Sẵn sàng du học – Nhằm giải đáp cách hội đồng tuyển sinh Mỹ chọn hồ sơ ứng viên, Business Insider phỏng vấn cựu nhân viên tuyển sinh của đại học danh giá như Yale, Brown.
Dưới đây là năm cách tạo hồ sơ ứng tuyển đại học Mỹ ấn tượng, được các cựu nhân viên tư vấn.
1. Tương tác giữa ứng viên, gia đình và nhà trường
Jose Román, nguyên trợ lý Giám đốc tuyển sinh (Đại học Yale) cho biết việc học sinh, gia đình hay bất cứ ai liên quan gọi điện hoặc gửi thư đến trường với lối hành xử thiếu tôn trọng sẽ là điểm bất lợi trong hồ sơ dự tuyển của học sinh. Nhiều người cho rằng việc liên lạc với phía nhà trường sẽ không ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của hội đồng tuyển sinh, nhưng đây là quan niệm sai lầm. Những cuộc trò chuyện, tin nhắn có tác động rất lớn đến cơ hội được chọn của ứng viên.
Ông Jose nhớ lại khi đồng nghiệp tiếp nhận những cuộc điện thoại hoặc email bất lịch sự từ phía ứng viên, hội đồng tuyển sinh trường Yale sẽ đặt một ghi chú lưu ý vào hồ sơ của ứng viên. Trong quá trình xét duyệt hồ sơ, ghi chú về sự bất lịch sự sẽ khiến ứng viên "mất điểm" trước hội đồng.
Tuyển sinh đại học là quá trình căng thẳng nhưng điều này không đồng nghĩa ứng viên có quyền được thô lỗ, thúc ép, tạo áp lực lên nhân viên nhà trường. Dù liên lạc trực tiếp tới hội đồng tuyển sinh hay nhân viên nhà trường, một điểm ứng viên và gia đình cần lưu ý là luôn tỏ ra tử tế, lịch sự và hòa nhã.
2. Tạo ấn tượng ngay lập tức
Theo Erica Curtis, cựu chuyên viên tuyển sinh Đại học Brown, do số lượng hồ sơ gửi về rất lớn, hội đồng tuyển sinh thường đọc 5 hồ sơ tuyển sinh một giờ, tương đương 12 phút cho mỗi ứng viên. Trong thời gian đó, hội đồng sẽ xem xét đơn đăng ký, điểm kiểm tra tiêu chuẩn, bảng điểm, thành tích cá nhân, bài luận, ghi chú kèm theo và ngay lập tức đưa ra quyết định dành cho ứng viên.
Vì vậy, lời khuyên đưa ra là mỗi ứng viên hãy dành 12 phút thử đặt mình vào vị trí của hội đồng tuyển sinh để cân nhắc, lựa chọn thông tin giá trị nhất có thể ngay lập tức tạo ấn tượng. Không cần đính kèm sơ yếu lý lịch nếu thông tin quan trọng nhất đã nằm trong phần thành tích hoạt động, cũng không cần gửi quá nhiều thư giới thiệu vì hội đồng tuyển sinh không có thời gian đọc hết chúng.
3. Tính cách cá nhân của ứng viên
Angela Dunnham, cựu trợ lý giám đốc tuyển sinh Đại học Dartmouth, có khả năng phân tích nhanh tính cách của ứng viên thông qua bài luận, từ đó quyết định chấp nhận hay không. "Nếu đọc bài luận có giọng văn kiêu ngạo, chủ đề ích kỷ, tôi sẽ không chấp nhận ứng viên và ngược lại bài luận hài hước, duyên dáng, thể hiện sự hào phóng, quan tâm tới cộng đồng sẽ được tôi lựa chọn", cô nói.
Đồng ý rằng điểm số, thành tích ngoại khóa là rất quan trọng khi xét tuyển đại học, nhưng mỗi năm hội đồng tuyển sinh các trường, đặc biệt những đại học hàng đầu như Harvard, Dartmouth nhận về hàng trăm, hàng nghìn hồ sơ dự tuyển có thành tích xuất sắc như nhau. Khi đó, tính cách, con người của ứng viên sẽ quyết định sự thành bại của chính mình.
Vì vậy, thay vì chỉ chú ý liệt kê bảng điểm, thành tích ngoại khóa, ứng viên có thể thể hiện một số phẩm chất, cá tính, đặc điểm cá nhân qua các bài luận, ví dụ khiếu hài hước, tính tò mò, khả năng đồng cảm với mọi người xung quanh. Các trường đại học Mỹ không chỉ cần sinh viên thông minh, họ muốn xây dựng lớp học với những cá nhân khác nhau nhưng có khả năng làm việc nhóm, khả năng lãnh đạo, mang tinh thần cộng đồng và góp phần xây dựng xã hội.
4. Được mời phỏng vấn là lợi thế lớn
"Nếu bạn nhận được cuộc phỏng vấn từ Viện Công nghệ Massachusetts (gọi tắt là MIT), hãy tận dụng nó. Thông thường, tỷ lệ nhập học sẽ cao hơn đối với những ứng viên biết tận dụng cơ hội phỏng vấn", SoVincent James, cựu trợ lý Giám đốc Tuyển sinh MIT chia sẻ.
Một cuộc phỏng vấn là cơ hội để ứng viên thể hiện bản thân, mang lại màu sắc, cá tính rõ nét hơn cho hồ sơ ứng tuyển, từ đó có nhiều khả năng trở thành tân sinh viên.
5. Chủ động đặt câu hỏi
Joel Butterly, cố vấn tuyển sinh, đồng sáng lập, CEO của tổ chức giáo dục InGenius Prep, cho biết mong muốn lớn nhất của ông trong quá trình phỏng vấn ứng viên dự tuyển vào các trường đại học là được đặt câu hỏi. Theo Joel, trang web, thông tin trên mạng Internet, báo đài không thể trả lời hết mọi câu hỏi, mọi tò mò của ứng viên về ngôi trường mình dự định theo học. Vì vậy, phỏng vấn hoặc tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh là cơ hội tuyệt vời để ứng viên tìm hiểu thêm về trường, nhưng rất nhiều sinh viên rụt rè, ngại ngùng đặt câu hỏi.
Khi phỏng vấn, ứng viên nên tạo ấn tượng rằng bản thân nhiệt tình, nghiêm túc quan tâm đến các ý tưởng, chương trình học hoặc khía cạnh cụ thể của trường học. Từ đó, cuộc trao đổi có thể khiến người phỏng vấn hứng thú hơn, tạo cơ hội cho ứng viên bộc lộ bản thân, chuyển cuộc phỏng vấn về hướng có lợi cho bản thân và ghi điểm trong mắt hội đồng tuyển sinh.
Không chỉ thực hành, Joel cho hay ngay trong hồ sơ dự tuyển, việc thể hiện sự quan tâm đến nhà trường là cần thiết. Ứng viên có thể tận dụng bài luận để đặt câu hỏi và trả lời "Tại sao tôi lại chọn ngôi trường này?". Câu hỏi này chỉ cho hội đồng tuyển sinh thấy ứng viên vừa có thể đáp ứng nhu cầu của ngành học và nhà trường, vừa thực sự quan tâm, suy nghĩ nghiêm túc về việc học tại đây.
Thái Hải (SSDH) – Theo VnExpress