Nên học chương trình thạc sỹ Mỹ 2 năm hay dưới 2 năm?

0

SSDH – Thạc sỹ Mỹ có nhiều chương trình chỉ 12 tháng, 16 tháng hoặc 2 năm học. Vậy du học sinh nên lựa chọn khóa học nào để thuận tiện nhất cho việc xin việc sau khi tốt nghiệp? Hãy cùng SSDH tìm hiểu qua bài chia sẻ dưới đây của chị Jenny Hoàng nhé!

Mới có bạn hỏi về vấn đề việc bạn ấy định học chương trình 16 tháng của Mỹ, nên mình có một số thông tin cần cung cấp để cả làng nắm cho thật rõ:

Thạc sĩ Mỹ có nhiều chương trình học chỉ 12 tháng, 16 tháng hoặc 2 năm học bình thường, thế nhưng mình luôn khuyên các bạn mới sang Mỹ lần đầu là nên học 2 năm:

[Tham khảo: Kinh nghiệm chuẩn bị nhập học tại Mỹ]

Chương trình học 1.5 năm (16 tháng):

  • Loại chương trình này thường bắt đầu vào kì xuân. Do cơ chế phân phối quỹ, kì xuân thường ít học bổng hơn kì thu
  • Còn nếu 1.5 năm mà bắt đầu vào kì thu, thì đến lúc bạn ra trường vào mùa đông của Mỹ, lúc đó không vào mùa tuyển dụng Mỹ rất khó xin việc.
  • Kì xin việc của Mỹ thường bắt đầu vào mùa thu năm trước cho công việc hoặc thực tập vào mùa hè sang năm. Sang học vào kì xuân cũng sẽ làm nhỡ đoạn nộp đơn xin việc tốt nhất.
  • Mỹ quy định 9 tháng đầu tiên của sinh viên mới sang Mỹ thì sinh viên chỉ được làm trong trường. Nếu bạn sang kì xuân thì hầu như không đủ điều kiện để xin thực tập ngoài trường vào hè năm đó. Không có thực tập thì khó xin việc sau khi học xong.

Vậy nên tốt nhất vẫn là học đủ 2 năm, hết năm nhất có thực tập (xin từ kì 1 năm nhất), hết năm hai có việc (sau thực tập được giữ lại hoặc xin từ kì 1 năm hai).

Khi nào thì nên học chương trình dưới 2 năm?

  • Khi bạn đã có bằng thạc sĩ rồi nhưng chưa có việc (Cân nhắc từ đầu kì 2 của năm hai, trước khi nộp OPT)
  • Hơn nữa, OPT của chuyên ngành bạn học là OPT hệ non-STEM (1 năm)
    Lúc này nếu học thêm 1 bằng STEM (12 tháng) mà có OPT 3 năm (ở lại 3 năm đi làm sau khi học) thì sẽ dễ kiếm việc hơn.

Ngoài ra các bạn ở Mỹ nhiều năm rồi quay từ đi làm sang đi học thì lấy các bằng thạc sĩ 1 năm cũng ổn vì không bị giới hạn 9 tháng kia.
STEM bao gồm các ngành Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kĩ sư (Engineering) và Toán (Math). Tuy nhiên một bằng có được xếp vào hệ STEM hay không thì các bạn phải tra kĩ với trường. Các ngành kiểu sinh học, hóa học thì rõ ràng là STEM nhưng các ngành kiểu Quản trị Chuỗi cung ứng rồi Quản trị Hệ thống thông tin thì chưa chắc, tùy trường.

XIN VISA TỪ PHÍA VIỆT NAM?

STEM hay không STEM không liên quan gì đến việc đỗ hay trượt visa.
Khi bạn nộp đơn xin học vào một trường. Nếu trường nhận bạn, và có một chút học bổng (hoặc không), thì quy trình sẽ như sau:

  1. Trường gửi bạn Admission Letter (thường có khối lượng học bổng và số tiền còn phải đóng 1 năm)
  2. Yêu cầu bạn nộp SEVIS Fee ($900) cho USCIS.
  3. Yêu cầu bạn nộp tiền đặt cọc để giữ chỗ ở trường (Tùy trường $300 đến $2000 – trường top)
  4. Yêu cầu bạn nộp chứng minh tài chính. Giấy chứng nhận có Letter Head và chữ kí của ngân hàng về phần tiền mà bạn còn phải nộp cho trường (thường chỉ cần tài khoản được trên 3 tháng tại ngân hàng là ổn rồi, không cần 6 tháng. Và chỉ cần chứng minh cho năm đầu tiên.)
  5. SAU ĐÓ TRƯỜNG MỚI GỬI I-20 hay còn gọi là F1 cho bạn.
  6. Bạn dùng thông tin của F1, khai DS-160 cho students visa. Đi nộp tiền và lên lịch phỏng vấn sau khi có giấy chứng nhận nộp tiền.
  7. Lúc bạn cầm F1 đến lãnh sự quán thì không phải mang theo chứng minh tài chính nữa. Nếu trường rank tốt và học bổng cao (>50%) + bạn không có hành vi gian dối, thì khả năng bạn trượt visa cực kì thấp.

Có bạn hỏi có thể dùng học bổng trường B để chứng minh tài chính cho trường A không thì nhìn quy trình trên: học trường nào thì chứng minh với trường đó, trừ khi bạn đi Fulbright thì lại là học bổng kiểu khác.

[Tham khảo: DHS Mỹ thuộc lĩnh vực STEM được gia hạn lưu trú]

VẤN ĐỀ TỪ ĐI HỌC ĐẾN CHUYỂN SANG VIỆC LÀM:

Ngoài vấn đề kì tuyển dụng của Mỹ, quy định 9 tháng, và OPT mình đã nói ở trên thì có một số điểm khác cần lưu ý:

  • Dù STEM có OPT 3 năm để đi làm việc, nhưng nếu bạn không kiếm được việc trong 60 ngày đầu tiên kể từ khi hết học và có OPT thì bạn vẫn bắt buộc về nước.
  • Thường thì, bạn có thể xin đi làm tình nguyện hoặc thực tập không lương đâu đó để tránh nhưng vẫn phải có hợp đồng.
  • Bạn không thể tự tài trợ visa việc làm H1B, công ty phải đồng ý nộp H1B cho bạn, bạn mới có thể được tham gia quay sổ xố.
  • Mà chưa chắc bạn đã được ở lại sau vòng sổ xố vì một là may rủi, hai là nhiều công ty họ thuê luật sư cùi nên họ không làm tốt trong quá trình chuẩn bị hồ sơ cho bạn.
  • Sau H1B thì coi như bạn có thể làm việc an ổn trong vòng 6 năm nhưng đến tầm khoảng năm thứ 4 mà công ty không tài trợ thẻ xanh cho bạn thì bạn vẫn phải về sau 6 năm.

Nhìn chung Mỹ thực sự không dễ. Các bạn biết trước để mà chuẩn bị tinh thần và sức lực.

SSDH (nguồn: tác giả Jenny Hoang, Scholarship Hunter)

Share.

Leave A Reply