Sẵn sàng du học – Du học tự túc là bài toán đau đầu không phải chỉ của mỗi các cháu học sinh mà còn của cả các bậc phụ huynh nữa. Tôi viết bài này với mong muốn chia sẻ với phụ huynh, học sinh về suy nghĩ và kinh nghiệm của riêng tôi về chuyện du học.
1.Thông tin du học xác thực ở đâu?
Mấy tháng trời, tôi và cháu hoang mang giữa quá nhiều thông tin du học mà vẫn không biết nên chọn nước nào, trường nào dù cho xác định ngay từ đầu rằng cháu sẽ học các ngành liên quan đến quản trị kinh doanh hoặc nhà hàng khách sạn thôi. Nào là Mỹ, Úc, Anh, Canada, nào là trường top 8, nào là nhóm các trường hàng đầu, trường nào cũng tốt, cũng hay….
Thứ nhất, gia đình và cả cháu không muốn học tại nơi có quá nhiều người Việt. Tôi mong cháu học được cái tiến tiến và cả lối suy nghĩ của phương tây, chọn lọc được cái hay cái tốt của người ta mà áp dụng vào công việc của mình. Cá nhân tôi cho rằng, du học là thời gian để con sống tự lập, xây dựng sự tự tin. Vì vậy, tôi muốn con can đảm vượt ra khỏi vùng an toàn của mình và quan trọng nhất là tự mình mạnh mẽ vượt qua những khó khăn nơi đất khách quê người.
Thứ 2, chọn trường có chất lượng đào tạo tốt và phù hợp với khả năng tài chính của gia đình. Cho dù du học là đầu tư cho tương lai của con cái, tôi vẫn giữ quan điểm đã đầu tư là phải có khả năng thu hồi vốn và đầu tư ở mức hợp lý. Tôi không phủ nhận sự tiên tiến của các chương trình học tại các nước Mỹ, Úc hay Thụy Sĩ, tuy nhiên với mức học phí ở đây quá cao. Tôi tin chắc có nhiều sự lựa chọn hợp lý hơn với chất lượng đào tạo không hề thua kém.
Thứ 3, ngoài kiến thức trong trường, các con cần học các kiến thức xã hội khác. Tôi và cháu thống nhất chọn chương trình học không quá nặng nề, kiến thức thực tế, được cập nhật mới nhất và có hỗ trợ trong quá trình học nếu có khó khăn. Từ đó, con sẽ có thời gian để trải nghiệm, tìm hiểu và khám phá đất nước, con người, văn hóa… tại đất nước đó.
Thứ 4, tôi muốn con có thể ở lại làm việc 1 thời gian tại nước đó trước khi về nước. Vừa học xong mà về nước vẫn thì chưa học hỏi được nhiều thái độ làm việc cũng như kỹ năng chuyên nghiệp từ các nước đang phát triển. Mặt khác, tôi mong con về nước phát triển và quản lý khách sạn của gia đình. Vì thế, tôi tìm chương trình học tại nước có chính sách cho sinh viên ở lại tìm việc, làm việc 1 thời gian sau khi tốt nghiệp.
Tôi không ủng hộ suy nghĩ cho con đi nước này vì người ta đi nhiều, chọn trường kia cho con vì cô A, dì B, anh C bảo tốt. Đi đâu, học gì, trường nào là quyết định ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này của con cái, tốt nhất cả gia đình và cháu phải xác định rõ mục tiêu đi học là gì, trả lời được các câu hỏi này rồi mới bắt đầu tìm thông tin và kiên định với mục tiêu của mình. Có nhiều thứ tốt với người ta không có nghĩa tốt cho mình.
2. Tìm được lựa chọn phù hợp
Sau khi xác định được mục tiêu cụ thể, gia đình tôi phần nào khoanh vùng được các trường phù hợp với cháu. Tôi thành thật khuyên các phụ huynh, học sinh nên tự tìm thêm thông tin về các trường qua website của trường hoặc đại diện chính thức của trường, đừng phụ thuộc quá nhiều vào sự tư vấn của các trung tâm tư vấn du học. Một vài thông tin cần tìm hiểu như: tỷ lệ sinh viên quốc tế trong trường là bao nhiêu, địa điểm học có khí hậu thế nào, xa thành phố lớn không, visa nước đó đi được những đâu, chương trình có được kiểm duyệt không…. Tôi không rành tiếng Anh nên hai bố con đã dành rất nhiều thời gian tự mình tìm hiểu các thông tin này.
Sau nhiều lần lọc tới, lọc lui tôi quyết định cho cháu đi du học Áo vì đây không phải điểm du học nổi tiếng với người Việt, số lượng du học sinh Việt tại Áo chỉ khoảng gần 10 ngàn người. Áo nằm tại trung tâm châu Âu, là điểm trung chuyển ngay giữa lòng châu Âu, khá thuận tiện cho cháu khi di chuyển đến các thành phố khác. Áo là thành viên của liên minh châu Âu, khi có visa Áo, cháu có thể đi được khắp 24 nước còn lại dễ dàng. Hơn nữa, học phí và chi phí sống tại Áo rẻ hơn rất nhiều so với các nước như Thụy Sĩ, Úc, Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, du học sinh được phép ở lại tìm việc 6 tháng (bây giờ luật đã thay đổi thành 1 năm) và cũng có cơ hội để làm việc lâu dài nếu có công việc tốt.
Theo tìm hiểu của tôi, các trường đại học công tại Áo có học phí thấp, chỉ khoảng 1,500 EUR/năm, nhiều trường nằm trong top các trường tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, phần lớn các trường này đều đào tạo bằng tiếng Đức. Các trường tư có học phí từ 12,000 EUR – 15,000 EUR/năm, giảng dạy bằng tiếng anh và sĩ số lớp ít và hỗ trợ du học sinh nhiều trong quá trình học tập và tìm việc sau khi tốt nghiệp. Sau khi cân nhắc, tôi quyết định chọn trường đại học tư thục Modul Vienna.
3. Trải nghiệm tại Vienna – thủ đô của Áo
Tôi đã qua với con ngày nhập học. Đến rồi mới thấy thành phố Vienna bình yên, an toàn, sạch sẽ, trong lành, hiện đại và thân thiện. Điều này khiến tôi khá yên tâm khi lần đầu cháu đi xa nhà.
Hệ thống giao thông trong thành phố hiện đại, thuận tiện. Từ Vienna, cháu có thể đến thăm các thành phố khác như Salzburg, Budapest, Munich…. dễ dàng bằng tàu.Tại Vienna, người ta di chuyển phần lớn bằng phương tiện công cộng như U-Bahn, xe buýt. Tôi cũng kịp ghé thăm nơi ở của Mozart, cung điện Shoenbrunn, vườn thú lớn nhất thế giới Tiergarten.
Sau nửa năm học tại Modul, với số lượng sinh viên châu Á chưa đến 10%, học phí phải chăng, lớp học chỉ có khoảng 30 người, có thể lựa chọn học kì trao đổi, hỗ trợ sinh viên nhiệt tình… cả cháu và gia đình đều hài lòng về sự lựa chọn này. Hiện nay trường Modul đã có đại diện tuyển sinh tại Việt Nam, có website bằng tiếng việt, thực sự tiện lợi hơn nhiều so với lúc tôi tìm trường cho con.
Với chia sẻ này, tôi hi vọng các bậc phụ huynh có thêm thông tin, có 1 cách nhìn khác về du học cũng như có nhiều lựa chọn trường, chọn nước cho con hơn.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Tiền Phong