Sẵn sàng du học – Trong đoàn 100 chuyên gia tài năng tham dự Mạng lưới đổi mới sáng tạo 2018, cô gái nhỏ nhắn Văn Đinh Hồng Vũ gây ấn tượng bởi đôi mắt sáng và khát vọng về những giấc mơ thay đổi cuộc đời của hàng triệu người trên khắp thế giới.
Hồng Vũ thuộc thế hệ 8x, đã giành học bổng MBA tại Stanford, một trong những trường đại học hàng đầu nước Mỹ. Theo học cao học chuyên ngành quản trị kinh doanh, nhưng những trăn trở về nền giáo dục nước nhà đã thôi thúc Vũ học thêm tấm bằng Thạc sĩ Giáo dục.
Để theo đuổi đam mê, Hồng Vũ từng hai lần từ bỏ vị trí đáng mơ ước ở các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Ba năm tu nghiệp ở Đan Mạch, Vũ là người châu Á đầu tiên nắm giữ vị trí trợ lý Tổng giám đốc của Maersk, tập đoàn vận tải và năng lượng có chi nhánh trải khắp 136 quốc gia với 89.000 nhân viên.
Sau đó, Vũ lại bỏ ngang vị trí trưởng dự án cấp cao cho Booz & Company, một trong bốn tập đoàn tư vấn đứng đầu nước Mỹ. Không chút tiếc nuối, Vũ đã kể về những gì thôi thúc cô hiện thực hóa những giấc mơ lớn của mình.
Thay đổi phát âm để thay đổi cuộc đời
Elsa (English Language Speech Assistant) gắn liền với những kỷ niệm lần đầu Vũ đặt chân lên đất Mỹ. Những ngày đầu bước chân vào giảng đường Stanford, từ một người vô cùng tự tin Vũ bỗng trở nên dè dặt, dù trong thâm tâm cho rằng chắc chắn mình không kém cỏi các bạn cùng lớp.
Lý do chính là bởi cô nói tiếng Anh không trôi chảy, các bạn nước ngoài khó khăn để hiểu những gì cô nói.
Rất may là sau đó cô được một người bạn Mỹ cùng lớp giúp đỡ. “Bạn ấy đã bỏ thời gian kèm cặp tôi, kiên nhẫn nghe tôi nói và chỉ ra các lỗi tôi mắc phải, cũng như đưa ra cách khắc phục”, Vũ kể.
Mỗi lần nhìn lại quãng ngày mới đến Mỹ, Vũ rất biết ơn những người bạn như vậy. Họ đã giúp cô lấy lại sự tự tin, để từ đó cô chinh phục các đỉnh cao mới, đảm nhận những vị trí cấp cao trong hãng tư vấn danh tiếng của Mỹ.
“Bạn không nhận ra phát âm quan trọng đến nhường nào cho đến khi sống và làm việc ở nước ngoài”, Vũ nói và giải thích, cô đã chứng kiến rất nhiều du học sinh giỏi không thể leo lên vị trí lãnh đạo trong các tập đoàn chỉ vì cách phát âm không giống người bản xứ. Rắc rối tưởng như rất nhỏ đó lại là cản trở lớn trong ngoại giao và thăng tiến, đặc biệt trong những nghề đòi hỏi kỹ năng giao tiếp cao như tư vấn hay luật sư.
Đang sở hữu công việc đáng mơ ước, nhưng Vũ vẫn luôn nghĩ về những khó khăn mà mình đã gặp phải. “Tôi ước sao mọi người trên thế giới này đều có người bạn tốt giống như tôi đã có. Và tôi nghĩ rằng, không có cách nào tốt hơn là tạo ra một sản phẩm gắn với công nghệ mới để hơn 1,5 tỷ người trên khắp thế giới có thể sử dụng”, Vũ chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp với Elsa Speak.
Từ năm 2013, Vũ mời các chuyên gia dạy nói để xây dựng nội dung cho Elsa. Mỗi giờ dạy của họ trị giá 200 USD, với lượng học viên rất giới hạn, còn ứng dụng Elsa (khi hoàn tất) sẽ có giá tối ưu, nên phù hợp với nhiều người ở mọi quốc gia.
Về phần công nghệ, Elsa được lập trình ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để mô phỏng cách dạy của các chuyên gia dạy nói hàng đầu nước Mỹ. Elsa có đội ngũ kỹ sư và chuyên gia để thiết kế công nghệ nhận diện giọng nói hiện đại nhất ở Mỹ.
Nhờ đó, Elsa không chỉ nhận diện chính xác các phát âm sai của người đọc, mà còn giúp họ cải thiện từng âm sau khi luyện tập. Ngay sau vài ngày đầu phát động chiến dịch dùng thử sản phẩm, 1.000 người đăng ký dùng thử đã chen kín danh sách.
Tháng 3/2016, tại Triển lãm giáo dục SXSWedu, Elsa giành giải Nhất chung cuộc. Khi ấy, không ít người bất ngờ bởi người sáng lập start-up là một cô gái Việt Nam.
Từ khi giới thiệu ra thị trường đến nay, Elsa vẫn liên tục được nâng cấp và cải tiến với nhiều bài học, nhiều chủ đề hơn. Hiện nay, ứng dụng đã thu hút hơn 1 triệu người sử dụng. Người dùng có thể trải nghiệm Elsa 7 ngày miễn phí, sau đó trả một khoản phí nhỏ để tiếp tục mở khóa các bài học khác.
“Mục tiêu của tôi khi xây dựng Elsa là cung cấp những giải pháp độc đáo có thể giải quyết được những thách thức lớn nhất đối với hơn 1,5 tỷ người học tiếng Anh khắp thế giới. Đó là giúp họ nói tiếng Anh tự tin và đem đến cho họ cơ hội bình đẳng để giải phóng những tiềm năng của bản thân và mở ra những cơ hội mới.
Năm 2016, các học viên tiếng Anh đã chi hơn 65 tỷ USD để đầu tư cho các khóa đào tạo tiếng Anh, và 90% học viên vẫn đang phải đánh vật khi họ nói tiếng Anh.
Tại sao họ rất giỏi ngữ pháp và từ vựng mà vẫn cảm thấy không tự tin khi nói tiếng Anh bởi vì họ có cảm giác người đối diện vẫn không thực sự hiểu họ nói gì. Theo nghiên cứu của chúng tôi, những người nói tiếng Anh không đúng ngữ điệu bị giảm đi 30% độ tin tưởng của người nghe.
Những người nói tiếng Anh tốt có thể có thu nhập cao hơn 40% so với những người khác. Đây là một vấn đề lớn phải giải quyết và qua Elsa Speak, chúng tôi mong muốn cung cấp một giải pháp mới cho những người học tiếng Anh để có thể giải quyết những thách thức này trong dài hạn”, Vũ chia sẻ.
Kết nối để thay đổi số phận
Ngoài vai trò nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Elsa Speak, Vũ còn là nhà sáng lập và Chủ tịch của Quỹ VietSeeds, nơi cung cấp học bổng, chắp cánh cho trẻ em nghèo Việt Nam được cắp sách tới trường, hướng dẫn và đào tạo những bạn trẻ kém may mắn để các em có thể theo đuổi giấc mơ thay đổi cuộc đời. Vũ thành lập Vietseeds từ năm học cuối tại Đại học Stanford.
Quỹ học bổng Vietseeds bắt đầu từ một ý tưởng rằng mọi người đều nên có cơ hội bình đẳng để phát huy tối đa tiềm năng của mình. Mỗi kỳ tuyển sinh đại học, báo chí lại có nhiều bài viết về những bạn học sinh đỗ đại học nhưng gia cảnh quá khó khăn, không có cơ hội để theo đuổi ước mơ.
Năm đầu, Vũ chọn 10 bạn đậu đại học trong hoàn cảnh như vậy, sau đó cô tìm kiếm 10 nhà tài trợ và kết nối hai nhóm lại với nhau. Khoản học bổng 1.000 USD/năm/sinh đã giúp những sinh viên nghèo yên tâm học tập.
Đến nay, Vietseeds đã qua 7 năm hoạt động, số sinh viên được nhận học bổng mỗi năm đã lên đến 200 em.
Vừa quản lý Elsa Speak vừa lo cho Vietseed, cô gái trẻ còn rất nhiều dự định muốn làm. Elsa Speak đang được mở rộng ở Việt Nam với các nhân viên người Việt. Với Vietseed, nhóm ở Việt Nam cũng dần dần xây dựng, điều hành hoạt động, tổ chức các buổi tư vấn…, Vũ chỉ quản lý từ xa, lên kế hoạch từng năm, xin tài trợ hoặc xử lý các trường hợp khó mà những thành viên khác chưa giải quyết được. Cô vẫn phải bay đi bay về phân bổ thời gian giữa Việt Nam và Mỹ, thường là khoảng 3 – 4 tháng ở Mỹ mỗi năm.
Vất vả là vậy, nhưng nụ cười tươi rói luôn nở trên môi cô gái nhỏ nhắn. Vũ chia sẻ rằng, cô cảm thấy hạnh phúc bởi đang từng bước hiện thực hóa ước mơ mang tới một cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, để ai cũng có thể phát huy toàn bộ tiềm năng của mình.
Văn Đinh Hồng Vũ:
Khi đồng ý tham gia đoàn 100 chuyên gia nước ngoài về tham dự Mạng lưới đổi mới sáng tạo 2018, tôi vẫn băn khoăn tự hỏi liệu việc này sẽ đem lại điều gì đó tốt đẹp.
Tuy nhiên, sau khi tham gia các hoạt động tại Việt Nam trong suốt 4 ngày vừa qua, gặp gỡ và trò chuyện với các nhà lãnh đạo Chính phủ, cũng như trao đổi với các cộng sự của họ, tôi lạc quan rằng, lần này Chính phủ rất quyết tâm và cam kết sẽ đem đến những thay đổi lớn cho Việt Nam thông qua công nghệ.
Cá nhân tôi nghĩ rằng để những ý tưởng tốt đẹp của Mạng lưới đổi mới sáng tạo 2018 thành công, chúng ta cần xác định những thách thức lớn mà Việt Nam cần giải quyết trong cuộc cách mạng 4.0.
Đó phải là những vấn đề rất cụ thể, cả ngắn hạn và dài hạn. Từ danh sách những việc cần làm ấy, chúng ta xác định chuyên gia nào trong mạng lưới có thể đóng góp để tìm kiếm giải pháp xử lý phù hợp.
Tôi hy vọng, chúng tôi có thể đồng hành cùng Chính phủ lâu dài như những gì các nhà lãnh đạo đã cầu thị thể hiện trong chuỗi hoạt động vừa qua, chia sẻ cởi mở với chúng tôi về những thách thức mà chúng tôi có thể giải quyết cho Việt Nam, cung cấp cho chúng tôi những nền tảng mở để từ đó có thể tiếp cận dễ dàng với những nguồn lực phù hợp và từ đó, chúng tôi có thể đóng góp kinh nghiệm cũng như kiến thức của mình.
Mỗi người trong số 100 thành viên tham gia đoàn đều cho biết sẵn sàng và cam kết hỗ trợ Việt Nam tất cả những gì chúng tôi có thể làm được.
Thái Hải (SSDH) – Theo Tin nhanh chứng khoán