SSDH – Tổ chức Times Higher Education (THE) vừa công bố bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới năm 2022. Năm nay, có 5 đại học của Việt Nam nằm trong bảng xếp hạng uy tín bậc nhất thế giới này.
Năm 2022, có 1.662 cơ sở giáo dục trên thế giới được THE xếp hạng, tăng 136 cơ sở so với năm 2021 là 1.526. Năm 2021, Việt Nam có 3 đại diện được THE xếp hạng gồm: Đại học quốc gia Hà Nội (vị trí 801-1.000), Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM cùng ở vị trí 1.001+.
So với các năm trước, năm 2022 là một bước nhảy vọt khi có tới 5 đại diện của Việt Nam được lọt vào bảng xếp hạng THE, gồm:
1. Trường Đại học Duy Tân: vị trí 401-500,
2. Trường Đại học Tôn Đức Thắng: vị trí 401-500,
3. Đại học Quốc gia Hà Nội: vị trí 1.001-1.200,
4. Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội: vị trí 1.201+,
5. Đại học Quốc gia TP.HCM: vị trí 1.201+.
Có 2 trường đại học lần đầu tiên được THE xếp hạng nhưng đã có vị trí tương đối cao là:
– Đại học Duy Tân
– Đại học Tôn Đức Thắng
Cùng ở vị trí 401-500. Cả 2 trường này đều được đánh giá cao ở các tiêu chí Tầm nhìn quốc tế (International Outlook) và Trích dẫn khoa học (Citations).
Được công bố lần đầu vào năm 2004, cho đến nay THE được công nhận là một trong những bảng xếp hạng uy tín đánh giá chân thực chất lượng của trường đại học trên toàn thế giới, bên cạnh:
– QS (Quacquarelli Symonds) Ranking
– Jiaotong Shanghai Ranking (của Đại học Giao thông Thượng Hải)
Xếp hạng đại học thế giới theo THE được tính theo 5 “trụ cột” bao gồm tập hợp các chỉ số đại diện cho các tiêu chí đánh giá chính đối với một cơ sở giáo dục xuất sắc. Cụ thể mỗi chỉ số được kết hợp bằng cách sử dụng các trọng số sau:
Trụ cột giảng dạy (30%)
– Tỉ lệ đào tạo tiến sĩ tốt nghiệp/cử nhân tốt nghiệp: 2,25%
– Tỉ lệ đào tạo tiến sĩ tốt nghiệp/giảng viên: 6%
– Danh tiếng về giảng dạy: 15%
– Thu nhập trung bình của đội ngũ: 2,25%
– Tỉ lệ sinh viên/giảng viên: 4,5%
Trụ cột nghiên cứu (30%)
– Tỉ lệ công bố khoa học/giảng viên: 6%
– Tỉ lệ thu nhập từ nghiên cứu/giảng viên: 6%
– Danh tiếng về nghiên cứu: 18%
Trụ cột trích dẫn khoa học (30%)
– Tác động của trích dẫn khoa học: 30%
Trụ cột nguồn thu từ doanh nghiệp (2,5%)
– Tỉ lệ thu nhập từ chuyển giao tri thức/giảng viên: 2,5%
Trụ cột tầm nhìn quốc tế (7,5%)
– Phần trăm giảng viên quốc tế: 2,5%
– Đồng tác giả quốc tế: 2,5%
– Phần trăm sinh viên quốc tế: 2,5%
Có thể nói xếp hạng THE cùng với xếp hạng QS Rankings và xếp hạng Shanghai là 3 bảng xếp hạng uy tín, phổ biến và được công nhận rộng rãi nhất trên thế giới hiện nay. Trên 3 bảng xếp hạng này, nhiều trường đại học của Việt Nam được xếp ở những vị trí thứ hạng cao và tăng nhanh qua mỗi năm.
Điều này không chỉ khẳng định chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam đang dần tiệm cận với tiêu chuẩn của đào tạo đại học ở các nước tiên tiến mà còn ghi nhận những nỗ lực của các trường đại học trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, kiểm định quốc tế, nghiên cứu khoa học, và hợp tác quốc tế đã có những hiệu quả nhất định. Cụ thể:
Trên Bảng xếp hạng QS World Rankings năm 2022, top 4 trường đại học của Việt Nam là:
– Đại học Quốc gia TP.HCM: vị trí 801-1.000,
– Đại học Quốc gia Hà Nội: vị trí 801-1.000,
– Đại học Tôn Đức Thắng: vị trí 1.001-1.200, và
– Đại học Bách Khoa Hà Nội: vị trí 1.200+.
Trên Bảng xếp hạng học thuật 2021 của Shanghai Ranking Consultancy thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) vừa công bố vào ngày 15-8-2021, có 2 đại học của Việt Nam lọt Top 1.000 gồm:
– Đại học Duy Tân: vị trí 601-700,
– Đại học Tôn Đức Thắng: vị trí 601-700.
SSDH (theo TTO)