Mở đầu câu chuyện, tiến sỹ Ngô Dũng trình bày về sự hình thành muộn màng của Hiệp Hội Tâm Lý Học Người Mỹ Gốc Việt VAPA vào năm ngoái:
“Một thời gian ngắn sau khi tai nạn dầu tràn ở vùng Vịnh xảy ra, Hội Hồng Thập Tự Mỹ có mời tôi tư vấn để tìm hiểu ảnh hưởng của thiên tai hoặc các biến cố đối với đời sống sức khỏe tinh thần của người Việt ở vùng Vịnh (Mexico). Khi về làm việc ở vùng Vịnh thì tôi thấy rằng nhu cầu sức khỏe tinh thần của người Việt rất đa dạng và cấp bách với nhiều vấn đề mà trong khi đó thì những chuyên gia về khoa tâm lý trị liệu của người Việt ở Hoa Kỳ rất ít, đồng thời con số ít ỏi đó lại tản mát khắp nơi trên nước Mỹ, thành thử khi cộng đồng chúng ta cần đến một chuyên gia về sức khỏe tâm thần cho người Việt thì tìm họ rất khó. Chính vì lý do đó mà chúng tôi thành lập Hiệp Hội Tâm Lý Học Người Mỹ Gốc Việt với mục đích là để tranh đấu và bênh vực quyền lợi về sức khỏe tinh thần cho người Việt, đồng thời song song với những công việc đó, chúng tôi có sứ mạng là giáo dục và phổ biến những thông tin về sức khỏe tinh thần trong giới người Mỹ gốc Việt, vì kiến thức về sức khỏe tâm thần của người Việt chúng ta không nhiều và vì vấn đề văn hóa, chúng ta hiểu không đúng cách, thành thử chúng ta không tìm đến các chuyên gia để trị liệu cho kịp thời. Đồng thời chúng tôi có ý hướng là hướng dẫn các em sinh viên người Mỹ gốc Việt muốn theo khoa tâm lý học ở cấp bậc tiến sỹ với mục đích là hướng dẫn và giúp các em hội nhập vào sinh hoạt trong cộng đồng người Việt. Điều quan trọng nữa là chúng tôi muốn phối hợp và thiết lập mạng lưới liên lạc với các chuyên gia và các cơ quan bạn, của người Mỹ, có cùng một sứ mạng là giúp cộng đồng Việt Nam.”
Người tỵ nạn và số người Việt đến Mỹ theo diện nhân đạo đã bắt đầu từ mấy chục năm nay, nhưng tại sao VAPA chỉ mới bắt đầu được thành lập? Tiến sỹ Ngô Dũng giải thích:
“Trong mấy chục năm qua, rất ít người Việt, và ngay cả phụ huynh, rất ít khuyến khích con cái chúng ta theo học các chuyên khoa có tính cách đa dạng, thường người Việt học về y khoa, luật, hay kỹ sư. Làm như vậy chúng ta thiếu đi những bộ phận quan trọng trong cộng đồng. Như chúng ta biết, muốn xây dựng một cộng đồng phú cường về kinh tế, chính trị, chúng ta cũng cần phải xây dựng một cộng đồng lành mạnh về phương diện sức khỏe tinh thần. Chúng ta có rất ít những người theo học ngành này, bởi vì thứ nhất, học ngành này đòi hỏi nhiều thời gian và nó đòi hỏi khả năng Anh văn ở trình độ khá cao so với những khoa kỹ thuật, như kỹ sư hay điện toán, thành thử rất ít người học.
Thứ nhì, chúng ta thường chọn ngành nào thiết thực và làm nhiều tiền. Quan niệm xã hội chúng ta thường chú trọng về những ngành y, luật, kỹ sư nhiều hơn, thành thử rất ít người thuộc thế hệ một rưỡi hoặc lớn tuổi hơn theo học ngành này. Gần đây thì chúng tôi thấy rằng thế hệ thứ hai tức là các em sinh ra và lớn lên ở Mỹ, các em chọn ngành nghề có tính cách rộng rãi hơn. Chúng tôi thấy con số theo khoa tâm lý học trị liệu càng ngày càng gia tăng, đó là một điều rất lý thú làm chúng tôi phấn khởi.”
Nói đến những khó khăn tâm lý tiêu biểu của các thế hệ người Mỹ gốc Việt, tiến sỹ Ngô Dũng cho biết nhiều làn sóng di dân của người Việt đến nước Mỹ vào những thời điểm khác nhau, mỗi một đợt như vậy lại có những kinh nghiệm riêng, khó khăn riêng. Làn sóng thứ nhất đến nước Mỹ ngay sau 1975 dễ hội nhập nhất vào xã hội mới vì họ có vốn liếng kiến thức và học vấn và có trình độ tiếp cận với xã hội Tây phương cao. Lớp người vượt viên từ cuối thập niên 1970 đến cuối thập niên 1980 thường phải trải qua những kinh nghiệm hãi hùng, khổ nạn, và ảnh hưởng của những kinh nghiệm đó tạo nên tâm lý bất an, thường gây ra những khó khăn trong tiến trình hội nhập. Rồi những người đến Mỹ theo diện nhân đạo HO từng trải qua những cực hình trong cảnh tù tội của chế độ cộng sản. Những kinh nghiệm đó không những ảnh hưởng đến thể chất, tâm lý của họ, mà còn lan rộng ra toàn thể gia đình, ảnh hưởng đến hôn nhân, đến tình cảm giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái. Ngoài ra những di dân mang hai dòng máu, vốn dĩ đã gặp khó khăn ngay trên quê hương họ, khi đến đây cũng lại gặp những khó khăn nữa, và những khó khăn đó ảnh hưởng rất nhiều đến tiến trình hội nhập.
Chuyên gia Ngô Dũng còn nhắc đến những khác biệt về văn hóa và lối sống giữa thế hệ di dân thứ nhất và thế hệ thứ nhì, tức là những người trẻ sinh trưởng tại nước Mỹ và những khó khăn trong việc cảm thông giữa hai thế hệ.
Trong vấn đề chữa trị tâm lý cho người Mỹ gốc Việt, nhất là cho thế hệ đã lớn tuổi và không thông thạo Anh ngữ, người ta rất cần đến các chuyên gia gốc Việt. Tuy nhiên với thế hệ trẻ lớn lên tại nước Mỹ, liệu họ có đủ thông thạo tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt để thực hiện công việc chữa trị lâm sàng hay không? Chuyên gia Ngô Dũng trả lời:
“Câu hỏi này là một ưu tư cuả chúng tôi, đó là một trong những lý do của sứ mạng của Hiệp Hội Tâm Lý Học Người Mỹ Gốc Việt là đào tạo các sinh viên trẻ muốn theo học ngành này. Các em lớn lên ở đây không có đủ khả năng ngôn ngữ, hoặc là không hiểu rõ được những kinh nghiệm của những người Mỹ gốc Việt đã lớn tuổi, cũng như các em không hiểu rõ được văn hóa, mà văn hóa đóng một vai trò rất quan trọng trong bệnh học, trong cách mà người ta đương đầu với những căn bệnh của họ, thành thử đây cũng là một vấn đề khó khăn. Chúng tôi có nói chuyện với một số chuyên gia gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai, và thấy rằng khi họ làm việc trong cộng đồng, họ gặp trở ngại lớn về ngôn ngữ và văn hóa. Thành thử hy vọng sứ mạng của Hiệp Hội Tâm Lý Học Người Mỹ Gốc Việt có thể đóng góp vào công trình đào tạo cho thế hệ thứ hai hiểu rõ hơn phương cách làm việc và trị liệu cho người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ lớn tuổi.”
Để kết thúc bài nói chuyện của tiến sỹ Ngô Dũng, chúng tôi xin gửi đến quí vị lời khuyến nghị của ông trong vấn đề chữa trị tâm lý:
“Khi có những thay đổi trong hành vi hay cảm xúc của chúng ta và nó gây ra những khó khăn trong gia đình mà chúng ta không tự giải quyết được thì tôi khuyên quí vị nên tìm đến những chuyên gia để họ có thể giúp đỡ cho quí vị ở thời kỳ sớm nhất, thay vì chúng ta chờ đợi cho đến khi sự việc kéo dài và đưa đến những hậu quả nặng nề, lúc đó trị liệu phải kéo dài rất lâu mà có khi không hiệu nghiệm. Cũng giống như những bệnh cao huyết áp, tiểu đường, mỡ cao, những chứng anxiety (lo âu), hay trầm cảm là những căn bệnh rất dễ chữa trị, chúng ta cần phải chữa trị kịp thời để chúng ta lấy lại quân bình trong đời sống.”
Quí vị vừa nghe tường trình về Hiệp Hội Tâm Lý Học Người Mỹ Gốc Việt (VAPA). Xin quí vị đóng góp ý kiến về ngành tâm lý, một ngành mà người Việt tại nước Mỹ ít theo đuổi, và sự cần thiết của nó cho sức khỏe tâm thần của chúng ta. Xin cảm ơn quý vị!