Sẵn sàng du học – Thói quen học tập tốt có thể tạo nên sự khác biệt giữa thất bại và thành công. Một khi bạn đã nhận thức về những thói quen xấu của bản thân, bạn có thể thay đổi chúng để trở nên hoàn thiện hơn mỗi ngày.
Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau nhé:
Thói quen học tập của bạn là gì?
Bạn có hài lòng với cách làm việc của bản thân không?
Bạn luôn làm theo những cách thức truyền thống, nhưng kết quả đạt được lại không khiến bạn hài lòng? Điều đó có thể là do một số thói quen học tập xấu.
Nếu bạn đang không hài lòng về bản thân, hãy đặt ra mục tiêu thay đổi và thực hiện chúng trong 30 ngày liên tiếp. Điều này sẽ tạo lập cho bạn thói quen khi muốn làm một việc gì đó.
Làm sao để thay đổi thói quen của bạn?
Cam kết bằng văn bản
Bạn cần biết chính xác những điều bạn muốn thay đổi (thói quen xấu của bạn) và thay vào đó là những điều bạn sẽ làm (thói quen tốt).
Hãy viết ra thói quen xấu của bạn và tự hứa với bản thân sẽ không làm những điều đó. Sau đó viết ra những thói quen tốt bạn sẽ làm thay thế. Hãy viết thật gọn gang, ngay ngắn với màu sắc tươi sáng để bạn dễ nhớ hơn. Điều quan trọng là, hãy làm việc này ngay bây giờ để thể hiện sự nghiêm túc của bạn!
Cố gắng thực hiện thói quen tốt
Đừng nghĩ rằng mình không làm được, vì điều đó sẽ khiến bạn thực sự không làm được. Và nếu bạn muốn học nhiều hơn, hãy bắt đầu bằng việc học trong một giờ mỗi ngày hơn là việc ép bản thân ngồi học 4-5 giờ mỗi ngày.
Nếu bạn muốn giảm thời gian bạn làm những việc khác, chẳng hạn như xem TV, đừng dừng lại ngay lập tức mà hãy chọn 1-2 chương trình yêu thích trong một tuần để làm phần thưởng khi bạn học xong.
Viết ra những thay đổi tích cực bạn muốn có được
Bạn có thể viết ra những điều mình muốn thực hiện, ví dụ như: ‘Tôi là một sinh viên giỏi; Tôi thức dậy vào mỗi buổi sáng lúc 6 giờ sáng để học tập.’ Hãy sử dụng những tấm áp phích hoặc giấy nhớ để ghi lại những mong muốn của mình, đặt chúng ở những nơi nổi bật, dễ tìm như trên tủ lạnh hoặc bên cạnh gương của bạn để có sự nhắc nhở về thói quen mới.
Nói với ai đó
Hãy nói với gia đình của bạn về những gì bạn đã quyết định làm và yêu cầu họ giúp đỡ cũng như cho bạn động lực nếu bạn cảm thấy muốn bỏ cuộc. Hoặc bạn có thể cùng thực hiện với một người bạn để cả hai có thể tạo động lực cho nhau.
Nghiêm khắc với bản thân
Ví dụ, bạn quyết định dậy sớm hơn mỗi sáng để học bài. Thói quen cũ (xấu) của bạn là tắt chuông báo thức buổi sáng, và thói quen mới (tốt) của bạn là ra khỏi giường ngay lập tức. Hãy buộc bản thân thực hiện nguyên tắc trong 30 ngày liên tiếp, bạn sẽ thấy mình dần trở nên tự giác với các thói quen bạn đang thay đổi.
Tránh xa những sự cám dỗ
Việc bạn bỏ qua những cám dỗ sẽ dễ dàng hơn việc bạn vượt qua chúng. Ví dụ: nếu bạn không ép bản thân không đọc một cuốn tạp chí mới, cách tốt nhất là đừng nên mua nó, điều này dễ dàng hơn nhiều phải không? Sau này, bạn có thể dung số tiền bạn có được để tự thưởng cho bản thân khi đã vượt qua thử thách!
Suy nghĩ tích cực
Khi bạn có những suy nghĩ tiêu cực, hoặc bắt đầu với thói quen cũ, hãy tự nhắc bản thân là mình có thể làm được những điều tốt hơn. Hãy để bản thân nghĩ những mệnh đề “có thể’, ví dụ thay vì ‘Tôi không thể làm được bài toán này’, hãy nói ‘TÔI CÓ THỂ hỏi gia sư của mình về cách giải bài toán’; hoặc thay vì ‘Tôi không thể đi xem phim tối nay vì phải ở nhà làm bài tập”, hãy nói ‘Nếu tôi làm bài tập tối nay, tôi CÓ THỂ đi xem phim vào thứ Bảy’. Hãy nhớ bạn có thể làm bất cứ điều gì nếu bạn suy nghĩ tích cực về nó.
Đừng quá khó khăn với bản thân
Hãy nhớ bạn không phải là siêu nhân, vì thế những thói quen xấu có thể không thay đổi lập tức từ lần đầu tiên. Nhưng bản thân bạn không được nhụt chí hay bỏ cuộc, hãy thử lại và kiên trì tạo lập thói quen tốt cho bản thân nhé.
Người dịch: Linh Trang (SSDH)