SSDH – Vượt qua vòng phỏng vấn các chương trình giao lưu văn hóa, học bổng ngắn hạn đòi hỏi ứng viên không chỉ biết ngoại ngữ mà còn phải sử dụng nó một cách khôn ngoan, linh hoạt.
Chia sẻ kinh nghiệm của Hoàng Hải, người từng giành được các học bổng du học ngắn hạn.
Khi Việt Nam gia nhập ngày càng nhiều các mạng lưới giáo dục từ khu vực, liên khu vực đến nhiều nước trên thế giới cũng là lúc hàng loạt các chương trình mở rộng hợp tác giáo dục theo kiểu “giao lưu văn hóa”, học tập ngắn hạn, học kỳ hè, dã ngoại xuyên quốc gia, hội thảo sinh viên quốc tế… du nhập, tạo điều kiện cho các bạn trẻ đi đây đi đó để học tập, trao đổi kiến thức và kết bạn “đa văn hóa”.
Tuy nhiên, tỉ lệ chọi giữa các ứng viên ngày càng cao, trong bối cảnh cạnh tranh năng lực ngày một khắc nghiệt, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để “lọt vào mắt xanh” của các đơn vị tuyển chọn.
Đặt khả năng giao tiếp ngoại ngữ làm ưu tiên hàng đầu
Điều mà rất nhiều người tuyển “thanh niên giao lưu quốc tế” quan tâm chính là khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ. Bởi lẽ đứng trước bạn bè đa văn hóa, dù muốn hay không thì bạn cũng đã trở thành đại diện hình ảnh tuổi trẻ của một quốc gia. Những sai sót không cần thiết cần được hạn chế tối đa.
Thực tế rất nhiều bạn sinh viên lầm tưởng rằng “cứ điểm thi chứng chỉ quốc tế như TOEIC, TOEFL hay IELTS cao là sẽ dễ dàng lọt qua vòng phỏng vấn”. Điều này xét ở góc độ lý thuyết có vẻ hợp lý nhưng thực tế vẫn có những bất hợp lý. Việc thi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chỉ đánh giá một phần khả năng giao tiếp của ứng viên. Đặc biệt một số bài thi chỉ chú trọng đọc, nghe như TOEIC, càng khó đánh giá đầy đủ và chính xác khả năng giao tiếp của người học. Trong khi đó, việc thi TOEFL hay IELTS dù có điểm nói (speaking) nhưng theo nhiều giáo viên kỳ cựu trong luyện thi chứng chỉ quốc tế, đọc và nghe dễ lấy điểm hơn nhiều và hoàn toàn có khả năng bù đắp cho điểm tổng thể.
Nói tiếng Anh lưu loát trước người phỏng vấn chưa đủ mà còn phải thật tự nhiên,
khiêm tốn, hiểu biết và chu đáo.
Đó là chưa kể áp lực phỏng vấn dễ khiến ứng viên “quên hết” mọi kỹ năng, mẹo vặt mà họ được học. Những nguyên nhân trên là lý do dẫn đến trong nhiều trường hợp, ứng viên nộp chứng chỉ ngoại ngữ điểm rất cao nhưng khi bước vào phỏng vấn thì lúng túng, phát âm không rõ, nói sai ngữ pháp lẫn cách phát âm, nói không mạch lạc hoặc thậm chí là nói “tiếng Anh bồi” theo kiểu lắp ghép tiếng Việt.
Thế nên ứng viên cần có sự chuẩn bị lâu dài về mặt giao tiếp: Luyện nghe thật nhiều (bằng cách nghe máy, xem phim…) để bắt chước nhấn nhá, giọng điệu, phát âm của người bản xứ. Luyện nói với bạn bè trong câu lạc bộ, tập nói chuyện với thầy cô bằng ngoại ngữ ở các tiết học trên lớp, chủ động tiếp cận nói chuyện với người nước ngoài tại các khu cà phê học thuật (hoặc tham gia nhóm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài), đặc biệt là chịu khó “va chạm” bằng cách nộp nhiều chương trình và chấp nhận “rớt” những lần đầu tiên. Tất nhiên, việc đứng nói trước gương hoặc nhờ ai đó phỏng vấn thử trước ngày phỏng vấn thật sẽ giúp ích cho các bạn rất nhiều về vấn đề tâm lý, xử lý tình huống, rút kinh nghiệm.
Hoàn thiện bằng sự chân thành và chu đáo
Có lần một sinh viên chuyên ngành quan hệ quốc tế tên Nguyễn Ngọc O. đến phàn nàn với tôi về kết quả của một chương trình phỏng vấn chọn ứng viên tham gia chương trình “bạn cùng phòng” với các sinh viên đến từ ĐH Loyola Chicago (Mỹ). Bạn ấy bức xúc: “Rõ ràng em nói tiếng Anh tốt hơn bạn Trần Hoàng T. nhưng bạn T. đậu còn em lại rớt”.
May mắn thay tôi có dịp nói chuyện với ban phỏng vấn em ấy. Chị Trần Thị V. là trưởng ban nhận xét đúng là O. nói tiếng Anh rất tốt, vượt trội so với T. nhưng O. vẫn rớt vì nhiều lý do. Chị V. phân tích có lẽ là vì giỏi ngoại ngữ nên thái độ O. tự tin quá mức cần thiết, nếu không muốn nói là khoa trương, dài dòng, màu mè và thiếu tính khiêm tốn. Đó là chưa kể các câu hỏi xoáy vào vấn đề kiến thức thì O. dường như chỉ trả lời lòng vòng, không đúng trọng tâm, cho thấy O. “chỉ có ngoại ngữ”.
Trong khi đó, T. tuy kém ngoại ngữ hơn O. nhưng vẫn có khả năng giao tiếp, đảm bảo yêu cầu tối thiểu của chương trình. Thái độ chân thành, khiêm tốn và khéo léo trong xử lý tình huống mà giám khảo đặt ra khi ở cùng phòng với bạn nước ngoài của T. khiến người giảng viên đến từ Loyola rất hài lòng. Điều quan trọng là T. có nhiều câu chuyện về văn hóa, con người, bản sắc Việt Nam để kể, thu hút sự lắng nghe của người nước ngoài. Thế nên một cách toàn diện thì T. hoàn toàn xứng đáng.
Câu chuyện chị V. kể càng trở nên thuyết phục khi tôi gặp T. vài tuần sau đó. T. kể: “Em đã chuẩn bị những bức ảnh về Việt Nam, những bài hát dân ca và những kiến thức cơ bản về quan hệ Việt-Mỹ với mong muốn thuyết phục giám khảo”. Điều quan trọng mà T. chia sẻ chính là “Em đã gặp các anh chị từng tham gia chương trình để hỏi thăm và được các anh chị tư vấn rất nhiều tình huống đề bài của những năm trước”. Cùng với lượng kiến thức mà tôi chắc mẩm là T. có rất nhiều sau những công trình nghiên cứu khoa học, các chương trình học nhóm trong câu lạc bộ… T. đã xử lý tốt các tình huống nhạy cảm về văn hóa, chính trị với người nước ngoài đặt ra trong chương trình.
Tuy nhiên, điều quan trọng cốt yếu mà thiết nghĩ ai cũng cần quan tâm chính là T. từng trượt nhiều chương trình trước đó. “Những lần thất bại ấy càng làm em tăng quyết tâm theo kiểu rớt thì rớt, sợ gì. Và hơn nữa, cứ mỗi lần rớt, kinh nghiệm đã giúp em xử trí tốt hơn” – T. cười.
Nguồn: PLO