Sẵn sàng du học – Nộp hồ sơ vào Mỹ có nhiều đợt như RD/ED/EA/Rolling Admission… và thường được chia làm 3 vòng chính. Mỗi vòng có những đặc thù riêng, ứng viên tùy khả năng và mục đích để lựa chọn phù hợp.
Nội dung trên được các diễn giả giải đáp trong phòng tham vấn “Bí quyết săn học bổng và hỗ trợ tài chính khi du học Mỹ” tại triển lãm hơn 50 trường đại học danh giá nhất Mỹ được tổ chức ngày 1/7 ở Hà Nội.
Theo chia sẻ của diễn giả Lê Diệu Linh (một trong những học sinh Việt Nam đầu tiên được học bổng toàn phần vào ĐH Williams, Mỹ), ở đại học Mỹ ,có 3 vòng nộp hồ sơ.
Vòng nộp hồ sơ sớm gồm Early Decision (ED – nộp hồ sơ sớm có ràng buộc) và Early Action (EA – nộp hồ sơ sớm không ràng buộc) xảy ra vào tháng 11.
ED là vòng tuyển sinh có ràng buộc, ứng viên chỉ được nộp duy nhất một trường đại học, nếu được nhận vào trường đó thì cam kết đi và rút đơn ở tất cả các trường khác.
EA cũng là vòng nộp hồ sơ sớm nhưng không ràng buộc. Hạn nộp thường trong tháng 11 hoặc 12 và nhận kết quả vào tháng 1 hoặc 2. Tuy nhiên, vòng này không ràng buộc như ED. Ứng viên có thể chọn ra một trong nhiều trường đại học nhận mình để theo học và đưa ra quyết định cuối cùng về trường mình chọn trước 1/5.
Hầu hết các ứng viên nộp đơn ở đợt sớm có ràng buộc xác định đóng mức chi phí cao để tăng cơ hội được nhận học vào 1 trường đại học họ yêu thích nhất.
Tỉ lệ trúng tuyển của ứng viên nộp vòng này cũng cao hơn so với các vòng sau. Tuy nhiên, hồ sơ của ứng viên nộp vòng này cũng cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng, có sự nổi trội xuất sắc trong thành tích học tập cũng như hoạt động ngoại khóa.
Thứ hai, vòng thông thường (Regular Decision- RD) diễn ra vào tháng 1 năm sau. Đây là vòng nộp hồ sơ phổ biến nhất và cũng cho nhiều học bổng/hỗ trợ tài chính nhất.
Do vậy, nếu ứng viên nào muốn tối ưu hóa khả năng xin học bổng (xin nhiều học bổng/ hỗ trợ tài chính) thì nên nộp hồ sơ ở đợt này và đợt nộp RD, ứng viên được phép nộp đơn cho nhiều trường khác nhau.
Tuy nhiên, đây là vòng đông đảo thí sinh chọn nộp hồ sơ dự tuyển và có thêm thời gian để hoàn thiện hồ sơ hơn 2 vòng trước nên mức độ cạnh tranh cao hơn. Tỷ lệ trúng tuyển một số trường ở đợt này thấp hơn so với hai vòng trước (vòng ED và EA).
Thứ ba, vòng nộp hồ sơ cho đến khi đủ chỉ tiêu (Rolling Admission – RA). Ở vòng này, trường sẽ nhận học sinh cho đến khi đủ chỉ tiêu, thường rơi vào tháng 5 hoặc 6. Tiêu chí xét duyệt hồ sơ đơn giản hơn các vòng khác. Tỷ lệ nhận học ở vòng này cao, nhất là với ứng viên có khả năng tài chính tốt. Song ở vòng này, trường thường ít xét hỗ trợ tài chính/học bổng cho ứng viên.
“Thông thường, các bạn xin học bổng cần tận dụng hết mức đợt nộp hồ sơ sớm. Vì ở vòng này, các thí sinh sẽ giảm vì không có nhiều thí sinh có thể nộp hồ sơ ở đợt sớm như vậy. Thứ hai, với yêu cầu nộp hồ sơ ràng buộc, thí sinh không được nộp quá nhiều trường. Lượng thí sinh giảm thì chúng ta sẽ giảm được sự cạnh tranh, hơn nữa lúc này ngân sách của trường còn nhiều.
Trong 2 năm gần đây, chúng tôi nhận thấy càng những bạn nộp hồ sơ sớm thì xác suất được nhận và học bổng được nhận sẽ cao hơn rất nhiều”, cô Lê Diệu Linh lưu ý.
Có chiến lược kỹ lưỡng
Theo các chuyên gia, ứng viên cũng nên biết rõ thực sự tài chính gia đình mình có thể đóng góp được là bao nhiêu để có lựa chọn vòng nộp hồ sơ phù hợp nhất. Có nhóm trường đại học không quan tâm học sinh đóng bao nhiêu tiền thường là nhóm Ivy League, tuy nhiên nhóm trường này đòi hỏi học sinh có hồ sơ rất nổi bật.
Ngoài ra, nhóm đại học Mỹ top 40-100, cũng có chất lượng tốt, để có kết quả tối ưu nên có dữ liệu hệ thống các trường đại học tại Mỹ.
Nói về chiến lực phù hợp để tối ưu hóa khả năng giành học bổng ở Mỹ, em Vũ Tuấn Minh (Sinh viên Việt tại Đại học Rice, Mỹ) cho rằng: “Nên hỏi những anh chị đi trước đã từng học ở trường về cách trường cấp học bổng/ hỗ trợ tài chính như thế nào”.
Em Phạm Tuấn Bảo Châu (sinh viên Việt tại Đại học Yale, Mỹ) chia sẻ: “Nộp hồ sơ vào Mỹ có nhiều đợt, thường đợt Early Decision hoặc Early Action sẽ có nhiều học bổng hơn. Theo em, nên chọn các trường vừa khả năng tài chính của mình hoặc trường mình thích.
Ngoài ra còn có đợt Restrictive Early Action (REA), chỉ cho nộp hồ sơ vào một trường, những trường sử dụng đợt này thường xét hồ sơ không nhìn vào khả năng chi trả của mình để quyết định xem mình có hợp hay không mà họ chỉ nhìn vào hồ sơ học thuật, độ xuất sắc của ứng viên. Những trường này không có nhiều, trước đây em cũng nộp vòng này vào ĐH Yale”.
Tóm lại, để chinh phục thành công đại học Mỹ, ứng viên cần chuẩn bị sớm, xây dựng hồ sơ tương đối mạnh về học tập, hoạt động ngoại khóa và quan trọng không kém là chọn đúng trường, đánh giá đúng tương quan của hồ sơ của mình so với trường.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Dân Trí