Sẵn sàng du học – Làm việc nhóm là một kỹ năng cực kỳ quan trọng mà ai cũng cần chuẩn bị nhưng có vẻ như quá trình phát triển kỹ năng này trên ghế giảng đường không được suôn sẻ lắm với những nỗi khổ không hồi kết mà sinh viên nào cũng phải đối mặt không biết bao nhiêu lần.
Đã là sinh viên, chắc chắn kỳ nào cũng phải làm bài tập, thuyết trình theo nhóm ít nhất 3, 4 lần.
Thầy cô luôn kỳ vọng bài tập nhóm giúp sinh viên chủ động hơn, tăng khả năng hợp tác và tự tìm tòi. Thế nhưng, ngoài lợi ích ra, mỗi lần làm bài tập nhóm là một lần sinh viên lặp đi lặp lại những nỗi khổ không có hồi kết này.
Tìm người ghép nhóm sao mà khó
Rất nhiều thế hệ sinh viên đã truyền cho nhau một kinh nghiêm xương máu: Ở đại học, học giỏi là chưa đủ, bạn cần có những teamates tốt. Làm việc nhóm cùng những người thiếu trách nhiệm thực sự rất đáng sợ.
Nếu là lần ghép nhóm đầu tiên khi mới vào đại học, ai cũng sẽ chọn ngẫu nhiên một vài người để cùng làm. Nhưng nếu năm 2, năm 3 mà bạn vẫn phải đi tìm nhóm mỗi lần được thầy cô giao bài tập thì rất nan giải đấy. Các nhóm làm chung bài tập một cách tâm đầu ý hợp thường sẽ sớm được hình thành, và mỗi lớp sẽ dư ra một vài người nào đó không thuộc bất kỳ một nhóm nào, thường sẽ là những người không hòa đồng trong lớp hoặc không có trách nhiệm với công việc chung. Vậy nên các nhóm sẽ không sẵn sàng chào đón thêm một thành viên bị dư ra như vậy.
Cả nhóm ai cũng "lầy lội"
Nước đến chân mới nhảy là tình trạng không hiếm ở các nhóm làm bài tập. Trước một tháng, ai cũng ung dung vì còn khá nhiều thời gian mà. Trước 2 tuần, các nhóm chợt nhận ra sắp đến lượt thuyết trình nhưng vẫn chưa gấp lắm. Và cứ thế, có nhóm chỉ chuẩn bị trước 3 ngày, thậm chí là làm slides cả đêm ngay trước giờ trình bày.
Thành viên trong nhóm thì ai cũng có lý do cho sự chậm trễ: trùng nhiều môn một lúc, bận đi làm,… hay đơn giản là deadline chưa ở trên đỉnh đầu thì vẫn chưa có động lực bắt tay vào làm bài. Một sản phẩm được tạo ra vội vàng chắc chắn sẽ không có kết quả tốt.
Nhóm trưởng là "mẹ"
"Cân team" là tình trạng mà nhóm nào cũng có, dù ít hay nhiều. Một nhóm mà các thành viên đều có trách nhiệm thì có thể làm việc được chung nhiều lần. Ngược lại, nếu một nhóm ỷ lại hết vào nhóm trưởng, chắc chắn không có nhóm trưởng nào dám quay lại thêm một lần nữa.
Nỗi niềm một mình làm nhưng cả nhóm được hưởng là nỗi bức xúc không của riêng ai nhưng chẳng có một đáp số chung nào cho các nhóm cả. Cách duy nhất là quy định sòng phẳng mọi đóng góp thành điểm cá nhân mà thôi.
3, 4 môn dồn vào một lúc
Có những kỳ học, sinh viên phải làm bài tập nhóm cho hầu hết các môn nên không có gì bất ngờ nếu một tuần bạn phải nộp bài hay thuyết trình liên tiếp 3, 4 lần.
Với sinh viên, những đêm thức trắng để "cày cuốc" đã chẳng còn gì xa lạ nữa. Nhưng cũng nhờ vậy mà sau mỗi học kỳ, ai cũng bản lĩnh hơn nhiều, bài tập hay deadline chẳng còn quá đáng sợ.
Đánh giá thành viên chẳng dễ chút nào
Nộp bài xong, thuyết trình xong nhưng chưa chắc đã hết đau đầu vì vẫn còn phải đánh giá thành viên và tính điểm đóng góp.
Dù nhóm nào cũng có quy chế tính điểm nhưng không dễ để đo đếm được chính xác mức đóng góp của mỗi thành viên là bao nhiêu. Cùng với tâm lý bạn bè có cơ hội giúp đỡ nhau cũng tốt, không nên tính toán quá chuyện điểm số nên nhiều nhóm đành chia đều kết quả để "tất cả cùng vui".
Thế nhưng, với những ai phải "cân team" nhiều thì hoàn toàn không sẵn lòng với việc những thành viên không làm cũng được điểm bằng người hì hục làm bài cho cả nhóm. Nhưng để thành viên nào đó điểm quá kém thì cả nhóm cũng không được thầy cô đánh giá cao cho cả quá trình chuẩn bị. Đây mới chính xác là lúc căng thẳng và mệt mỏi hơn cả lúc làm bài.
Làm việc nhóm là một kỹ năng cực kỳ quan trọng mà ai cũng cần chuẩn bị nhưng có vẻ như quá trình phát triển kỹ năng này trên ghế giảng đường không được suôn sẻ lắm. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, những sinh viên có trách nhiệm với công việc chung sẽ luôn là những người được tin tưởng và thành công hơn khi bước ra khỏi cánh cổng đại học. Vì vậy, đừng lãng phí những cơ hội làm nhóm, đó là lúc tốt nhất để mỗi người tự phát triển mình.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14