Sẵn sàng du học – Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19 khiến các hoạt động dạy và học trên cả nước bị ngưng trệ, tuần qua Thủ tướng cùng Bộ GD&ĐT đã có những quyết định quan trọng để ứng phó với vấn đề này.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Các cấp có thẩm quyền đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu này, trong đó có vấn đề giáo dục. Với việc cho học sinh nghỉ học dài hạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những thay đổi cần thiết để phù hợp với thực tiễn. Trong đó có nhiều quyết định quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới việc dạy và học của giáo viên, học sinh.
1. Giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học của học sinh, sinh viên trên cả nước
Trong báo cáo kết luận của Thủ tướng chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ghi rõ nội dung về việc đẩy mạnh học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình và rút ngắn thời gian học.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kinh tế – xã hội, cung cấp dịch vụ công, giao dịch điện tử. Đồng thời nhấn mạnh Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các công tác trên nhưng phải bảo đảm chất lượng học tập, xử lý phù hợp kiến nghị của các trường quốc tế theo quy định.
Sau khi kết thúc thời gian nghỉ, học sinh đi học trở lại, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND và Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố chỉ đạo các truờng rà soát, đánh giá hiệu quả, nội dung học sinh đã học qua internet, truyền hình, qua đó tinh giản nội dung điều chỉnh theo hướng kế thừa kiến thức đã học, tối ưu thời gian và kế hoạch giảng dạy của nhà trường.
2. Đẩy mạnh, tăng cường học trực tuyến
Bộ GD&ĐT đã gửi công văn tới các địa phương yêu cầu tăng cường việc dạy học qua internet, truyền hình trong thời gian nghỉ học để phòng, chống Covid-19. Trong văn bản, Bộ trưởng yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường phân công giáo viên giao nhiệm vụ học tập theo nội dung bài học và hướng dẫn học sinh thực hiện các buổi học qua internet, trên truyền hình; phối hợp với gia đình học sinh có biện pháp quản lý hoạt động học của học sinh qua internet, trên truyền hình; nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho học sinh.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng có Công văn gửi các đại học, trường đại học, học viện, các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm về việc triển khai công tác đào tạo từ xa để ứng phó với dịch Covid-19.
Đến nay, nhiều Sở GD&ĐT đã kết hợp với các Đài Phát thanh – Truyền hình địa phương cho ra mắt các chương trình ôn tập, dạy học cho học sinh trên các kênh truyền hình. Phương án học từ xa này được sự quan tâm và ủng hộ của phụ huynh lẫn học sinh.
3. Thay đổi khung kế hoạch năm học 2019-2020
Dựa vào tình hình diễn biến của virus chủng mới SARS-COV-2, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hỏa tốc gửi đến các địa phương trong ngày 13/3 về những thay đổi kế hoạch trong năm học 2019-2020. Theo đó, Bộ đã có những điều chỉnh về khung thời gian những mốc quan trọng trong phần còn lại của năm học:
– Kết thúc năm học trước ngày 15 tháng 7 năm 2020.
– Thi THPT Quốc gia từ ngày 08 đến ngày 11 tháng 8 năm 2020.
Trên cơ sở khung kế hoạch thời gian nêu trên, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP quyết định thời gian cho học sinh đi học trở lại đảm bảo an toàn, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại địa phương.
Cá Domino (SSDH) – Theo Trí Thức Trẻ