì tiếng Anh của cháu tiến bộ rất nhanh và tiếng Việt thì rơi rụng nhiều. Không lâu sau ông bà sang chơi thì cháu rất ngại, xấu hổ khi nói tiếng Việt. Đó là câu chuyện rất chung của các gia đình có con đi học nước ngoài.

 

“Sang bên Mỹ, tiếng Anh không quan trọng nữa rồi. Vì đằng nào lên trường tất cả các môn đều học tiếng Anh với cô giáo và bạn bè. Lúc này câu hỏi là làm sao duy trì được tiếng Việt. Duy trì một ngôn ngữ là không dễ, phải học và giao tiếp hàng ngày chứ không chỉ trên sách vở”, chị Hồng Anh khẳng định.

 

Chị Hồng Anh cho biết thêm, một điểm khác biệt dễ thấy là các trường ở Mỹ ít nhồi nhét kiến thức vào học sinh. Thậm chí, có lần chị đã phải yêu cầu cô giáo giao thêm bài tập về nhà vì sợ rằng, 3 ví dụ ở mỗi vấn đề trong môn toán đã xong một lớp thì con không thể nhớ được.

 

Theo nữ diễn giả này, có 2 môn học rất quan trọng chủ yếu từ thời Trung học cha mẹ nên hướng con cái tập trung vào là Toán và Tiếng Anh. Vì hội đồng tuyển sinh Mỹ các bậc thường nhìn vào điểm số 2 môn học này để đánh giá sức học của học sinh và quyết định có nhận ứng viên được vào trường không cũng như đánh giá về khả năng có theo được theo chương trình học tập của trường không.

 

 “Host family” không chỉ là nơi ăn, chốn ở giữa xứ người 

Môn Toán và tiếng Anh là những môn học cần tập trung nếu bạn muốn du học từ cấp trung học.

 

Tạo lợi thế từ việc tham gia hoạt động hướng đạo sinh

 

Ở Mỹ, hoạt động Hướng đạo sinh “Boy/ Girl Scouts of America” là một hoạt động ngoại khóa nên có đối với trẻ dưới 18 tuổi. Do đó, nếu du học trung học ở Mỹ, học sinh Việt nên tham gia chương trình này.

 

Mỗi buổi sinh hoạt là các hoạt động cắm trại, học kỹ năng sinh tồn. Ví dụ vào rừng sâu biết đốt lửa, dựng lán, kiếm thức ăn để tồn tại trong 1-2 ngày mà không cần chăn ấm nệm êm. Rất nhiều gia đình Mỹ dành thời gian đưa con tham gia Hướng đạo sinh vào tối mỗi tuần và các chuyến dã ngoại.

 

Chị Hồng Anh cho biết, các phù hiệu chứng nhận vượt qua thử thách từ chương trình này giúp học sinh có lợi thế rất lớn, gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh ở Mỹ khi xin vào bậc đại học.

 

Đừng du học trung học khi đã lên lớp 12

 

“Nếu như dự định cho con đi du học thì có thể đi từ lớp 9 hoặc lớp 11 chứ không để lớp 12 mới bắt đầu” là lời khuyên của diễn giả Hồng Anh dành cho các bậc phụ huynh.

 

Thêm nữa, nếu đã học lớp 11 thì nên học nốt lớp 12 bởi vì ở một số bang của Mỹ có yêu cầu riêng. Chẳng hạn bang New York có quy định rất khắt khe nên không tiếp nhận học sinh học lớp 11 ở quốc gia khác hoặc bang khác với lí do “có một số môn học bắt buộc phải học từ cuối năm lớp 11 nên nếu nhận vào cũng không thể cho học sinh tốt nghiệp được”.

 

“Vì thế, học từ lớp 11 cũng tương đối tốt rồi nhưng học từ lớp 10 là tốt nhất vì con bạn sẽ không phải chật vật về vấn đề tiếng Anh”, chị Hồng Anh nói.

 

Học tại trường Hà Nội – Amsterdam từ năm lớp 6 đến năm lớp 10, nữ sinh Lê Phương Anh (vừa giành học bổng 4,5 tỷ đồng tại ĐH Brandeis – Mỹ) đã lên đường du học trung học tại trường Saint Michael’s College, Anh Quốc.

 

Theo Phương Anh du học từ khi còn ít tuổi có những lợi thế như: Tự tin cởi mở kết bạn và học hỏi văn hóa, tiếp cận giáo dục nước phát triển, cơ hội tiếp cận nền giáo dục tiên tiến từ sớm.

 

Thầy Đặng Minh Tuấn (Tốt nghiệp ĐH tại Đại học Paris 11 và Thạc sĩ tại ĐH Lyon 1, Pháp) cho rằng, ngoài những lợi thế như nhanh chóng hòa nhập văn hóa, thích nghi môi trường, nếu học trung học ở nước ngoài, ứng viên sẽ thuận lợi trong chuyển đổi kết quả học tập. Đặc biệt là niềm tin của hội đồng tuyển sinh trường ĐH Mỹ nhiều hơn.

 

Bởi lẽ, ở đa phần các trường trung học Mỹ, thời lượng sinh hoạt ngoại khóa của học sinh được ghi rõ. Như vậy về mặt hồ sơ, ứng viên du học Mỹ từ bậc trung học sẽ phần nào có được niềm tin khi xin học bổng bậc đại học ở quốc gia này.

 

Nguồn: Dân Trí

Share.

Leave A Reply