SSDH – Một số thông tin về vấn đề hỗ trợ sức khỏe của Dịch vụ Y tế quốc gia NHS, trang web hữu ích về triệu chứng điều trị cũng như các lời khuyên về giấy tờ cần mang theo khi du học Anh.
Chương trình hỗ trợ sức khỏe của NHS
Vương quốc Anh có rất nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ Y khoa cho sinh viên quốc tế. Ngoài Dịch vụ Y tế quốc gia (National Health Service – NHS) với rất nhiều hỗ trợ về chăm sóc y tế và nha khoam, ở đây cũng có rất nhiều cơ sở hỗ trợ y tế tư nhân với nhiều dịch vụ cho bạn lựa chọn.
Sinh viên quốc tế ở Anh thường được hưởng một số chương trình điều trị miễn phí như: cấp cứu (không bao hàm các vấn đề điều trị có theo dõi), kế hoạch hóa gia đình, chẩn đoán và điều trị những căn bệnh truyền nhiễm và điều trị tâm thần bắt buộc.
Để nhận được những điều trị khác, bạn còn phải “đối chiếu” với các điều kiện về quốc tịch hay tình trạng di trú (immigration status). Nếu không thuộc diện được hưởng các điều trị NHS, bạn nên mua bảo hiểm sức khỏe vì nó cũng có thể có lợi ngay cả khi bạn được hưởng các hỗ trợ của NHS.
Hội đồng Anh về các vấn đề của sinh viên quốc tế (UK Council for International Student Affairs) có rất nhiều thông tin chi tiết liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe của sinh viên nước ngoài tại Anh, bao gồm thông tin về bác sĩ, chương trình chăm sóc sức khỏe và nha khoa hay các chi phí bảo hiểm Y tế… tại website chính thức.
Lên kế hoạch đến Anh
Trước khi đến Anh, bạn có thể phải nộp một số chứng nhận sức khỏe về tiêm phòng. Nếu bạn đến từ một quốc gia có rủi ro cao về bệnh lao (TB), bạn có thể sẽ phải nộp báo cáo chụp X quang ngực. Những thông tin về vấn đề tiêm chủng có thể được tìm thấy tại Đại sứ quán Anh.
Nhớ là không nên quên những giấy chứng nhận này khi sang Anh vì bạn có thể được “hỏi thăm” ở khu vực kiểm tra nhập cảnh.
Trong trường hợp bạn đang phải điều trị Y tế hay có những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, hãy liên hệ với trường Đại học trước khi đăng ký để tìm hiểu về những hỗ trợ của nhà trường về vấn đề sức khỏe sinh viên. Ngoài ra bạn cũng nên mang theo đơn thuốc và báo cáo của bác sĩ (được dịch ra tiếng Anh) để nhận được hỗ trợ khi cần.
Một việc quan trọng cần kiểm chứng thông tin trước khi lên đường nữa là những loại thuốc bạn được phép mang theo khi lên máy bay.
Trong trường hợp khẩn cấp
Nếu bạn cần một trợ lý y tế khẩn cấp (chẳng hạn trong trường hợp tai nạn), hãy gọi số 999. Số điện thoại này hoàn toàn miễn phí cho các máy điện thoại di động và bạn sẽ được tổng đài hỏi về loại dịch vụ khẩn cấp (Cứu hỏa, Cảnh sát hay Cấp cứu).
Đối với tình trạng cấp cứu về sức khỏe, bạn phải chuẩn bị kể cho họ nghe quy trình diễn ra sự việc cũng như thông tin tên tuổi, địa chỉ nhà bạn.
Một khi đã nối máy với người đại diện dịch vụ Y tế khẩn cấp, bạn sẽ được hỏi về tình trạng của người bệnh và thậm chí làm theo một số hướng dẫn trước khi xe cấp cứu tới nơi.
Nếu bản thân bạn bị tai nạn khẩn cấp và không thể tự đến bệnh viện, nên tỉnh táo tìm cách đến khoa Tai nạn và Cấp cứu (A&E) bằng xe bus, taxi hay nhờ một người bạn nào đó.
Lưu ý là khoa A&E chỉ dành cho những trường hợp thật sự khẩn cấp như bị thương nặng.
Hãy tự chăm sóc bản thân
Đối với những bệnh nhẹ như đau đầu, cảm cúm – bạn không cần phải cần toa của bác sĩ để mua thuốc mà chỉ cần lời khuyên của dược sĩ. Để chuẩn bị sẵn sàng “tâm lí chiến” cho tình trạng sức khỏe xấu, bạn cũng có thể tham khảo thông tin trên trang web NHS Direct về bệnh tình, triệu chứng và cách điều trị.
Cuối cùng, đừng coi thường những lời khuyên như ăn nhiều thực phẩm dinh dưỡng, đi ngủ đủ giấc, tập thể dục, mặc đủ quần áo ấm, không nên uống rượu (hoặc chỉ uống có chừng mực thôi) và đặc biệt là không nên “sớ rớ” tới các dạng thuốc phiện.
Nguồn: Educationuk