Bí kíp ‘chống sốc’ khi du học New Zealand

0

Sẵn sàng du học – Việc bỏ túi nhiều bí kíp, kinh nghiệm trước khi du học sẽ giúp bạn trẻ tránh bỡ ngỡ ở môi trường mới.

Đầu tháng 7, Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) tổ chức lễ trao học bổng và hướng dẫn thông tin trước khi 20 học sinh xuất sắc nhận học bổng bậc trung học (NZSS) của chính phủ nước này lên đường. Tại đây, nhiều kinh nghiệm, bí quyết hữu ích cho du học sinh được chia sẻ.

Hiểu về khác biệt văn hóa để hòa đồng

Anh Thaddeus Dennis đến từ New Zealand, vừa tốt nghiệp Đại học Canterbury, hiện là thực tập sinh của Thương vụ Lãnh sự quán New Zealand tại TP.HCM, chia sẻ trên quan điểm của người bản xứ.

Anh giới thiệu về những nét khác biệt về văn hoá tại xứ sở kiwi, điển hình như việc xe cộ ở New Zealand đi bên trái. Du học sinh sẽ phải làm quen với tay lái bên trái và khi sang đường, bạn cần nhìn qua bên phải để xem có xe đang đi tới hay không.

Anh Thaddeus Dennis đến từ New Zealand. Ảnh: ENZ

Anh Thaddeus Dennis đến từ New Zealand. Ảnh: ENZ

Anh Thaddeus Dennis cũng dặn dò các bạn học sinh: "Ba từ cửa miệng của người New Zealand là 'Sorry', 'Thank you' và 'Please'. Thêm một điều khá thú vị, nếu người New Zealand muốn từ chối bạn, họ sẽ nói 'Yeah nah, mate', thoạt nghe có vẻ như là họ đồng ý, nhưng thực ra, đây là một cách từ chối nhẹ nhàng”.

Vị khách này còn bật mí rằng người New Zealand đi ngủ rất sớm, cửa hàng sẽ đóng cửa từ 17h. Buổi tối, người New Zealand ít khi ra đường vì họ rất coi trọng thời gian dành cho gia đình sau giờ làm việc.

Việt Nam và New Zealand có nhiều khác biệt về văn hóa, nên việc thấu hiểu và dung hòa là kỹ năng cần có của du học sinh.

Thích nghi với phương pháp học tập mới

Nhiều người nghĩ học ở nước ngoài sẽ nhẹ nhàng hơn ở Việt Nam. Tuy nhiên, không phải tất cả cấp học của New Zealand đều như vậy.

Bà Bành Phạm Ngọc Vân, Giám đốc Cơ quan Giáo dục New Zealand tại Việt Nam, cho biết từ lớp 10 trở xuống, học sinh tương đối "nhẹ đầu", hầu như không có bài tập về nhà. Tuy nhiên, từ lớp 11 đến lớp 13 (hệ thống giáo dục phổ thông ở New Zealand có 13 lớp), khối lượng kiến thức sẽ khó và nhiều hơn, đồng thời kết quả học tập sẽ quyết định việc xét tuyển vào đại học sau này.

Bà Ngọc Vân (trái) và chị Kim Liên (phải) chia sẻ những điều họ từng trải qua khi du học New Zealand. Ảnh: ENZ.

Bà Ngọc Vân (trái) và chị Kim Liên (phải) chia sẻ những điều họ từng trải qua khi du học New Zealand. Ảnh: ENZ.

Bà Lê Kim Liên có con đang học lớp 12 tại New Zealand, chia sẻ: "Năm lớp 11, cháu chỉ có 6 môn học, trong đó có 3 môn bắt buộc và 3 môn tự chọn. Một trong những môn tự chọn của con gái tôi là thể dục vì con nghĩ sẽ học nhẹ nhàng, đơn giản. Tuy nhiên, con đã nhầm vì môn thể dục sẽ dạy học sinh như một vận động viên chuyên nghiệp. Con gái tôi không theo nổi và bị tách lớp, may mắn sau đó đã chuyển sang được môn khác. Có thể thấy lên đến cấp 3, học sinh học rất ít môn nhưng rất chuyên sâu", bà Liên kể lại.

Một kinh nghiệm của bạn Ngũ Nam Hưng (hiện là sinh viên năm thứ nhất Đại học Auckland, New Zealand) trong việc chọn môn là nên trao đổi với bộ phận hướng nghiệp của trường. Họ sẽ tư vấn chọn các môn học vừa là thế mạnh của học sinh, vừa là tiêu chí đầu vào trường đại học mà bạn hướng tới sau này. New Zealand không có kỳ thi tốt nghiệp trung học hoặc thi đại học, mà sẽ xét tuyển dựa trên kết quả học tập của 3 năm phổ thông cuối cấp.

Ông Ngũ Nam Hưng (giữa) và Allan (trái) chia sẻ những kinh nghiệm khi học tập trong môi trường mới. Ảnh: ENZ

Ông Ngũ Nam Hưng (giữa) và Allan (trái) chia sẻ những kinh nghiệm khi học tập trong môi trường mới. Ảnh: ENZ

Nếu “gà mờ” về công nghệ, học sinh Việt Nam cũng cần cải thiện ngay trước khi du học. Công nghệ đang được áp dụng triệt để vào mọi chương trình học tại New Zealand. Các bạn trẻ ở đây đều thuần thục về công nghệ để có thể sử dụng giáo án điện tử, thư viện điện tử, các phần mềm chuyên dụng cho từng môn học, ngành học.

Học sinh trung học ở New Zealand thường được học theo dự án. Bạn cần có kỹ năng tra cứu tài liệu trên mạng, lọc thông tin, chuẩn bị bài thuyết trình hay viết tiểu luận.

"Lận lưng" nhiều mẹo nhỏ

Bà Bành Phạm Ngọc Vân khuyên du học sinh khởi hành vào tháng 7 nên mang theo nhiều quần áo ấm vì New Zealand đang mùa đông. Học sinh cũng nên tìm hiểu thông tin về khí hậu, thời tiết 4 mùa ở nơi mình sẽ sinh sống để mang theo quần áo và các vật dụng phù hợp nhất.

Kết bạn với người bản địa sẽ giúp du học sinh nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới đồng thời có thể nhờ giúp đỡ khi cần. Ảnh: ENZ.

Kết bạn với người bản địa sẽ giúp du học sinh nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới đồng thời có thể nhờ giúp đỡ khi cần. Ảnh: ENZ.

Thêm một mẹo nhỏ đối với các du học sinh, bà Lê Kim Liên khuyên phụ huynh và học sinh ngay khi sang nước ngoài nên làm thẻ ngân hàng để việc chuyển, rút tiền cho con được thuận lợi. Nhờ vậy, học sinh sẽ không cần mang theo nhiều tiền mặt.

Ông Allan Mai, với hơn 10 năm kinh nghiệm gắn bó với nền giáo dục New Zealand, cho biết phụ huynh và học sinh khi đặt vé máy bay sang nước này nên tìm kiểu kỹ thông tin, trừ hao thời gian quá cảnh, nối chuyến, làm thủ tục.

Du học sinh Việt thường có thói quen mang theo nhiều thực phẩm, mỳ gói, thuốc, nhưng ông Allan khuyên chỉ nên mang đồ thật cần thiết với số lượng vừa phải, đủ dùng. Lý do là New Zealand có đầy đủ thực phẩm ở các cửa hàng hay siêu thị châu Á.

New Zealand hiện là quốc gia sở hữu nền giáo dục đẳng cấp thế giới:

– Quốc gia nói tiếng Anh dẫn đầu toàn cầu về chỉ số giáo dục chuẩn bị cho tương lai.

– Cả 8 trường đại học đều nằm trong top 3% các trường đại học tốt nhất thế giới.

– Cơ hội visa làm việc đến 3 năm sau khi tốt nghiệp cho sinh viên quốc tế.

Thông tin về giáo dục New Zealand, độc giả tìm hiểu thêm tại đây.

Thái Hải (SSDH) – Theo Zing News

Share.

Leave A Reply