Làm thêm có lợi và có hại gì cho du học sinh Úc?

0

SSDH – Hầu như du học sinh nào cũng muốn tìm một công việc làm thêm để có thêm thu nhập và kinh nghiệm cho cuộc sống du học Úc của mình. Tuy nhiên, mặt trái của việc làm thêm tại Úc là gì thì có lẽ nhiều bạn chưa biết.

 

1. Lợi ích từ việc làm thêm khi du học Úc

 

Kiếm thêm chút tiền để trang trải cho cuộc sống tại Úc

 

Như các bạn cũng biết thì chi phí du học Úc không hề rẻ vậy nên nếu chúng ta có thể dành chút thời gian để kiếm tiền thì vấn đề tài chính của chúng ta có thể được phần nào giảm bớt. Tuy nhiên các bạn phải đảm bảo là việc làm của bạn không ảnh hưởng đến chuyện học của bạn. Mình đã chứng kiến nhiều bạn đi làm rất chăm chỉ và chểnh mảng chuyện học hành. Kết quả là bạn ý trượt các môn học và phải dùng tất cả số tiền vừa kiếm được để đóng học lại các môn đó. Việc này không chỉ tốn tiền của bản thân mà còn tốn thời gian, ảnh hưởng tới bảng điểm và những dự định của chính chúng ta nữa.

 

Đó là một cách rèn luyện bản thân

 

Đi làm thì bạn sẽ thấy mọi thứ thường xảy ra theo hướng mình không muốn. Học cách làm sao để xử lí các vấn đề theo hướng tích cực cũng là một kĩ năng rất cần thiết cho bạn sau này.

 

Kết thêm bạn mới

 

Bạn sẽ có cơ hội được làm quen với những người bạn mới tới từ nhiều tầng lớp, văn hoá, xã hội khác nhau. Những kiến thức, mối quan hệ bạn tích cóp, xây dựng  từ đây sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều sau này. Chi tiết mình như thế nào thì mình sẽ nói chi tiết hơn ở một bài viết khác.

 

Một cách để làm đẹp Resume

 

Tại Úc, kinh nghiệm luôn luôn được chú trọng hàng đầu khi quyết định thuê tuyển ai đó. Vậy nên nếu các bạn thể hiện mình là một con người năng động, đa năng có kinh nghiệm thì các nhà tuyển dụng sẽ càng để ý đến bạn hơn.

 

Làm thêm có lợi và có hại gì cho du học sinh Úc?

 

2. Mặt hại khi đi làm thêm của du học sinh Úc

 

Việc làm thêm là một trong những vấn đề hàng đầu được quan tâm của các bạn trẻ trước khi đi du học. Tuy nhiên, có những khó khăn mà không phải ai cũng có thể hiểu được nếu không đặt mình trong hoàn cảnh của một du học sinh.

 

Ảnh hưởng đến việc học tập

 

Việc học tập ở Úc thực sự rất khác biệt so với Việt Nam, lối giảng dạy cũng như lượng kiến thức mới, khổng lồ khiến nhiều du học sinh gặp khó khăn. Nếu còn đi làm thêm, nhiều bạn đã phải chạy đua với thời gian từng giờ, từng phút để có thể kịp giờ lên lớp, giờ đi làm.

 

Nếu như ở Việt Nam bạn có thể thoải mái phóng xe máy đến chỗ làm sau giờ học, thì ở Úc, nhiều khi bạn phải mất hàng tiếng đồng hồ để đợi tàu điện hay xe buýt. Một điều đặc biệt là ở nước ngoài, giờ nghỉ trưa rất ngắn, chỉ từ 30 phút đến 1 tiếng. Nhiều du học sinh chưa quen với việc này nên thường ngủ trưa quá cả giờ lên lớp.

 

Một du học sinh Úc chia sẻ rằng “Nếu không phải đi làm, sinh viên Việt Nam học rất giỏi; nhưng vì mỗi tuần phải bỏ sức lao động từ 1 – 2 ngày, liên tục 12 – 13 giờ/ngày trong điều kiện làm việc ồn ào hoặc phải mang vác nặng nên sinh viên cảm thấy rất mệt mỏi. Để hồi phục phải mất một ngày. Do đó ảnh hưởng rất lớn đến việc học, những hôm sau tôi thường phải dậy rất muộn”.

 

Bố mẹ ở Việt Nam lo lắng

 

Bố mẹ nào khi cho con mình đi Úc du học cũng muốn có thể thay đổi được hoàn cảnh sống, có môi trường tốt hơn để học tập. Nhưng nhiều bậc phụ huynh cũng thấp thỏm đứng ngồi không yên khi biết tin con mình đi làm thêm ở nơi đất khách quê người.

 

Lê Thị Ngọc Vân, du học sinh Úc cho biết: “Mình đang làm nhân việc phục vụ cho một nhà hàng 3 – 5 buổi một tuần. Gia đình rất lo lắng khi biết tin mình vừa học vừa làm ở đây vì sợ ảnh hưởng đến việc học. Mình đã phải động viên bố mẹ rất nhiều để họ yên tâm, đồng thời cũng cố gắng đảm bảo tốt việc học ở trường”.

 

Đã xác định đi làm thêm buộc bạn phải bớt thời gian ngủ nghỉ và cả việc học của mình lại, việc cân bằng những điều này một cách hiệu quả không phải ai cũng thực hiện được. Giữ được một trạng thái sức khỏe ổn định và phong độ học tập tốt để gia đình ở Việt Nam yên tâm là điều tiên quyết mà mỗi du học sinh cần làm.

 

Bị đuổi vì kém ngoại ngữ

 

Nhiều bạn có điều kiện du học Úc tự hào vì mình sở hữu bằng IELTS, TOEIC, TOEFL điểm cao nhưng khi đặt chân đến đất nước bản địa vẫn vấp phải khó khăn trong việc giao tiếp.

 

Khi được hỏi, Phùng Thị Ngọc Hân, du học sinh tại Úc, vẫn tỏ ra tiếc nuối: “Mình sang Úc 3 tháng là kiếm được một công việc làm thêm khá ưng ý ở một tiệm đồ ăn châu Á, những ngày đầu mình đảm nhận công việc lau chùi bàn ghế và rửa chén bát nên không cần giao tiếp nhiều.

 

Nhưng sau khi được giao việc ở quầy lễ tân thì mình hoàn toàn “cứng họng” vì không thể nói được câu nào hoàn chỉnh với khách, trước đây mình tập trung học ngữ pháp nên bây giờ khi giao tiếp mình hoàn toàn bị động”.

 

Sự chuẩn bị kĩ lưỡng về ngôn ngữ trước khi đi du học thật sự rất quan trọng để giúp bạn có được một công việc làm thêm như ý. Đừng để mình phải lỡ mất cơ hội vì khả năng giao tiếp kém hay thiếu tự tin.

 

Và hàng tỷ mối nguy hiểm khác

 

Bên cạnh đó, những khó khăn tuy không thường xuyên gặp phải nhưng cũng trở thành một trong những mối lo ngại lớn của các bạn du học sinh Úc hư bị lừa đảo, bị bắt làm những công việc nặng nhọc với những đồng lương ít ỏi, bị cạnh tranh với những người bản địa…

 

3. Vậy sinh viên du học Úc có nên đi làm thêm?

 

Câu trả lời tất nhiên là “RẤT CẦN”, thậm chí đó là một phần của việc du học cho dù bạn đi bằng học bổng hay du học Úc tự túc. Hơn 98% sinh viên du học được khảo sát đều quả quyết rằng việc làm thêm vừa giúp trang trải phần nào kinh phí, vừa tăng khả năng tiếp xúc với người bản xứ, cải thiện ngôn ngữ cũng như nhiều kĩ năng quan trọng khác. Và nhớ kĩ rằng, có tỷ phú nào mà không bắt đầu từ công việc bưng bê chứ !

 

Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng dễ dàng tìm việc làm, nhất là những ngày đầu tiên bạn đến xứ lạ. Một bạn phải hi sinh kết quả học tập để có đủ khả năng chi trả cho toàn bộ chi phí suốt 3-4 năm học tâp tại Úc, thậm chí một số trường hợp đáng tiếc xảy ra đó là một vài bạn phải đối mặt với Luật Di Trú của chính phủ Úc khi bị phát hiện làm thêm mà không khai báo. Chính vì thế, hãy cố gắng tìm một biện pháp hợp lý để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra nhé.

 

4. Những điều du học sinh cần biết khi làm thêm tại Úc

 

Quyền của bạn

 

Mỗi người làm việc tại Australia, bao gồm sinh viên du học Úc hay người có visa làm việc tại Úc trong kỳ nghỉ, có các quyền cơ bản khi làm việc. Những quyền này gồm:

  • Có lương tối thiểu: Nhà tuyển dụng và người lao động không được phép thỏa thuận một mức chi trả thấp hơn thù lao tối thiểu hiện tại.  Thù lao tối thiểu liên bang hiện tại (tính tới ngày 1 tháng Bảy năm 2014) là 16,87 đô-la Úc mỗi giờ hoặc 640.90 đôla Úc mỗi tuần. Các bạn du học sinh Úc có thể tìm hiểu thêm thông tin về mức thù lao tối thiểu tại trang web: www.fairwork.gov.au
  • Không thừa nhận sự sa thải bất công (nếu bạn bị đuổi việc).
  • Nghỉ và thời gian nghỉ ngơi.
  • Môi trường làm việc an toàn và lành mạnh.

Hầu hết người làm công ở Australia được bảo vệ bởi một “phần thưởng” thiết lập mức lương tối thiểu và những điều kiện của một lĩnh vực trong công việc hay ngành công nghiệp. Để biết thêm chi tiết về các quyền làm việc, hãy vào trang web Công Bằng Trong Công Việc của chính phủ Australia.

 

Bạn cũng cần lấy mã số thuế để làm việc ở Australia. Bạn sẽ phải đưa mã số thuế của mình cho người chủ để không phải trả mức thuế cao nhất. Hãy vào trang web của Cục Thuế Australian để biết thêm thông tin về việc lấy mã số thuế, cũng như thông tin về việc đóng thuế ở Australia.

 

Hướng dẫn cách tìm việc làm cho sinh viên đi du học Úc:

  • Tham khảo trên các tờ báo địa phương và trên các trang web như: www.seek.com.au, www.careerone.com.auwww.mycareer.com.
  • Liên hệ với những văn phòng hướng nghiệp của cơ sở giáo dục hoặc trung tâm sinh viên. Họ có thể cung cấp cho bạn thông tin về những doanh nghiệp địa phương đang có nhu cầu tuyển dụng du học sinh Úc.
  • Các doanh nghiệp địa phương cũng đăng quảng cáo trên các bảng tin trường học và trong cửa hàng của họ. Hãy để ý tới những thông báo này.
  • Nhờ đến sự giúp đỡ từ những người bạn. Họ có thể biết một doanh nghiệp nào đó đang tuyển nhân viên và ít ra họ cũng sẽ cho bạn biết nếu họ thấy một công việc phù hợp với bạn.

Cách nộp đơn xin việc:

  • Lý lịch xin việc của bạn nhằm giới thiệu những kỹ năng của bạn cho nhà tuyển dụng.
  • Lý lịch cần nêu cụ thể tiểu sử làm việc, những kỹ năng, kinh nghiệm, càng chi tiết càng tốt.
  • Có thể bạn sẽ mất nhiều thời gian để chuẩn bị CV nhưng nhà tuyển dụng chỉ dành vài phút xem hồ sơ của bạn. Do vậy, bản lý lịch của bạn phải vượt trội hơn những đối thủ khác.
  • Ngoài ra, bạn cũng nên gửi bản lý lịch của mình trước thời hạn được đăng trên quảng cáo.

Phỏng vấn xin việc part – time khi du học Úc:

  • Chuẩn bị kỹ và hãy bảo đảm rằng bạn có thể trả lời, giải thích cụ thể về những thông tin bạn đưa ra trong đơn xin việc.
  • Lắng nghe cẩn thận mỗi câu hỏi và trả lời rõ ràng.
  • Nếu chẳng may, có câu hỏi nào bạn không hiểu thì hãy lịch sự đề nghị nhà tuyển dụng nhắc lại lần nữa nhé! Quan trọng nhất là, bạn cũng nên ăn mặc gọn gàng và giữ bình tĩnh nữa.

 

 

Nguồn: Kênh Tuyển Sinh

Share.

Leave A Reply