Sẵn sàng du học – Đi du học trong thời gian trên 6 tháng, bạn nên nghĩ đến việc sở hữu một tài khoản ngân hàng (NH) để thuận tiện giao dịch và tiết kiệm khoản phí phải trả cho việc dùng thẻ quốc tế. Bài viết sẽ giúp bạn hình dung về quá trình đăng ký làm thẻ NH ở nước ngoài.
Chọn ngân hàng
Ở nước ngoài có vô vàn lựa chọn về NH và bạn không thể biết được NH nào tốt và phù hợp nhất. Cách tốt nhất là bạn nên liên hệ với những tổ chức địa phương như Hội sinh viên (SV), văn phòng quản lí SV nước ngoài của trường Đại học (ĐH)… để tìm hiểu thông tin. Có nhiều trường sẽ “bắt tay” với NH để giúp làm thẻ cho SV nước ngoài vào đầu năm học với cam kết chi phí rất rẻ, thậm chí bằng 0 (trường ĐH Khoa học Ứng dụng The Hague với Rabobank) – vì vậy, bạn cũng cần cập nhật những thông báo này vào đầu năm học để không bỏ lỡ cơ hội lập thẻ với chi phí thấp.
Tham khảo thông tin trước cuộc hẹn
Khi đã chọn được NH thích hợp và có được cuộc hẹn với đại diện NH đó, bạn nên tìm hiểu thông tin về các dạng tài khoản khác nhau. Cách tốt nhất là lên trang web hoặc tạt qua chi nhánh NH để lấy các brochure, flyer tham khảo. Lưu ý là bạn nên chọn các loại thẻ dành cho giới trẻ với nhiều ưu đãi về chi phí mở thẻ và chi phí NH để tiết kiệm. Nhân dịp này, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về tài khoản tiết kiệm (saving account) và vay mượn (loan) phòng trường hợp cần đến về sau.
Chuẩn bị đủ giấy tờ
Không phải có tiền là có thể làm thẻ NH ngay bởi quy trình này yêu cầu một số giấy tờ nhất định. Ba giấy tờ chính mà bạn cần phải có để được lập tài khoản là hộ chiếu, thư nhập học (hoặc thẻ sinh viên) và giấy xác nhận nhà ở. Tại một số quốc gia, bạn còn được yêu cầu nộp giấy giới thiệu và bản sao kê của NH trong nước.
Đến cuộc hẹn mở thẻ với người có kinh nghiệm
Nếu không tự tin về vốn ngoại ngữ của mình lúc mới sang, bạn nên nhờ một người bạn đã du học từ trước đến cùng cuộc hẹn. Người viết bài đã chủ động nhờ cô giáo ở văn phòng quan hệ quốc tế đến cuộc hẹn mở thẻ và nhận được sự trợ giúp này. Tuy nhiên, nếu phải thực sự tự thân vận động, bạn cần tìm hiểu các từ chuyên ngành, điều khoản NH để không gặp bỡ ngỡ khi trao đổi. Việc mang theo kim từ điển/từ điển/máy điện thoại/Ipad… có cài từ điển cũng là một cách hay. Quan trọng là không được ký bừa, ký sai một hợp đồng quan trọng như vậy.
Nên chọn dịch vụ NH điện tử
Ở nước ngoài, dịch vụ NH điện tử (online banking) rất phổ biến và không hề rủi ro như bạn vẫn thường được rỉ tai ở Việt Nam. Đa số NH nào cũng có hỗ trợ dịch vụ này với hai tiện ích lớn nhất là cho phép mua sắm và chuyển khoản trên mạng. Tưởng tượng khi thiết kế một chuyến du lịch ở nước ngoài, bạn sẽ làm thế nào nếu không đặt phòng hay mua vé tàu trên mạng từ trước? Ngoài ra, bạn cũng có thể quản lí tài khoản của mình trên mạng mà không phải chạy tới chạy lui những cây ATM. Vì vậy, hãy cân nhắc dịch vụ này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Hỏi, hỏi và hỏi
Cuộc hẹn mở thẻ là dịp giúp bạn hiểu rõ hơn về loại thẻ và cách sử dụng thẻ NH ở nước ngoài. Công việc của nhân viên NH khi đó là giải đáp tất cả mọi thắc mắc của bạn, vì vậy đừng ngại đặt câu hỏi cho họ. Ví dụ như bạn có thể đặt câu hỏi về những địa điểm có đặt máy rút tiền ở khu bạn sống hay chi phí bạn phải trả khi rút tiền ở nước ngoài (phòng trường hợp đi du lịch). Thậm chí bạn cũng có thể hỏi họ cách sử dụng máy rút tiền/máy nạp tiền hay cách viết séc (cheque) chẳng hạn. Đừng ngại ngần, quan trọng là được việc cho mình mà phải không?
Khi tất cả mọi khúc mắc đã được giải tỏa và bản hợp đồng đã được trao tay thì xin chúc mừng, bạn đã chính thức có một tài khoản NH ở nước ngoài! Tuy nhiên, bạn thường phải chờ đợi trong một thời gian để nhận thẻ và mật khẩu được gửi về tận nhà.
Thu Phương (SSDH) – Theo vietnamcentrepoint.edu.vn