SSDH – Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh phía Nam đang gặp khó khăn do dịch bệnh, ngay bây giờ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có thể quyết định thời gian tựu trường muộn hơn khung, ví dụ 10-9 hay 15-9, thậm chí là sang tháng 10.
Ngày 5-8, ông Nguyễn Xuân Thành – vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) – chia sẻ với Tuổi Trẻ Online sau khi có nhiều ý kiến lo lắng về quyết định khung thời gian năm học mới vừa ban hành.
Theo giải thích của ông Nguyễn Xuân Thành, Bộ GD-ĐT ban hành khung thời gian năm học áp dụng chung trên toàn quốc. Căn cứ vào khung này, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định cụ thể kế hoạch thời gian năm học tại địa phương, phù hợp với tình hình thực tế.
Trong đó, thời gian nghỉ học, thời gian tựu trường sớm và thời gian kéo dài năm học không vượt quá 15 ngày so với khung chung do Bộ GD-ĐT ban hành.
Cụ thể, với trường hợp Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh phía Nam đang gặp khó khăn do dịch bệnh, ngay bây giờ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có thể quyết định thời gian tựu trường muộn hơn khung, ví dụ 10-9 hay 15-9, thậm chí là sang tháng 10.
Cùng với đó, thời gian kéo dài năm học kết thúc chậm hơn 15 ngày so với khung (vào ngày 15-6). Các mốc thời gian quy định trong năm học đối với các địa phương có tình huống đặc biệt cũng được UBND tỉnh, thành điều chỉnh phù hợp với thời gian tựu trường và kết thúc năm học này.
“Trường hợp sau khi kéo dài năm học muộn hơn 15 ngày, vẫn không khả thi, các sở GD-ĐT báo cáo về Bộ GD-ĐT để bộ phối hợp với địa phương có giải pháp giải quyết.
Cụ thể, bộ điều chỉnh các lịch chung liên quan tới toàn quốc, ví dụ như lịch thi tốt nghiệp THPT để chờ các địa phương kết thúc năm học muộn, hoặc sẽ cân nhắc có giải pháp khác hợp lý đảm bảo quyền lợi của học sinh ở các địa phương kết thúc năm học muộn” – ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.
Trong khi xây dựng kế hoạch thời gian năm học với địa phương, các tỉnh, thành cần lưu ý các nguyên tắc: đảm bảo số tuần thực học của các cấp học; phù hợp với đặc điểm, thực tiễn địa phương; phù hợp với quy định về ngày nghỉ tết, lễ theo Luật lao động và các hướng dẫn hằng năm; đảm bảo quy định vè ngày phép của giáo viên, người lao động trong ngành giáo dục.
Kế hoạch thời gian năm học phải đảm bảo đồng bộ cho các cấp học trên một địa bàn dân cư, đặc biệt là trong trường phổ thông nhiều cấp học.
Trường hợp các địa phương xảy ra các tình huống đặc biệt (thiên tai, dịch bệnh, khí hậu khắc nghiệt) phải tựu trường muộn, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo hướng tận dụng thời gian, linh hoạt bố trí chương trình để xen kẽ sử dụng tối đa các không gian dạy học khác nhau (trong, ngoài lớp), kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến.
Trong đó, ưu tiên cho các lớp đầu cấp, nhất là lớp 1. Ví dụ, nếu trong năm học cần thực hiện giãn cách có thể ưu tiên học sinh lớp 1 và các lớp đầu cấp đến trường, các lớp khác học trực tuyến.
Trước đó, Bộ GD-ĐT ban hành khung thời gian năm học 2021-2022. Trong đó, ngày tựu trường sớm nhất của học sinh mầm non, phổ thông là 1-9; ngày khai giảng năm học mới là 5-9; kết thúc năm học trước 31-5.
Trong khung thời gian năm học mới ban hành, Bộ GD-ĐT cũng quy định rộng hơn đối với lớp 1. Cụ thể là tựu trường sớm nhất vào 23-8 để có thêm ít nhất 2 tuần cho học sinh làm quen với môi trường học tập trước khi bước vào thời gian thực học (sau ngày 5-9). Đây là nội dung đã rút kinh nghiệm từ những bất cập của năm học trước.
Trong tuần tới, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành Hướng dẫn nhiệm vụ năm học mới để cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn đối với các sở GD-ĐT thực hiện. Trong đó có những nội dung liên quan tới việc thực hiện năm học trong bối cảnh dịch bệnh.
SSDH (theo TTO)