Phần 2: Một số gợi ý mà các phụ huynh nên làm trong thời gian cháu đi du học
► Hãy thường xuyên gọi điện liên hệ để hỏi thăm tình hình của cháu, nhưng cố gắng đừng tạo thêm những áp lực không nên có cho con mình. Thỉnh thoảng hãy gửi email, hoặc gửi thư và tâm sự với các cháu, cũng như chia sẽ cuộc sống với các cháu nhiều hơn.
► Nên có thời khóa biểu cụ thể của các cháu để có thể biết được thời gian học, các kỳ thi, các kỳ nghỉ dài, từ đó sẽ động viên các cháu trước các kỳ thi quan trọng. Thêm vào đó dựa vào thời khóa biểu này để có thể sắp xếp thời gian sang thăm các cháu hoặc có kế hoạch sắp xếp cho các cháu về Việt Nam thăm nhà – đây cũng là nguồn động viên rất tốt cho Du học sinh.
► Thẳng thắn trao đổi về chi phí sinh hoạt để có sự cân đối về việc chu cấp tiền sinh hoạt cho các cháu. Phụ huynh cũng nên nhận biết rằng, nếu 1 học sinh đi du học tham gia các hoạt động ngoại khóa trong trường hoặc ngoài trường học, các chi phí đó thường sẽ phải tự chi trả.
► Hãy liên hệ với trường hoặc công ty tư vấn du học đã làm hồ sơ du học để nhờ họ tìm hiểu kết quả học tập của cháu.
► Hãy liên hệ với bộ phận hỗ trợ sinh viên quốc tế của trường để tìm hiểu thông tin. Tôi biết có một số trường hợp, các cháu không cung cấp số điện thoại hay thông tin của phụ huynh chính xác từ những ngày nhập học đầu tiên, bởi vì cũng có khi các cháu không muốn trường liên hệ với phụ huynh.
► Hãy nhờ công ty tư vấn du học hỗ trợ làm thông dịch hoặc phiên dịch để được trao đổi cụ thể với Trường học.
Trong trường hợp các phụ huynh nhận được những thông tin không tốt về con mình: như việc học sinh không đến trường thường xuyên, không có bạn bè hoặc có vấn đề về tâm lý, không có kết quả học tập tốt,… Tôi mong phụ huynh hãy xử lý tình huống một cách khéo léo, có sự tham khảo tư vấn của nhân viên trường học, nhân viên tư vấn du học… để đưa ra giải pháp tốt nhất là giúp đỡ các cháu, đặc biệt đối với các học sinh PTTH. Việc tự lực trong học tập và xoay xở cuộc sống ở nước ngoài vẫn còn là điều khó khăn đối với cả những người đã trưởng thành huống gì đối với các học sinh nhỏ tuổi, thì sự khác biệt về văn hóa, thiếu thốn tình cảm, tạo dựng mối quan hệ bạn bè ngay từ đầu, tự xoay xở và chăm lo bản thân còn khó khăn hơn gấp bội… Vì vậy phụ huynh không chỉ dừng lại ở khía cạnh hiểu vấn đề mà hãy đặt chính mình vào trường hợp của các cháu để có cách nhìn chia sẻ, thông cảm hơn, kịp thời động viên con mình như vậy các cháu sẽ dễ dàng tiếp nhận và thay đổi hơn.
Đừng bao giờ cố ép các cháu học nếu các cháu nhận ra rằng sức học của bản thân không theo kịp với chương trình học hiện tại . Nếu phụ huynh càng ép, học sinh vẫn không học nổi thì chỉ lãng phí thời gian và tiền bạc mà thôi. Các trường học nước ngoài cũng rất thẳng thắn trao đổi về năng lực của cháu, vì vậy phụ huynh cần nhận ra vấn đề này sớm hơn bằng cách hãy hỏi thăm cháu về cách học, về các kết quả kỳ thi, những cảm nhận của cháu về trường, về bạn bè. Kiểm chứng thêm thông tin từ nhiều nguồn khác như trường học, bạn bè của cháu… như vậy tôi tin rằng phụ huynh sẽ có được những sự chẩn đoán và nhận xét nhất định.
Đọc thêm phần 1: “Tìm hiểu và định hướng du học cho con”
Thái Hoàng Thủy