Du học sinh ở Mỹ nên học ít nhất một ngành STEM (part 1 of 3)

0

SSDH – Bài viết dành cho những bạn muốn tìm việc ở Mỹ sau khi tốt nghiệp đại học. Bạn nào quan tâm bơi hết vào đây nha.

Sau khi tốt nghiệp đại học Mỹ, sinh viên quốc tế chỉ có thể làm việc 1 năm mà không cần sự bảo lãnh từ một công ty Mỹ. Trong trường hợp sinh viên quốc tế từng học một ngành thuộc lĩnh vực STEM (Science, Technology, Engineering, Mathematics), bạn đó có thể làm tối đa 3 năm.
𝐕𝐢̀ 𝐬𝐚𝐨 𝐯𝐢𝐞̣̂𝐜 𝐛𝐚̉𝐨 𝐥𝐚̃𝐧𝐡 𝐥𝐚̀ 𝐯𝐚̂́𝐧 đ𝐞̂̀ 𝐦𝐚̂́𝐮 𝐜𝐡𝐨̂́𝐭?
Khi một công ty / tổ chức Mỹ bảo lãnh một sinh viên quốc tế (F-1 student), họ phải đầu tư khá nhiều tiền để có thể giữ bạn ở Mỹ. Thường công ty Mỹ có hai hướng: bảo lãnh visa H1-B hoặc bảo lãnh thẻ xanh.
H1-B là visa lao động, chỉ dành cho người có bằng cử nhân hoặc cao hơn. Visa kéo dài 3 năm, nhưng có thể được làm mới để kéo dài tối đa 6 năm. Một công ty phải chi ra từ 10.000 – 15.000 đô cho mọi loại chi phí để nộp đơn xin visa H1-B cho nhân viên. Nhưng rủi ro nằm ở việc mỗi năm, chính phủ Mỹ chỉ cấp 65.000 H1-B visas (cùng với 20.000 cho người với bằng thạc sĩ trở lên). Năm 2021, hơn 270.000 người nộp đơn xin H1-B, tức gấp 3 lần hạn ngạch. Vì vậy, hàng năm chính phủ Mỹ quay sổ xố để chọn ai được nhận H1-B. Nếu bạn trượt, công ty của bạn coi như mất tiền mà không nhận được gì hết.
Thẻ xanh thuộc dạng lao động (employment-based green card) được chia ra làm 5 loại khác nhau. Khương không đi vào chi tiết trong bài này, nhưng nói chung mỗi loại cũng có hạn ngạch giống H1-B. Công ty phải chi nhiều hơn một chút, từ 15.000 – 20.000 đô để nộp đơn bảo lãnh thẻ xanh cho bạn. Ngoài việc mắc hơn, công ty cũng gặp rủi ro là nếu bạn có thẻ xanh rồi, bạn có thể chuyển sang làm cho công ty khác. Vì vậy, nhiều nơi ký hợp đồng với nhân viên rằng sau khi giành được thẻ xanh, bạn phải làm việc cho công ty đó trong một thời gian nhất định trước khi có thể chuyển nơi làm.
Độc giả có thể thắc mắc rằng ủa, nếu mắc thế thì mình tự trả cho công ty được không, vì mình chỉ cần họ làm giấy tờ bảo lãnh mình thôi? Không. Đấy là 100% phạm pháp và nếu bị phát hiện, công ty sẽ bị phạt. Cho nên nếu công ty bảo lãnh, chỉ có họ có thể chi trả gần như mọi chi phí làm giấy tờ cho nhân viên.
𝐕𝐚̣̂𝐲 𝐡𝐨̣𝐜 𝐒𝐓𝐄𝐌 𝐥𝐢𝐞̂𝐧 𝐪𝐮𝐚𝐧 𝐠𝐢̀ đ𝐞̂́𝐧 𝐇𝟏-𝐁 𝐯𝐚̀ 𝐓𝐡𝐞̉ 𝐗𝐚𝐧𝐡?
Vì bảo lãnh tốn quá nhiều tiền và mang nhiều may rủi, nhiều công ty ngại thuê sinh viên quốc tế ngay từ đầu, đặc biệt những bạn chỉ có thể làm việc 1 năm như Khương đề cập ở đầu bài. Độc giả tưởng tượng: sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm và kĩ năng, chỉ có thể làm được 1 năm rồi cần được công ty bỏ ra mười mấy ngàn đô để bảo lãnh, và giải pháp đó lại mang quá nhiều rủi ro cho công ty. Thế nên thường chỉ có những tập đoàn lớn mới có kinh phí để đặt cược và đầu tư vào một trường hợp như thế (Nói thế rồi thì không có nghĩa là công ty nhỏ không bảo lãnh H1-B hoặc thẻ xanh, chỉ là nó hiếm hơn rất nhiều thôi. Ví dụ như nơi làm việc của Khương khá nhỏ, nhưng có bảo lãnh H1-B cho một số nhân viên).
Nhưng trong tình huống của các sinh viên quốc tế học ngành STEM thì lại khác. Những cá nhân này có thể làm việc 3 năm mà không cần công ty bảo lãnh gì cả. Tức trong 3 năm đầu, công ty thuê một sinh viên quốc tế làm việc như thuê một người Mỹ bình thường thôi, không phải làm giấy tờ gì cho họ. Trong giai đoạn 3 năm này, công ty có đủ thời gian để đánh giá năng lực làm việc của sinh viên quốc tế, quyết định bạn này có đáng để đầu tư vào H1-B hoặc thẻ xanh hay không. Ngoài ra, điều lợi khác nằm ở chỗ công ty có thể nộp đơn xin H1-B cho bạn nhiều lần, nếu bạn trượt sổ xố năm nhất hoặc năm hai. Dĩ nhiên trượt cả ba năm thì quá xui. Vì những lý do này, công ty Mỹ ưng thuê các bạn có thể làm 3 năm không cần bảo lãnh, hơn là các bạn chỉ làm được 1 năm thôi. Khương có khá nhiều người bạn từng chuyên ngành STEM, tốt nghiệp, đi làm, và được công ty bảo lãnh H1-B hoặc thẻ xanh dễ hơn rất nhiều.
𝐍𝐡𝐮̛𝐧𝐠 𝐞𝐦 𝐜𝐡𝐢̉ 𝐦𝐮𝐨̂́𝐧 𝐡𝐨̣𝐜 𝐜𝐚́𝐜 𝐧𝐠𝐚̀𝐧𝐡 𝐤𝐡𝐨𝐚 𝐡𝐨̣𝐜 𝐱𝐚̃ 𝐡𝐨̣̂𝐢, 𝐧𝐡𝐚̂𝐧 𝐯𝐚̆𝐧, 𝐯𝐚̀ 𝐧𝐠𝐡𝐞̣̂ 𝐭𝐡𝐮𝐚̣̂𝐭 𝐭𝐡𝐨̂𝐢 𝐡𝐮𝐡𝐮
Khương gợi ý các bạn học song bằng (double major). Ngày xưa, một người bạn của Khương chuyên ngành khoa học chính trị (political science) và toán (mathematics). Ngành thứ nhất không phải là ngành STEM, nhưng ngành thứ hai thì phải. Nên khi tốt nghiệp, bạn này vẫn có thể làm 3 năm. Và bạn ấy làm cho một công ty phân tích dữ liệu chính trị ở Washington DC.
Trái lại, ngày xưa Khương cũng học song bằng: khoa học chính trị và tiếng Tây Ban Nha. Nhưng ngành ngôn ngữ không thuộc khối STEM, mà là một ngành nhân văn. Nên khi Khương tốt nghiệp, Khương chỉ làm được 1 năm là cần được bảo lãnh. May mắn thay, công ty lúc đó đồng ý bảo lãnh, nên Khương ở lại làm lâu hơn.
Một lựa chọn khác nữa gồm việc tiếp tục học lên thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Sau khi tốt nghiệp cao học, bạn sẽ được phép đi làm hệt như sau khi tốt nghiệp đại học, thời gian làm không cần bảo lãnh tùy thuộc vào ngành bạn học ở bậc cao học. Dĩ nhiên hướng đi này tốn tiền và thời gian nhiều hơn.
————————–
Trong phần 2 sẽ đề cập các chủ đề sau: (1) Những ngành nào được tính là STEM? (2) Tại sao cùng một ngành, nhưng trường này tính là STEM, trường kia thì không. Mời các bạn xem tiếp bài sau.
SSDH (tác giả Khương Nguyễn)
Share.

Leave A Reply