Tám lời khuyên không đúng về học tiếng Anh

0

Sẵn sàng du học – Bạn từng được khuyên muốn giỏi tiếng Anh thì hãy đến quốc gia nói tiếng Anh, nhưng thực sự thì không phải vậy.

10 năm dạy tiếng Anh cho người Pháp, người Canada, Melanie (quốc tịch Canada) chia sẻ những lời khuyên không chính xác về học ngoại ngữ.

1. Học từ mới bằng cách đặt câu

Phương pháp học từ mới thông qua việc đặt câu sẽ phát sinh vấn đề lớn. Đó là tình huống người học đặt câu sai hoặc sử dụng từ chưa chính xác và không phát hiện ra sai lầm để sửa chữa kịp thời. Hoạt động này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành thói quen xấu.

Khi học tiếng Anh, bạn không phải đoán cách một từ được sử dụng trong câu vì tiếng Anh có collocation (cách kết hợp các từ với nhau để tạo thành cụm từ có nghĩa), quy tắc dùng từ cố định và các mẫu câu cho bạn biết chính xác cách sử dụng từ trong những ngữ cảnh khác nhau. Vì vậy, bạn nên dành thời gian ghi nhớ những cụm từ hoặc collocation.

Khi gặp từ mới, hãy chú ý đến câu chứa từ này và những từ đứng xung quanh nó. Nếu câu bạn gặp là thành ngữ, nên kiểm tra từ điển để nắm vững nghĩa.

2. Ghi nhớ quy tắc ngữ pháp

Tôi đã dành 10 năm để ghi nhớ hàng loạt quy tắc ngữ pháp tiếng Pháp, nhưng vẫn không thể nhớ hết chúng. Khi dành thời gian học quy tắc ngữ pháp, bạn sẽ tăng kiến thức để giành điểm cao trong các bài kiểm tra học thuật, nhưng không giúp cải thiện khả năng nghe nói.

Thay vào đó, bạn hãy ghi nhớ những quy tắc thường xuyên sử dụng trong các tình huống giao tiếp thông thường hoặc trong công việc. Thời gian còn lại, bạn có thể học thuộc các từ, cụm từ hay câu có thể sử dụng trong hội thoại thực tế.

3. Mắc sai lầm và học hỏi từ sai lầm

Thực tế, người bản ngữ không quan tâm đến việc bạn mắc lỗi khi sử dụng tiếng Anh nên việc mắc lỗi là bình thường, không lo ngại. Nhưng sau khi mắc lỗi, bạn phải học lại với thái độ "sẽ không lặp lại sai lầm nữa". Bạn không nên xấu hổ vì ngay cả người bản ngữ cũng mắc lỗi, nhưng nên cố gắng không lặp lại sai lầm.

Tại các quốc gia sử dụng tiếng Anh, việc sửa lỗi tiếng Anh là bất lịch sự. Người bản ngữ sẽ không trực tiếp nói "Bạn sai rồi, phải thế này mới đúng" mà sẽ khéo léo đưa ra những gợi ý hoặc từ chính xác để bạn sử dụng. Ngay từ khoảnh khắc đó, hãy sửa sai và luôn tự nhắc nhở bản thân không bao giờ tái phạm.

Bởi lẽ nếu bạn liên tục mắc lỗi và không phải lúc nào cũng có người sửa hộ, nó sẽ tạo thành thói quen xấu và vô cùng khó bỏ. Nếu từng nghiện hút thuốc lá, bạn sẽ hiểu việc thay đổi thói quen khó đến mức nào.

4. Học tiếng Anh nhanh chóng trong thời gian ngắn

Đã bao giờ bạn lướt qua những mục quảng cáo hay bài chia sẻ có nội dung như "Học tiếng Anh thật vui, thật dễ dàng chỉ trong 3 tháng"? Điều này hoàn toàn sai lầm. Bất cứ ai học ngôn ngữ mới đều biết rằng không có bí quyết nào biến một người mờ tịt ngôn ngữ trở nên thành thạo chỉ trong thời gian ngắn như vậy với phương pháp học vui vẻ, dễ dàng.

Thực tế là học tiếng Anh, đặc biệt học nói cần rất nhiều nỗ lực, kiên nhẫn và đòi hỏi bạn dành nhiều thời gian. Không phải lúc nào học tiếng Anh cũng vui vẻ và đơn giản, sẽ có lúc bạn cảm thấy nhàm chán, cũng có lúc bạn muốn từ bỏ.

Bạn nên nhìn nhận việc học tiếng Anh giống cuộc chạy marathon, không phải chạy nước rút. Hãy ngừng nói với bản thân rằng bạn sẽ thông thạo tiếng Anh ngay lập tức. Thời gian học không quan trọng, điều quan trọng là bạn đã học, sẽ học và thực hành như thế nào trong thực tế.

hoc-tieng-anh-5066-1579061113

 

5. Đọc to mỗi ngày

Trước những câu hỏi như "Làm thế nào để cải thiện khả năng phát âm", lời khuyên phổ biến nhất là hãy đọc to những từ cần học mỗi ngày. Tương tự lời khuyên số 3, tôi lại đặt ra câu hỏi "Nếu liên tục phát âm sai một từ và hình thành thói quen đọc sai như vậy, bạn sẽ tiến bộ như thế nào?".

Thay vì đọc to từ mới, bạn hãy nghe cách người bản ngữ phát âm và cố gắng bắt chước những gì nghe thấy. Sau đó, bạn hãy thu âm lại lời nói của mình, so sánh với cách phát âm gốc để nhận ra lỗi sai của bản thân và sửa đổi.

6. Luyện tập với người khác

Việc luyện tập tiếng Anh với người ngoài chỉ thích hợp khi đối tác của bạn là người sử dụng tiếng Anh. Đề phòng trường hợp đối tác sử dụng cùng ngôn ngữ với bạn nhưng có khả năng ngoại ngữ thấp hơn bạn, họ có thể chữa lợn lành thành lợn què hoặc không phát hiện ra lỗi sai để sửa cho bạn.

Thay vào đó, bạn nên dành nhiều thời gian nghe người bản ngữ nói tiếng Anh thông qua các hoạt động thường ngày bao gồm xem TV hoặc phim ảnh, nghe nhạc hoặc podcast và đọc báo đài hoặc sách ngoại văn.

7. Giỏi tiếng Anh bằng cách đến quốc gia nói tiếng Anh

Tôi từng tin vào điều này nhưng phát hiện ra nó không dễ dàng như vậy. Bạn sẽ không giỏi tiếng Anh chỉ bằng việc ở trong quốc gia nói tiếng Anh mà cần dành thật nhiều thời gian học tập và thực hành.

Nhiều người lựa chọn du học tại các quốc gia nói tiếng Anh và nghĩ qua thời gian du học sẽ tăng khả năng sử dụng ngoại ngữ. Thực tế, các trường sử dụng tiếng Anh dạy bạn cách giao tiếp, kết nối với người bản ngữ, nhưng không dạy bạn cách phát âm chính xác, trôi chảy hay làm thế nào để hiểu người bản ngữ nói gì.

Bạn hoàn toàn có thể thông thạo tiếng Anh mà không cần rời khỏi quê hương bằng cách biến tiếng Anh thành một phần cuộc sống và tạo dựng môi trường sử dụng tiếng Anh càng nhiều càng tốt. Dù bạn ở quê hương hay rời đến sống tại quốc gia nói tiếng Anh, hoạt động học này sẽ không bao giờ thừa thãi.

8. Học kỹ năng nói chỉ bằng việc nói

Thú thực, tôi không hiểu lời khuyên này. Ngôn ngữ không có ma thuật để bạn có thể nói mà chính xác ngay lập tức. Kỹ năng nói đòi hỏi nhiều yếu tố bao gồm: nói đúng từ, dùng từ và câu đúng ngữ pháp và phát âm chuẩn xác.

Bạn phải dành nhiều thời gian để nghe và học ngữ pháp, từ vựng tiếng Anh, collocation và câu trước khi có thể nói tiếng Anh tốt. Nói là kỹ năng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và kết hợp nhiều phương pháp rèn luyện, không chỉ dành thời gian cho việc thực hành.

Thái Hải (SSDH) – Theo VnExpress

Share.

Leave A Reply