SSDH – Sáng nay tôi đã nói chuyện dài thật dài với chị, tới độ chút xíu nữa thì muộn giờ đi làm. Tôi thương chị quá mà không biết phải làm sao.
Chị có hai cô con gái. Vợ chồng chị chia tay từ khi đứa bé mới lên ba. Một mình chị nuôi hai đứa con. Gái lớn đã lấy chồng. Gái nhỏ đang ở với chị, năm nay hết lớp 10. Cháu học bình thường, không giỏi cũng không dốt. Sẽ không có gì xảy ra nếu không có chuyện bỗng dưng con bé đòi mẹ lo cho đi du học Mỹ. Lý do hết sức đơn giản: các bạn lớp con đứa nào cũng được bố mẹ tìm đường cho “vượt biên”. Nhà mình có dì (là tôi) định cư ở Mỹ, vậy nên mẹ lo cho con đi Mỹ.
Khổ một nỗi, cháu học không đủ giỏi để kiếm học bổng. Du học tự túc thì mẹ cháu dù có nhịn ăn nhịn mặc bán hết tài sản may ra cũng chỉ đủ một năm học phí ở Mỹ cho cháu. Nhưng vì xưa nay chị rất chiều con, luôn muốn bù đắp cho con vì nghĩ con thiệt thòi nhiều khi không có đầy đủ sự chăm lo của cả bố và mẹ như các bạn khác. Vậy nên chị gọi cho tôi để cầu cứu.
Hỏi ra mới biết, kể từ ngày chị mày mò tìm hiểu thông tin du học Mỹ, các công ty văn phòng tư vấn du học ráo riết “săn lùng” chị. Các bạn tư vấn cách nào không biết, chỉ thấy chị rất quyết tâm và tin tưởng rằng cháu chắc chắn sẽ đi được. Tôi hỏi chị, tiếng Anh của cháu còn yếu làm sao đi du học, chị nói không lo, mấy đứa qua trung tâm xyz tiếng Anh 2/10 mà chỉ qua Mỹ 4 tháng đã đủ trình độ vào học chính thức. Hỏi đến thu nhập, khả năng tài chính của chị, chị cũng vô cùng lạc quan, nói trung tâm abc sẽ làm dịch vụ chứng minh tài chính cho chị. Còn khi đã sang tới Mỹ rồi thì trăm sự nhờ dì lo cho cháu.
Ôi, tôi biết nói làm sao cho chị hiểu, rằng nhân vật chính của câu chuyện sẽ ra sao khi chưa hề được chuẩn bị cho một sự thay đổi lớn lao? Rằng mỗi đứa trẻ có năng lực học tập rất khác nhau, không thể mặc định cháu sẽ đủ trình độ tiếng Anh sau 4 tháng sang Mỹ như các em khác? (chưa kể đó chỉ là ví dụ mà các bạn tư vấn đưa ra không hề có kiểm chứng). Sẽ ra sao khi đứa trẻ sang được tới Mỹ không nhờ thực lực cả về học vấn lẫn khả năng tài chính?
Đã có rất nhiều em, bằng cách này cách khác “lọt lưới” phỏng vấn. Đến khi qua Mỹ, bắt đầu cuộc sống tự lập không người thân bên cạnh, không vượt qua được những cú sốc văn hoá… trở nên trầm cảm, việc học chẳng đi đến đâu. Mọi đầu tư thời gian tiền bạc của cha mẹ trở thành con số không, nếu không nói là số “âm”.
Có nhiều em bỏ học đi làm chui ở tiệm nails, bưng bê ở nhà hàng để sống lay lắt qua ngày. Về nước không thành tựu thì xấu hổ, và mặc cảm “tội lỗi” với cha mẹ. Ở lại thì phải đối diện với thực tế nghiệt ngã. Sự hi sinh của cha mẹ để các em có thể đặt chân lên đất Mỹ cùng với kỳ vọng của cha mẹ đã trở thành áp lực quá lớn với các em khiến các em bế tắc trong tình trạng ở không được mà về cũng không xong.
Trở lại với mong ước của chị tôi và của cháu, tôi có một vài chia sẻ, hy vọng sẽ giúp chị và cháu có quyết định phù hợp với thực tế hoàn cảnh gia đình của chị:
1. Việc đầu tiên chị cần làm là để cháu tự liên hệ với các trung tâm tư vấn, tìm kiếm thông tin qua nhiều kênh khác nhau: Internet, bạn bè, các group sinh viên du học… Khả năng tự tìm kiếm, phân tích và kiểm chứng thông tin vô cùng quan trọng trong quá trình trưởng thành của mỗi cá nhân. Rèn luyện khả năng này không chỉ giúp cháu trong việc học mà sẽ giúp cháu trong mọi mặt của cuộc sống tự lập sau này.
2. Trên cơ sở có đầy đủ thông tin, cháu cần tự đánh giá bản thân xem có đáp ứng các điều kiện cần và đủ cho việc du học không? Những yêu cầu nào chưa đáp ứng được cần phải bổ sung? Thời gian để chuẩn bị là bao lâu?…
3. Điều quan trọng nhất là cháu cần trả lời nghiêm túc câu hỏi “Tại sao con muốn đi du học Mỹ?”. Nên dừng lại nếu câu trả lời là một trong những trường hợp dưới đây:
- Vì đó là ước muốn của mẹ nhiều hơn là của con.
- Vì chạy đua theo các bạn.
- Vì con muốn xa cha mẹ, thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ.
- Vì con muốn tìm cách định cư, du học chỉ là phương tiện.
- Vì con muốn tận dụng các nguồn tài trợ.
- Vì con muốn thoát ra khỏi cuộc sống khó khăn hiện tại ở Việt nam.
Có thể còn rất nhiều những câu trả lời khác nữa cho câu hỏi này.
4. Một câu hỏi khác cũng quan trọng không kém, đó là “con muốn trở thành ai sau này? Và việc đi du học có giúp ích cho ước mơ của con? Du học có phải là con đường duy nhất để con trở thành người con mong muốn?”.
Chị và cháu cần suy nghĩ thấu đáo để trả lời cho các câu hỏi trên đây, trước khi lao vào chạy đua theo sự tư vấn của các công ty mà quên mất hành trình gian khổ sẽ trở nên vô nghĩa nếu đích đến cuối cùng không được xác định rõ ràng.
Thái Hải (SSDH) – Theo Dân Trí