6 bí quyết viết Personal Statement thành công

0

Sẵn sàng du học – Dù bạn đang nộp đơn ứng tuyển vào một trường đại học hoặc đang tìm cách đăng ký các khóa sau đại học, nhiều nơi đòi hỏi hồ sơ ứng tuyển phải bao gồm thư ngỏ hoặc Personal Statement (bài giới thiệu về bản thân). Đây là một trong những bước quan trọng nhất của quá trình ứng tuyển và đôi khi còn là nhân tố quyết định nữa.

ssdh-sinh-vien4

Bài luận giới thiệu bản thân giúp nhà trường hiểu rõ hơn bạn là ai, vượt ra khỏi những quy tắc cứng nhắc thông thường về việc nộp một lá đơn xin nhập học chỉ cần “điền vào chỗ trống”.

Như nhiều bạn khác, tôi cũng sẽ kết thúc chương trình sau đại học. Sau khi tìm kiếm các lời khuyên và hướng dẫn, tôi quyết định so sánh những yêu cầu khác nhau về bài tự giới thiệu bản thân của các trường khác nhau, cũng như xin lời khuyên của những văn phòng tuyển sinh. Sau đây là những gì tôi đúc kết được:

1. Là chính mình

Khoa Báo chí trường Đại học Columbia khuyên sinh viên viết về gia đình, việc học, năng khiếu hoặc đam mê. Họ muốn nghe về những nơi chốn thú vị bạn đã đi qua, những sự kiện ảnh hưởng lớn trong đời; về những quyển sách bạn đã đọc, những người bạn đã gặp hay những việc bạn đã làm định hình nên tính cách và con người bạn.

Nhà trường muốn biết về con người thật của chính bạn, vì thế đừng cố gắng kiến tạo chân dung của một ai đó khác. Điều này giống như trong buổi hẹn hò đầu tiên vậy. Bạn muốn phô bày những phẩm chất tốt đẹp nhất nhưng đồng thời cũng muốn là chính mình. Bạn muốn người khác thích mình, chứ không phải người mà bạn đang cố giả vờ.

2. Biểu hiện đa dạng

Rayna Reid, một cố vấn uy tín về viết Personal Statement, đã nhận bằng cử nhân tại Cornell, bằng Thạc sĩ tại Đại học Pennsylvania và hiện đang học ngành Luật tại Columbia. Reid cho rằng bài personal statement thật sự là cách thức hữu hiệu để gây cảm tình với nhà trường.

“Bài luận là cơ hội để bạn khẳng định điểm nổi trội của bản thân so với các ứng viên khác,” cô chia sẻ. “Hãy giải thích tại sao họ nên chọn bạn. Bạn đóng góp được những gì?”

Sean Carpenter, sinh viên, hiện làm việc tại Phòng Công tác sinh viên tại Đại học Nam California, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm nổi bật hồ sơ bản thân so với các ứng viên khác

Carpenter làm việc tại văn phòng tuyển sinh Khoa Truyền thông, trường Annenberg và hàng ngày chịu trách nhiệm giải hỗ trợ các sinh viên tương lai. Anh cho biết, dù là Úc hay bất cứ trường đào tạo chuyên ngành nào cũng muốn thấy được sự đa dạng, mới mẻ trong bài viết.

“Họ muốn thấy được điểm khác biệt của bạn so với các ứng viên khác, đặc biệt thông qua tính đa dạng, phong phú của bài viết. “Điều gì khiến bạn trở nên độc đáo? Hãy nói về những điều đã giúp bạn trưởng thành và xây dựng tính cách của riêng bạn.”

ssdh-sinh-vien

3. Nghiên cứu và chỉnh sửa bài viết cho phù hợp

Mỗi trường đại học có những yêu cầu không giống nhau, vì thế mỗi bài personal statement cũng phải khác nhau. Nhiều sinh viên cố tìm cách “cho qua” bước này bằng một bài luận chung chung, nhưng văn phòng tuyển sinh sẽ phát hiện ra điều đó.

“Nghiên cứu và đưa ra những lý do vững chắc tại sao bạn hứng thú với một chương trình học nào đó,” Carpenter chia sẻ. “Trò chuyện với một thầy cô mà bạn muốn làm việc cùng hoặc hỗ trợ nghiên cứu và đề cập đến vấn đề đó trong bài luận. Việc kể tên các khóa học tương thích với lĩnh vực dự định theo đuổi sắp tới cũng sẽ có lợi cho bạn.”

4. Đảm bảo tính chính xác và làm theo hướng dẫn

Hãy chắc rằng bạn đã đọc kỹ các hướng dẫn. Một trong những điểm trừ lớn nhất mà sinh viên thường mắc phải là không tuân thủ quy định về số từ. Đừng để lỗi sai đó cướp đi cơ hội trúng tuyển của bạn.

Luôn có cách để bày tỏ mọi điều bạn muốn trong khuôn khổ một trang giấy hay thậm chí ít hơn nữa. Nếu cần, hãy nhờ một vài thầy cô đọc qua bài luận và giúp bạn đưa ra nhận xét.

5. Vượt qua khuôn mẫu của bản sơ yếu lý lịch, bảng điểm trung bình và kết quả kiểm tra

Nhiều sinh viên lo lắng rằng điểm trung bình và kết quả kiểm tra đầu vào có thể ảnh hưởng đến quá trình ứng tuyển. Vậy thì, bài giới thiệu bản thân sẽ là cơ hội để giải thích, dù là ưu điểm hay khuyết điểm trong hồ sơ ứng tuyển của bạn, chẳng hạn như những thay đổi trong lựa chọn chuyên ngành, điểm trung bình không cao hay việc thiếu kinh nghiệm thực tế.

Lấy ví dụ, Reid lo lắng về việc không đạt điểm trung bình 4.0. Và vì không có điểm số hoàn hảo, cô phải giải thích về những việc mình làm được để bù lại khiếm khuyết đó. Thành viên đội chèo thuyền Varsity và tham gia giảng dạy tại America Corp là lý giải tuyệt vời về cách cô sử dụng quỹ thời gian của mình để làm những điều bổ ích, dù những hoạt động đó có thể ảnh hưởng đến điểm số trung bình.

6. Kể một câu chuyện

“Không gì khiến người khác có cảm tình với bạn hơn một câu chuyện hay. Tất nhiên bạn không cần phải cố viết để đạt giải Pulitzer,” Reid cho biết. “Trong một bài luận, tôi đã từng viết về cảm giác dành cho người bạn đời của mình, nó giống như trong cuốn phim Dirty Dancing và cách bộ phim đó đã thay đổi cuộc sống tôi như thế nào. Chị tôi, hiện đang học tại Princeton, thậm chí đã đưa việc giết một con ruồi vào trong bài viết của mình!”

Một trong những điều tệ hại nhất là khiến cho nhà tuyển sinh nhàm chán. Hãy làm họ nhớ đến bạn bằng một câu chuyện độc đáo, từ một góc nhìn sáng tạo hay khác biệt.

Với những lời khuyên trên, personal statement sẽ là điểm sáng trong hồ sơ dự tuyển của bạn. Chúc may mắn!

Bài viết được thực hiện bởi Alexis Morgan, hiện là sinh viên năm cuối tại Penn State University. Cô có kinh nghiệm rộng rãi trong lĩnh vực quan hệ công chúng, báo chí truyền thông, báo in và sản xuất. Alexis có niềm tin rằng nếu bạn có cơ hội làm những điều mình thích, thì mỗi ngày bạn trải qua không phải là làm việc nữa, mà là đang hưởng thụ cuộc sống.

Cá Domino (SSDH) – Theo Alexis Morgan

Share.

Leave A Reply