Sẵn sàng du học – Đừng bỏ qua các khóa học đã tham gia có liên quan đến lĩnh vực bạn quan tâm và hướng tới. Điều này sẽ cho thấy rằng, tuy bạn chưa có thực tiễn làm việc trong ngành nghề này, nhưng bạn đang thực hiện các bước cần thiết để tiến lên trong sự nghiệp của mình thông qua việc học tập khi còn ngồi trên giảng đường đại học.
1. Kinh nghiệm tình nguyện
Sinh viên mới ra trường thì lấy đâu ra kinh nghiệm? Đây là thắc mắc của rất nhiều sinh viên mới "chân ướt chân ráo" trên bước đường tìm việc. Nhưng các bạn cần hiểu rõ rằng, kinh nghiệm không nhất thiết phải là bạn đã từng làm ngành nghề này ở một nơi nào khác, trong một khoảng thời gian nào đó… Kinh nghiệm còn có thể là những gì bạn đã trải qua và đúc rút được từ thực tiễn cuộc sống, trên giảng đường hay các hoạt động xã hội…
Bạn từng nằm trong thành phần BTC hội trường, từng tham gia tình nguyện, kêu gọi một chương trình từ thiện… Hãy cứ tự tin giới thiệu bản thân và những hoạt động bạn đã trải nghiệm. Bởi các nhà tuyển dụng sẽ rất quan tâm và đánh giá cao những điều này, vì nó cho thấy sự năng động, tìm tòi, khám phá và phát triển bản thân của chính bạn.
2. Nêu bật điểm mạnh và mục tiêu nghề nghiệp
Nếu không có kinh nghiệm làm việc, CV của bạn sẽ không giải thích rõ ràng mục tiêu nghề nghiệp của bạn và loại công việc mà bạn hướng tới. Vậy nên, nêu rõ mục tiêu nghề nghiệp là sự bổ sung hoàn hảo cho một sơ yếu lí lịch thiếu kinh nghiệm làm việc. Chỉ cần 1-2 câu có thể nói về điểm mạnh, sở thích và nguyện vọng của bạn. Điều này làm cho hồ sơ của bạn hấp dẫn hơn đối với người quản lý tuyển dụng. Đôi khi điểm nổi trội của bạn chính là "chìa khóa" giúp bạn tiếp cận gần hơn đối với nhà tuyển dụng.
3. Kỳ thực tập bạn đã trải qua
Năm cuối, sinh viên sẽ có kì thực tập nhưng dường như sinh viên đang xem nhẹ, hời hợt với việc thực tập và chỉ làm cho có hình thức. Chính vì lý do này sinh viên đã bỏ qua cơ hội học việc, áp dụng những điều đã học vào công việc đúng chuyên ngành của mình. Bởi vậy các bạn cần đánh giá đúng tầm quan trọng, sự cần thiết của việc thực tập. Đây được xem là cầu nối giữa việc lựa chọn nghề nghiệp và trải nghiệm việc làm trong môi trường thực tế.
Sinh viên có thể chủ động liên hệ với các công ty hoặc bộ phận nhân sự của công ty nơi mình cảm thấy phù hợp để xin thực tập tại đó. Và các bạn nên có kế hoạch trước khi đến công ty thực tập để quan sát, học hỏi những người có kinh nghiệm trong nghề cũng như nắm rõ đặc điểm môi trường làm việc. Tất cả những điều này đều sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong quá trình xin việc.
4. Trải nghiệm học tập
Đừng bỏ qua các khóa học đã tham gia có liên quan đến lĩnh vực bạn quan tâm và hướng tới. Điều này sẽ cho thấy rằng, tuy bạn chưa có thực tiễn làm việc trong ngành nghề này, nhưng bạn đang thực hiện các bước cần thiết để tiến lên trong sự nghiệp của mình thông qua việc học tập khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Hoặc nếu bạn có những dự án liên quan đến ngành nghề mình đang học thì đây cũng là một trong những điểm sáng của CV.
Ngoài ra, việc tham gia và đứng đầu trong các CLB tại trường học cũng là những điều bạn không nên bỏ qua trong CV. Điều này cho thấy sự quyết tâm và háo hức trong vai trò lãnh đạo của bạn. Đặc biệt hữu ích nếu các CLB bạn tham gia liên quan đến ngành nghề bạn đang lựa chọn.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14.vn