Sống, học, làm việc và nghiên cứu

0

SSDH – Mỗi cuộc đời của con người đều xoay quanh các vấn đề: Sống – học – làm việc nhưng có người thêm phần nghiên cứu. Với những bạn nào muốn tìm hiểu sâu hơn trong việc sống – du học – làm việc – nghiên cứu, hãy theo dõi bài viết này nhé.

song-hoc-lam viec- nghien cuu

Cuộc sống của mình gần đây đảo lộn không ít vì mình vừa đang hoàn thành luận án Tiến sĩ, vừa cày thêm nghiên cứu mới và vừa đi tìm việc. Thực ra, nếu mình muốn quay lại doanh nghiệp thì tìm việc không phải là vấn đề gì đáng nói cả vì dù mình có không tìm, một số bên vẫn trải thảm tận cửa để mời. Có điều cái mình muốn lại là tiếp tục làm nghiên cứu, tiếp tục đi theo con đường học thuật, mà mình thì trong lĩnh vực này mới là một đứa trẻ lên tư.
Phỏng vấn với các trước ngoài các vòng gửi xe từ hồ sơ đến trả lời câu hỏi 30 phút 1 vòng thì còn một vòng quan trọng nhất là phỏng vấn tại trường (campus interview). Mà vòng này trường sẽ đài thọ cho các ứng viên bay tới, thuyết trình, và nói chuyện với từng giáo một, từ trong khoa đến cả hiệu trưởng luôn. Mấy ngày nay khi chuẩn bị thuyết trình cũng như đọc và ghi nhớ tiểu sử tính cách và xuất bản của từng người phỏng vấn, đầu óc mình tương đối căng thằng. Và trong những lúc như thế, não mình lại đình công giải trí bằng cách mang về những hoài niệm rất xa xưa, khiến mình trăn trở: “Rốt cục, mục đích của mình trong cuộc sống này là gì?

CHUYỆN THỨ NHẤT

Cách đây vài năm, mình và một người bạn hẹn nhau ở Sài Gòn. Mình lúc đó đã chạy mấy doanh nghiệp riêng, và có môt cái start up mới được định giá hơn 400 tỉ đồng. Bạn mình thì từ bé đã gánh trên vai việc thừa kế và quản lý doanh nghiệp gia đình. Nghe thừa kế nhiều người nghĩ sướng, nhưng thực ra việc tiếp nối và phát triển một doanh nghiệp để đời sau hơn đời trước là một thứ trách nhiệm vô cùng nặng nề. Theo một cách nào đó thì mình thấy việc đó rất mất tự do. Mình là loại muốn làm gì thì làm, mở doanh nghiệp xong bán lại cho người khác, mình đi làm tiếp việc khác. Còn bạn ấy, có rất nhiều thứ muốn, muốn đi học tập nghiên cứu ở nước ngoài chẳng hạn, nhưng đi đâu cũng chẳng thể bỏ cái núi trách nhiệm đó vài tháng hoặc vài năm được.
Quay lại chuyện bọn mình gặp nhau ở Sài Gòn. Hôm đó mình nhớ bọn mình nói chuyện tới rất khuya. Có một câu bạn ấy nói mà mình vẫn nhớ: “Đến cuối ngày, chúng ta làm gì đều là muốn lưu lại một cái gì đó đến đời sau để người ta nhớ rằng chúng ta từng sống. Thế nhưng dù chúng ta có làm nhiều tiền đến đâu như Bill Gates chẳng hạn thì chắc được nhớ đến 100 năm sau khi chết là kịch kim. Trừ khi chúng ta làm gì đó vĩ đại hi sinh bản thân mình như mẹ Theresa hay chúa Jesus thì may ra còn được lưu giữ dưới dạng truyện kể. Chỉ có một thứ chắc chắn nhất mà chúng ta có thể lưu lại muôn đời… chính là bộ gene của mình.
Mình cười. Mình lúc đó chưa chồng, tiền nong cũng gọi là tiêu không cần nghĩ, nhưng đúng là mình chưa từng nghĩ tới mình sẽ để lại gì cho cuộc sống. Bạn mình mấy tháng sau lấy vợ. Bây giờ cũng có với vợ hai đứa con, hai người cùng gánh trách nhiệm với công ty gia đình. Trong mắt mình đấy là hạnh phúc.

CHUYỆN THỨ HAI

Lúc mình mới vào chương trình Tiến sĩ, mình có nghe kể một câu chuyện về một nhà khoa học tên Erdos. Người này đâu đó xuất bản vài trăm bài báo mà bài nào cũng có giá trị đến rất nhiều đời sau. Erdos không nhà không cửa, không vợ con. Ông sẽ đi đến gõ cửa nhà của một đồng tác giả, ngủ trên sô pha nhà đó hai ba tháng để cùng viết với họ. Nộp báo xong, ông sẽ đi đến nhà của một đồng tác giả khác, và lại đóng chiếm sô pha nhà người đó.
Erdos xuất bản nhiều bài giá trị đến mức, ông được dùng làm một hệ quy chiếu cho xuất bản trong toán học. Người xuất bản cùng Erdos được đánh số 1. Người xuất bản cùng người đó được đánh số 2. Xuất bản với người số 2 thì được đánh số 3. Cứ thế người nào mà xuất bản với số Erdos càng thấp thì dường như càng có vị thế trong nghiên cứu. Mình may mắn được đánh số 5, thấy có gì đó cũng rất vui.
Erdos quả là một người yêu khoa học và có tinh thần vị khoa học thật lớn lao.

CHUYỆN THỨ BA

Trước khi bạn mình cưới vợ, không hiểu có dịp gì mà dù không họp lớp, mấy đứa trong khoa vẫn tụ tập. Mình ngồi nhìn mấy đứa con gái năm xưa nhiều ước mơ thăng tiến, giờ bận chạy theo con trai con gái vừa nghịch ngợm, vừa hỉ mũi liên tục. Mình thoáng rùng mình.
Có một ông anh giờ đã một vợ ba con. Ngày xưa mình nhớ trong lớp, không hiểu sao ông ấy cứ cạnh tranh điểm chác với mình. Ông này thấy mình ngồi rất ngoan, thì cứ thi thoảng quay ra khoe một câu: “Giờ chả cần gì, một năm cứ kiếm cho vợ một cái nhà là được nhỉ?” Ý ông ấy kiểu: “Ngày xưa em giỏi hơn anh, giờ có kiếm tiền bằng anh không?” Mình ngồi một lúc cũng khó chịu bâng quơ nói một câu: “Em cũng mới gây 45 tỉ cho start up mới nhất của em thôi.
Mấy hôm sau đi ngồi trà đá với bạn mình và vợ chưa cưới của bạn ấy. Mình cũng kể lại những câu chuyện này, bạn mình chẳng đả động gì đến ông kia, chỉ nói về mấy đứa con gái: “Bạn nhìn chúng nó rùng mình thì chúng nó cũng nhìn bạn sợ vãi.” Mình phì cả cười. Thế rồi bất chấp mọi thứ, mình vẫn đi làm Tiến sĩ. Có hôm nói chuyện với vợ bạn mình, thấy bạn ấy bảo sau này hai vợ chồng sẽ cho con gái đi làm nghiên cứu, thỏa mãn giấc mơ chưa hoàn thành của cả ba lẫn mẹ.

CHUYỆN THỨ TƯ

Mình đi làm nghiên cứu sinh, về sau vì mấy bài viết trên mạng mà tình cờ gặp một người bạn Việt mong muốn nghiên cứu với mình. Chả biết thế nào mà hai đứa gần ngành, rủ nhau làm một bài thật. Bạn này kém may mắn hơn mình vì cô hướng dẫn đày đọa đủ đường, nhiều lúc đã nghĩ đến việc bỏ nghiên cứu. Chỉ khi xì trét đến mức lái xe gặp tai nạn suýt chết thì đột nhiên nghĩ, việc gì mình phải khổ và đày đọa bản thân đến thế.
Sau đó bạn ấy đi hội thảo gặp vợ, cưới vợ. Gặp một đồng tác giả chính trong ngành của bạn ấy và gặp mình. Lúc hai đứa làm việc với nhau đến vòng phản biện báo thứ hai thì vợ bạn ấy sắp đẻ. Mình lo sốt vó. Mà đúng bạn ấy vừa xong phần của bạn ấy quẳng cho mình thì vợ bạn ấy đẻ thật. Từ lúc vợ bạn ấy đẻ, bọn mình ít nói chuyện hơn, phần vì mình cũng đang bận tìm kiếm công việc tuy nhiên vẫn rất quan tâm đến nhau. Ban đầu bạn ấy nói tính năm sau mới ra trường, nhưng chắc áp lực nuôi vợ con cũng có nhiều nên bạn ấy nói năm nay cũng thử xin việc của những trường ra quân đợt hai xem sao.
Tại Mỹ, những trường đợt hai thường là những trường vừa có giảng dạy vừa có nghiên cứu, lương bổng điều kiện có thể không nhiều bằng trường ra quân đợt một (tập trung nghiên cứu), nhưng vẫn gấp mấy lần lương Nghiên cứu sinh. Mình biết bạn mình vẫn thích làm nghiên cứu chất lượng nên muốn trường đợt một hơn nhưng có lẽ vì có vợ con làm động lực, mình vẫn cảm thấy bạn ấy tích cực và có nhiều niềm vui hơn trước để tiếp tục nghiên cứu dù với trường đợt hai. Có lẽ niềm vui trong cuộc sống cũng sẽ khiến mình có cái nhìn thoáng hơn dù nghiên cứu có vất vả thế nào. Còn phải vừa nghiên cứu vừa kiếm tiền nuôi vợ con nữa chứ.

CHUYỆN THỨ NĂM

Cũng một người khác mình quen trên mạng, mà không thể nói là thân thiết gì được. Mình chỉ biết người này cũng vào chương trình Tiến sĩ cùng năm với mình. Lần đầu tụi mình nói chuyện, thấy bạn ấy khoe là giáo rất ủng hộ, mình cũng mừng cho bạn ấy. Nhưng bạn ấy nói nhiều về chuyện này quá khiến mình cũng hơi nản. Mấy năm ngãng ra không nói chuyện, mình thấy bạn ấy vẫn liên tục nhận xết trên rất nhiều nhóm, dù các em hỏi gì cũng khuyên là nên đi học Tiến sĩ. Mình cũng vẫn nhận xét lại là, nếu chỉ là đi làm tìm việc, không có mấy đam mê với nghiên cứu, thì không nhất thiết cứ phải Tiến sĩ mới được. Có rất nhiều còn đường để đến thành La Mã.
Tiến sĩ là con đường mà nếu mình đam mê thuần kiến thức và may mắn có người chỉ đường thì thực sự sẽ rất hơn người. Nhưng nếu không may, thì cũng có rất nhiều người từng rơi vào bế tắc mà không lối nào thoát ra được.
Năm nay, mình cũng muốn hỏi thăm xem bạn ấy đã chuẩn bị ra trường và tìm việc chưa cũng chỉ vì mình quan tâm đển những người có đam mê học thuật thôi. Vừa đụng vào một cái, mình thấy bạn ấy bạn ấy tuôn ra là mấy bạn đồng học của bạn ấy đã đã có trường giảng dạy mới rồi nhưng bạn ấy muốn trường nghiên cứu hơn nên mới có ba phỏng vấn trên mạng vòng đầu thôi. Bạn ấy khoe với mình một trường trả từ 175 ngàn trở lên cho giảng viên nghiên cứu mà chắc bạn ấy sắp phỏng vẩn. Bài báo của bạn ấy cũng mới có thêm 4 người trích dẫn, rồi vân vân mây mây gì đó nữa. Mình thấy mừng nhưng cũng thấy mệt, nói với bạn ấy rằng: “Bạn nên tận hưởng cuộc sống ngoài kia nữa.
Thế là bạn ấy lại tuôn thêm một tràng rằng bạn ấy thậm chí không có thời gian ngủ, giáo bạn ấy cũng nghiên cứu liên tục, xuất bản được trích dấn đến hàng nghìn và giáo đó vẫn đang noi gương một người có đến cả trăm nghìn trích dẫn nữa. Giáo bạn ấy còn kêu: “Xuất bản tới chết.
Mình lại hỏi rằng: “Để làm gì? Để chết một cách giàu có chăng?” Bạn ấy đáp: “Không phải vì tiền mà là vì thích nghiên cứu.” Mình lại rơi vào trạng thái im lặng

CHUYỆN THỨ SÁU

Sau cuộc trò chuyện mang đậm tính số liệu với bạn kể trên, mình đột nhiên nghĩ: “Nếu mình nói chuyện với Erdos, liệu Erdos có thao thao bất tuyệt về những xuất bản của bác ấy không nhỉ?” Mình hỏi giáo mình người có số Erdos 4, bác ấy nói: “Thầy nghĩ Erdos không có thời gian để nói về xuất bản hay trích dẫn đâu. Erdos chỉ thích viết bài chất lượng. Thầy nghĩ đến lúc mất, sợ rằng Erdos chỉ giành thời gian nghĩ xem liệu có thể làm thêm chủ đề nào hay nữa không? Chứ không rảnh đi tra xem mình được trích dẫn bao nhiều lần, hay đếm xem được mình có bao nhiều bài đã đăng.
Mình quay sang ngẫm Việt Nam có nhiều bạn giờ, mới tốt nghiệp đại học đã có trong tay không biết bao nhiều bài đăng báo. Có lần mình với một người bạn mình ở Úc đọc một bài mới đăng và có nhận xét nhỏ là mô hình bài chưa tổng quan được lắm, có quá nhiều biến và mô hình nhiều biến thì giống như khi xuất bản nói là: “Kết quả thế nào phụ thuộc vào hoàn cảnh.” Mà nếu thế thì mô hình không đóng góp được nhiều cho nghiên cứu cũng như thực tiễn. Thế nhưng bọn mình bị bạn đó vặn lại là: “Thế anh chị xuất bản được bao nhiều bài rồi mà hỏi thế?” Bọn mình im bặt luôn. Nghĩ lại vẫn có cảm giác, rất nhiều bạn xuất bản là vì thành tích, là vì để đếm số báo mình đã xuất cảm thấy mình có thành tựu. Vậy thì đó đâu hẳn là tinh thần vị khoa học.

CHUYỆN THỨ BẢY

Mình có hai người bạn đang làm Tiến sĩ vừa xuất bản trên Financial Times 50 (top 50 báo khoa được bình chọn bởi Financial Times), tỉ lệ xuất bản của những báo này thường rơi vào 1 bài trong vòng 10 năm của những nhà nghiên cứu chuẩn chỉ trên toàn thế giới. Hai bạn này đều nói với mình: “Bọn mình không cần nhiều báo. Bọn mình muốn cái gì đó đóng góp được cho xã hội.” Tất nhiên với những nhà khoa học trẻ như bọn mình việc có đủ xuất bản để được lên đến Phó Giáo sư hay Giáo sư là cần thiết, nhưng nếu cuộc sống chỉ phấn đấu về những thứ bên ngoài đó thì có lẽ sẽ hơi đáng buồn.
Quay lại với cái bạn “nghiên cứu tới chết”, mình chỉ cảm thấy phần nào đó bạn ấy hơi cô đơn. Và dù mình rất mừng vì bạn ấy có thể xuất bản tốt, mình lại cảm thấy việc “chỉ có thể nói về công việc hay nghiên cứu” cũng khiến mình rất rùng mình.
Như hai người bạn kia của mình đó, một người Ấn, một người Mỹ, họ xuất bản tốt nhưng đồng thời khi bọn mình ngồi xuống nói chuyện, luôn là những cập nhật về: “Mình mới mua thêm một chú chó. Vợ mình mới tìm được việc mới ở Atlanta. Hay mình mới được bạn gái cầu hôn tuần trước nhé. Lãng mạng thế này này.

CHUYỆN THỨ TÁM

Các giáo của mình cũng toàn giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực mình nghiên cứu, cũng có giáo đến tận lúc mất được mấy tháng thì bài được xuất bản. Nhưng nhìn lại thì họ vẫn có cuộc sống bên ngoài, có giáo chạy Boston marathon được đến năm thứ 18 rồi. Có giáo nghiên cứu tốt đến mức báo chỉ nhìn thấy tên là xuất bản luôn, nhưng vẫn có ban nhạc bên ngoài. Có giáo thì ngoài việc giảng dạy nghiên cứu sòn sòn, làm huấn luyện viên thể hình, có trang trại nuôi bò, có triển lãm tranh.
Hiệu phó trường mình, một giáo dù đã lên quản lý hành chính nhưng một năm vẫn 5 đến 10 bài siêu chất, nói với mình rằng: “Có lẽ, chính vì chúng ta làm việc đặc não quá, nên chúng ta cần một cái gì đó bình thường để giữ cho chúng ta khỏi điên.” Bản thân giáo ấy là huấn luyện viên bóng bầu dục cho một trường cấp ba

CHUYỆN THỨ CHÍN

Hôm qua mình vừa thuyết trình nháp bài báo phản biện mới của mình để chuẩn bị lên đường đi phỏng vấn trực tiếp tại một trường nghiên cứu lớn. Phần nghiên cứu của mình được đánh giá cao về mặt phương pháp nhưng cái khiến các giáo nói mình sẽ ghi điểm cực lớn lại là vì nghiên cứu của mình có động lực từ kinh nghiệm cuộc sống mà một người bình thường không làm nghiên cứu cũng hiểu được và vì mình rất đời.
Mình đời ở chỗ mình đã kinh qua rất nhiều công việc . Mình đời ở chỗ những mối quan hệ của mình hiện tại vẫn là nguồn dữ liệu và cảm hứng bất tận cho từng bài nghiên cứu. Và cũng chính vì thế nghiên cứu của mình thắng giải những nghiên cứu có giá trị ứng dụng không chỉ trong khoa học mà còn trong cả trong thực tiễn kinh doanh. Mình đời ở chỗ, ngoài nghiên cứu ra, mình còn có những sở thích như nấu ăn, nhảy dù, vườn tược.
Một giáo gạo cội nói: “Thầy chia ứng viên Tiến sĩ làm hai dạng. Một dạng cần cù chịu khó chăm chỉ như thường lệ. Dạng thứ hai là dạng vừa cần cù chịu khó chăm chỉ, vừa có nguồn động lực ngoài nghiên cứu. Thầy không phải không thích dạng đầu nhưng dạng sau là dạng sẽ không từ bỏ nghiên cứu chỉ vì một bài báo khó xuất bản. Họ sẽ buồn mấy hôm, rồi động lực trở lại. Họ mới là dạng có thể đeo bám nghiên cứu dài lâu.

CHUYỆN THỨ MƯỜI

Mình quay lại học Tiến sĩ với động lực muốn trả lời những câu hỏi mà trước đây mình quá bận rộn với đời sống doanh nghiệp mà mình chưa thể trả lời. Nhưng mình gặp chồng mình. Một người mà những lần đầu đọc nghiên cứu của mình luôn nói: “Em đang viết tiếng Anh hay viết tiếng gì thế này?” Đến khi chồng mình đọc hiểu được mục đích nghiên cứu của mình thì mình đã rất thành công.
Nhưng mà ngoài việc giúp mình đọc nghiên cứu, có những lúc ảnh vẫn không hiểu mình làm gì, nhưng vẫn luôn ủng hộ, đi cùng mình tới hội thảo, giành thời gian để đưa đón mình ở sân bay, chăm sóc nhà cửa và nấu nướng lúc mình bận sấp mặt trong những thứ ảnh không hiểu, đi ngoại giao cùng mình với các giáo và gia đình các giáo. Có lẽ mình vẫn luôn thích nghiên cứu. Nhưng có ảnh tâm tưởng của mình “bình yên” hơn. Hỏng một bài chứ gì, tối về vẫn có chồng để ôm cơ mà.
Có ảnh, mục đích sống của mình có lẽ không phải là để lại một cái gì đó mãi mãi lưu truyền tới đời sau. Mình ngẫm lại mỗi việc mình làm dù là kinh doanh hay nghiên cứu đều chỉ là đóng góp một cái gì đó có ý nghĩa cho xã hội của hiện tại. Nếu nghiên cứu của mình hay doanh nghiệp của mình có thể tiếp tục lưu truyền thì cũng tốt, nhưng nếu không có mình thì cũng sẽ có những người khác trẻ hơn, nhiệt huyết hơn làm nó.
Mình chỉ cần làm hết sức mình và ngoài thời gian cho nghiên cứu thì giành thời gian cho những người quan tâm đến mình nhất, như thế mỗi tối vẫn nhắm mắt lại và ngủ một giấc thật ngon. Và nếu có một ngày mình mất đi, thì mình cũng không có gì nuối tiếc cả.

KẾT

Mỗi người có một câu chuyện của riêng mình dù học tập, nghiên cứu, làm việc, hay là sống. Mình chỉ mong các bạn hãy chọn cách của riêng bạn. Nếu có một lúc nào đó rùng mình trước cách làm của người khác thì không có nghĩa là người đó làm sai, chỉ đơn giản là việc đó không hợp với mình. Còn nếu thấy gì đó chưa rùng mình, thì làm thử đã, cố thật nhiều đã, biết đâu nó hợp.
Với những bạn đang làm nghiên cứu, chúng ta sống không chỉ một mình. Rất nhiều người trong chúng ta cũng không phải Erdos. Erdos có thể liên tục nghiên cứu mà không hóa điên. Chứ mình mà bắt não hoạt động ở tần suất của bác ấy chắc chắn mình điên mất. Mình từng bị “tai biến” chỉ vì nghĩ nhiều quá khi còn làm doanh nghiệp, ranh giới đó thực sự rất mong manh. Vì vậy dù làm gì, hãy cân bằng bạn nhé.
SSDH (Theo Jenny Hoàng)
Share.

Leave A Reply