SSDH – Là sinh viên một nước đang phát triển với thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.000 USD/năm, đến du học tại các nước có thu nhập gấp mười lần hơn, những chuẩn bị khôn ngoan trong chi tiêu là điều hết sức cần thiết.
Mang càng nhiều càng tốt, từ áo ấm đến mì gói
Một nhóm sinh viên Việt Nam tại Pháp tổ chức gặp gỡ cuối tuần. Ảnh: do nhân vật cung cấp.
Trong giới hạn lượng hành lý ký gửi và xách tay, du học sinh Việt có thể mang đủ vật dụng thiết yếu cho những ngày đầu đến sống tại xứ lạ. Cần chuẩn bị trước tiên là quần áo, giày dép. Bà Trương Hồng Ngọc, chuyên viên học bổng của tổng lãnh sự quán Hà Lan tại TP.HCM nhắc thêm sinh viên chú ý đến thời tiết nước đến học: “Phần lớn các nước châu Âu, Bắc Mỹ hay Úc đều có mùa đông lạnh, du học sinh nên chuẩn bị quần áo ấm. Giá quần áo mua tại Việt Nam lúc nào cũng rẻ hơn tại các nước phương Tây có mức sống cao”.
“Tôi mua quần áo ấm, giày và bao tay từ những công ty may xuất khẩu của Việt Nam. Ba năm qua tôi vẫn dùng chúng vào mùa đông. Thỉnh thoảng bạn bè trong nhóm cũng kéo nhau đi mua thêm áo khoác mới vì sở thích thời trang, nhưng tôi thì chỉ khi thời tiết quá lạnh mà đồ mang từ Việt Nam sang không đủ ấm tôi mới mua thêm, không thì nhờ người nhà gửi sang nếu có người về”, Thuỳ Trang, du học sinh tại Anh cho hay.
Sau nhu cầu mặc là ăn uống. Theo kinh nghiệm của Cẩm Tú, du học sinh tại Đức, thì: “Mì gói là món cần thiết dành cho những ai hay thức khuya học bài. Các cửa hàng tiện lợi tại Đức, Hà Lan hay Pháp cũng bán rất nhiều hàng châu Á như mắm, tương hay mì gói, nhưng mùi vị rất khác và giá vẫn cao hơn so với hàng “made in Vietnam”. Vì thế mỗi lần về Việt Nam hay có ai từ Việt Nam sang, chúng tôi thường nhờ mang rất nhiều đồ ăn”.
Kết nối với du học sinh Việt khác tại đất nước du học là điều quan trọng. Những người sang trước sẽ chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm và hỗ trợ trong nhiều trường hợp. Hải Đăng, du học sinh tại Anh, chia sẻ: “Thậm chí, nếu học xong về nước trước, họ có thể để đồ đạc cho người ở lại. Điện thoại hay máy tính xách tay cũng nên mang từ nhà với phần mềm đã cài sẵn, vì hàng mới tại đây bị đánh thuế cao và phải mua bản quyền phần mềm”.
Ở chung và tự làm mọi thứ
Để tiết kiệm chi phí chỗ ở, phần lớn du học sinh Việt thường thuê nguyên căn nhà gần trường học và tìm người ở chung. “Một hai tuần đầu mới đến thì sinh viên ở tạm phòng trọ trước khi tìm được những căn nhà thuê chung với các sinh viên khác, giá rẻ mà vẫn có phòng riêng”, Anh Tuấn, du học sinh tại Malang, Indonesia cho hay. Muốn nói tiếng Indonesia tốt, Tuấn ở chung với sinh viên bản địa trong căn nhà ba phòng ngủ, có phòng khách và bếp, mỗi người đóng 200 USD/năm. Còn Hoàng Long, du học sinh Singapore thì thuê nhà với giá 2.500 SGD/tháng rồi tìm sinh viên Việt ở chung. Tự nấu ăn là lựa chọn lý tưởng, vừa hợp khẩu vị vừa tiết kiệm được rất nhiều tiền. “Cả nhà góp tiền nấu hai bữa ăn chung. Một tuần hết trung bình 30 SGD/người, trong khi ăn tiệm phải trả 50 SGD”, Long cho hay. Giá nấu ăn chung tại Indonesia là 3 USD/ngày so với 9 USD/ngày ăn tiệm.
Sống một mình trong ký túc xá, Nam Khải, du học sinh tại Pháp, kể: “Tự nấu ăn tốn 1 euro/bữa, so với 2 euro ăn trong ký túc xá và 10 euro nếu ăn bên ngoài. Thịt gà, thịt heo bán tại siêu thị giá phải chăng. Rau củ như xàlách, bắp cải, bông cải xanh, khoai tây, càrốt cũng nhiều. Chủ nhật, tôi đi siêu thị mua đồ để tủ lạnh ăn cả tuần”.
Để đi lại, nhiều du học sinh Việt thích dùng xe đạp, giá chỉ khoảng 50 euro; so với khoản tiền bước lên xe buýt mỗi lần là 1 euro tại Pháp, hay dùng tàu điện khoảng 4 SGD tại Singapore/ngày, vài chục đô cho vé tháng từ nhà đến trường tại Úc. Sau vài năm, có thể bán lại xe với giá bằng một nửa so với khi mua.
“Xe đạp hỏng thì tự sửa, máy tính hỏng thì nhờ bạn bè giúp, tốt nhất là tự mình làm mọi thứ. Tôi chỉ lười nên mang đồ ra tiệm giặt, nhiều bạn nữ tự giặt cũng tiết kiệm 4 – 5 euro cho mỗi lần giặt”, Nam Khải cho hay.
Không bỏ sót những ưu đãi cho sinh viên
Nhiều nước châu Âu có phúc lợi xã hội cao, sinh viên có thể xin giấy đăng ký hỗ trợ sinh viên nghèo. Nếu được cấp giấy này, sinh viên sẽ được giảm tiền thuê nhà; giảm hoặc miễn phí tiền bảo hiểm và phương tiện giao thông công cộng. Nhiều bang của Úc có giá ưu đãi cho du học sinh sử dụng dịch vụ giao thông công cộng. Tại Singapore cũng có những chuyến xe buýt miễn phí từ khu dân cư đến một số địa điểm mua sắm, vui chơi giải trí. Ngoài ra, còn nhiều ưu đãi khi đi tham quan hoặc sử dụng nhiều dịch vụ như giảm giá khi mua chung hoặc khuyến mãi dịp lễ hội. Ông Lê Hoàng Tuấn, trung tâm du học Saigontourist, khuyên: “Nhiều nước phát triển thường có những chương trình ưu đãi dành cho sinh viên ở nhiều lĩnh vực. Sinh viên nên tìm hiểu mọi chính sách ưu đãi dành cho mình tại nước đến học tập”.
Biết chi tiêu hợp lý, khoản dành dụm được không chỉ bớt gánh nặng cho gia đình mà còn giúp sinh viên có tiền đi du lịch nhiều nơi, cũng là một cách du học văn hoá xứ người.
Đông Đức – Theo SGTT