Mua đôla ngân hàng dễ hơn

0
dCơ hội mua đôla của người dân tại nhà băng đã rộng hơn, khi nguồn cung bớt căng thẳng và tỷ giá chợ “đen” gần cân bằng với trong ngân hàng.

Chị Lan Anh nhà ở đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) kể, một tháng trước đến hội sở Techcombank trên phố Bà Triệu để hỏi mua USD thì bị nhân viên thẳng thừng từ chối. Tuy nhiên, sáng nay, trực tiếp làm việc với nhân viên phòng thanh toán quốc tế của Techcombank, chị được xác nhận có thể mua 1.000 USD nếu làm đủ thủ tục cần thiết.

Nhân viên Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trên phố Ngô Quyền (Hà Nội) cũng thông báo gần đây, nhà băng này đã nâng hạn mức bán đôla tiền mặt cho khách hàng cá nhân. Thay vì chỉ bán tối đa 100 USD như trước, khách có cơ hội mua được 500 USD để mang đi nước ngoài phục vụ các mục đích như du học, du lịch, công tác, khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, chị này cũng thừa nhận, với những nhu cầu nhiều hơn 500 USD, Vietcombank khó có thể đáp ứng đôla tiền mặt, mà chỉ thanh toán qua thẻ chuyển khoản và khách hàng nộp phí. Hiện tại, nếu muốn chuyển 10.000 USD sang nước ngoài, mức phí phải nộp cho ngân hàng là 33 USD.

Dù thế hầu như tất cả nhân viên ngân hàng đều thừa nhận, hình thức chuyển khoản này chỉ thích hợp với khách hàng cá nhân sang nước ngoài để du học hay khám bệnh. Những mục đích khác như đi công tác hay du lịch nước ngoài, thì việc mua đôla tiền mặt vẫn là giải pháp tốt.

Nguyên nhân là những người công tác hay du lịch, nếu sở hữu một số lượng đôla nhất định trong túi thì việc chi tiêu khi ở nước ngoài sẽ chủ động hơn. Nhưng khi nhu cầu của khách vượt quá số lượng USD mặt nhà băng có thể đáp ứng, chính nhân viên giao dịch cũng không biết tư vấn như thế nào. “Thường nếu khách muốn mua nhiều, quá hạn mức cho phép của ngân hàng, chúng tôi vẫn khuyên đi gom từ nhiều đơn vị khác, mỗi nơi một chút”, chị nói.

Theo tìm hiểu của VnExpress.net, một số ngân hàng thương mại cũng nới lỏng bán đôla cho khách hàng cá nhân, với số lượng ngoại tệ có thể mua mỗi lần nhiều hơn trước.

Thay vì từ chối bán, sáng nay, nhân viên phòng giao dịch của VPBank trên phố Lê Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, nếu hồ sơ khách hàng cá nhân đủ điều kiện như quy định có thể mua được tối đa 5.000 USD. Dù vẫn phải đợi phòng tín dụng xét duyệt hồ sơ, nhưng theo chị này, khả năng mua được khá cao, vì hiện tại, nguồn cung ngoại tệ của ngân hàng này có thể cân đối để đáp ứng nhu cầu khách hàng cá nhân. Giá USD bán ra tại đây lúc hơn 10h trưa nay là 20.935 đồng một USD.

Người dân còn mách nhau, thời điểm này, muốn mua đôla, cứ việc đến ngân hàng hỏi những người mang đôla bán lấy tiền đồng. Thậm chí, chỉ cần khéo nói chuyện với nhân viên giao dịch, sẽ không quá khó để người có nhu cầu mua được USD.

Trưa 20/4, nhân viên phòng thanh toán quốc tế của một nhà băng lớn tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhận lời bán cho khách số đôla khách cần. Chị này cho hay, hiện có vài chục nghìn USD muốn đổi sang tiền đồng, nên có người mua thì sẽ bán trực tiếp, chứ không cần thông qua ngân hàng. Giá bán ra được niêm yết theo tỷ giá tại nhà băng này, là 20.935 đồng một USD.

Theo tìm hiểu của VnExpress.net, hiện tại, nguồn cung ngoại tệ của các ngân hàng không còn căng thẳng như trước do người dân đã bắt đầu có thói quen bán đôla cho nhà băng thay vì chợ “đen”. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn có nguồn ngoại tệ dồi dào cũng bắt đầu xả tài khoản bán cho ngân hàng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, cửa mua USD tại nhà băng cho khách hàng cá nhân rộng hơn.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á cho biết, nguyên nhân của việc người dân dễ mua đôla hơn tại ngân hàng trong thời điểm này, là nguồn ngoại tệ tại hầu hết các nhà băng đều có đủ để đáp ứng. Theo ông, nguyên tắc là ngân hàng có mua được ngoại tệ, mới có đủ để bán cho dân. Khi người dân thấy bán USD cho nhà băng có lợi và an toàn hơn bán cho chợ “đen thì rõ ràng nhà băng sẽ có đủ nguồn để bán cho cả khách doanh nghiệp lẫn khách cá nhân, ông Bình nói.

Cũng theo ông Trần Phương Bình, trong thời điểm hiện nay, với nhu cầu mua USD tiền mặt của cá nhân, Đông Á có thể đáp ứng nhiều hơn hạn mức quy định. Tuy nhiên, việc hạn mức này có được điều chỉnh nhiều lên hay không thì ông Bình chưa khẳng định.

Nhiều ngân hàng ghi nhận lượng ngoại tệ đang dồi dào hơn trước, thậm chí một số đơn vị trạng thái dương khá lớn. Lượng ngoại tệ mua được, họ chủ yếu dùng để phục vụ khách hàng vì nếu bán lại cho Ngân hàng Nhà nước giá lúc này rất thấp.

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố 20/4 giảm 5 đồng so với hôm 19/4, xuống 20.728 đồng đổi một đôla. Trong khi Ngân hàng Nhà nước ấn định giá bán tại Sở Giao dịch ở mức kịch trần, 20.935 đồng thì chỉ mua vào với giá sàn 20.521 đồng. Trong khi giá giao dịch tại các ngân hàng phổ biến là 20.915 – 20.935 đồng (mua vào – bán ra).

Tuệ Minh (Theo vnexpress.vn)

Share.

Leave A Reply