Sẵn sàng du học – Đề ra kế hoạch cho tương lai, lựa chọn hướng đi nghề nghiệp và chịu trách nhiệm cho sự nghiệp của bản thân nghe có vẻ toàn là những điều to tát. Song bạn hoàn toàn có thể thực hiện được chúng với sự giúp đỡ của một bản kế hoạch phát triển năng lực cá nhân hay còn được gọi là Personal Development Plan (PDP).
Về bản chất, “phát triển năng lực cá nhân” là một quá trình kéo dài suốt cả cuộc đời, mỗi cá nhân với mong muốn nâng cao trình độ, kỹ năng, tầm hiểu biết của bản thân đều phải thường xuyên rèn luyện, xem xét chúng mỗi ngày; đặc biệt là sau khi tích lũy được những kinh nghiệm làm việc nhất định. Bất kể hoài bão của bạn là gì thì chúng đều có thể trở thành hiện thực nếu bạn lên một kế hoạch khả thi với các giai đoạn cụ thể và không ngừng cố gắng.
Để xây dựng được một bản Kế hoạch Phát triển Cá nhân hiệu quả, bạn cần trung thực về cả điểm mạnh lẫn điểm yếu, kĩ năng lãnh đạo cũng như kĩ năng quản lý… – tất tần tật những gì bạn có và những gì bạn cần được đào tạo để thúc đẩy các mục tiêu nghề nghiệp của bạn.
Thúc đẩy sự nghiệp bằng cách thấu hiểu bản thân
Bằng cách đi qua các giai đoạn khác nhau trong chu kỳ PDP, bạn sẽ đạt được một số hiểu biết có giá trị. Sự hiểu biết về năng lực của bản thân sẽ giúp bạn trở nên tự tin và sống một cách có định hướng hơn. Bên cạnh đó, việc khai thác các tiềm năng vốn có của mình sẽ giúp bạn đạt được những thành tựu trong công việc một cách thuận lợi.
Bốn phương diện chính của Kế hoạch Phát triển Cá nhân
Khi phác thảo một Kế hoạch Phát triển Cá nhân, bạn sẽ cần tập trung vào bốn lĩnh vực sau:
Mục tiêu của bạn là gì?
Nếu không có một ý tưởng cụ thể về những mục tiêu mà bạn đang nhắm tới, thật khó để đưa ra một bản kế hoạch mang tính chiến lược để hiện thực hóa chúng.
Giai đoạn đầu tiên này đòi hỏi sự tự phân tích thật chính xác. Bạn phải tự mình trả lời những câu hỏi như: tầm nhìn sự nghiệp của bạn gì, những mục tiêu nào sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với con đường sự nghiệp của bạn. Ưu tiên các mục tiêu này và nhớ phân biệt giữa các mục tiêu ngắn, trung và dài hạn.
Cân nhắc về tình hình hiện tại của bạn
Một khi bạn đã có ý tưởng rõ ràng về các mục tiêu của mình, bước tiếp theo là xác định mình ở đâu. Bạn phải tiếp tục trả lời những câu hỏi như như những kỹ năng nào là cần thiết trong lĩnh vực mình làm việc, có những nguồn lực nào cho phép bạn xây dựng những kỹ năng này và những mối đe dọa có thể cản trở các mục tiêu cuối cùng của bạn là gì.
Một kế hoạch hành động cụ thể
Đây là lúc bạn phải biết mình cần làm gì để hiện thực hóa những kế hoạch kể trên?
Ví dụ, bạn cần đầu tư tài chính để học thêm các khóa học đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn; và thời gian mà bạn sẽ phải dành cho việc học tập đó là bao lâu. Kế hoạch hành động của bạn phải tập trung vào các khoảng thời gian cụ thể (2 đến 3 tháng hay 1 năm, 2 năm). Bạn phải tự dự liệu khoảng thời gian phù hợp dựa trên điều kiện của bản thân để đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Nhìn lại cả quá trình sau một thời gian “đi vào thực hiện”
Ngay cả những kế hoạch tốt nhất thì không phải lúc nào cũng được thực hiện đúng theo tiến độ. Việc đưa ra một bản kế hoạch chưa bao giờ là tất cả, việc xem xét lại những gì bạn đạt được hay chưa đạt được trong quá trình thực hiện mới là quan trọng. Điều đó không chỉ giúp bạn phát hiện được những “lỗ hổng” trong kế hoạch của mình mà còn khích lệ bạn sau một thời gian dài cố gắng.
Trên con đường phấn đấu cho sự nghiệp của mình, ắt hẳn bạn sẽ gặp phải rất nhiều những trở ngại và đó là lúc bạn cần đến bản kế hoạch phát triển bản thân – thứ giúp nhắc nhở bạn về những mục tiêu lớn hơn, giá trị hơn và luôn hướng bạn đến tương lai phía trước.
Người dịch: Ánh Dương (SSDH)