Sẵn sàng du học – Những ngày tháng khó khăn ở cùng bà – khi đi vào bài luận lại là điểm cộng giúp Toàn giành được học bổng lên tới 260.000 USD của 4 năm, tương đương với hơn 5 tỷ đồng.
Gác lại dự định du lịch xuyên Việt, Lê Công Toàn- học sinh trường TH school tranh thủ những ngày hè nóng bỏng này để “cày” thêm tiếng Anh, các ứng dụng công nghệ và làm quen với văn hoá Mỹ. Cách đây 3 năm, chân ướt chân ráo từ Hà Tĩnh ra Hà Nội học, Toàn không ngờ hành trình tới thủ đô Washington của mình lại đến nhanh như thế.
Chinh phục từng "cửa ải"
Trong buổi gặp gỡ nhập trường cách đây 3 năm, thầy chủ nhiệm đã dặn dò “Các em hãy quên mình trước đó là ai đi”. Sở dĩ thầy nói như vậy bởi lớp của Toàn đa phần là những học sinh giỏi đến từ các trường hàng đầu trong cả nước. Khi vào học rồi, Toàn càng thấy những lời nhắn nhủ của thầy thật sáng suốt.
Dù là học sinh giỏi, nhưng khi tiếp cận với chương trình học quốc tế, các học sinh đến từ môi trường giáo dục Việt Nam vẫn thấy mình như “vịt nghe sấm”.
“Điểm tổng kết tiếng Anh được 8 phẩy, nhưng khi học các môn mà mình chủ động lựa chọn, ban đầu em không hiểu nổi do không nghe được gì”- Toàn nhớ lại.
Nếu tình trạng như vậy tiếp diễn, Toàn sẽ khó có thể theo học nên nửa đầu thời gian lớp 10, em dốc hết sức để làm bật tiếng Anh lên.
Áp lực, và cũng là may mắn, ở đây kể cả giờ lên lớp hay giờ ở ký túc xá, tiếng Anh được sử dụng thường xuyên nên Toàn và nhiều bạn đã vượt qua được “cửa ải” đầu tiên.
Qua được rào cản ngôn ngữ, việc học cũng có cách tiếp cận khác hẳn. Được chọn các môn học theo khả năng, sở thích và không phải “gánh” tới 13 môn bắt buộc như bạn bè đồng trang lứa ở các trường Việt Nam, nhưng để học cho ra tấm ra món 7 môn – trong đó có 3 môn thi A Level và các môn Tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý… cũng không dễ dàng gì.
Có một chút thuận lợi là môn toán lớp 10 của chương trình ICGSE tương đương lớp 8-9 chương trình Việt Nam. Tuy nhiên, ở các môn Khoa học khác (như Lý, Hoá, Sinh), nếu học ở trường Việt Nam, nắm vững lý thuyết là đã có thể ẵm điểm tuyệt đối thì khi học theo chương trình A Level không như vậy.
Học sinh bắt buộc phải nắm được bản chất của sự việc và làm thực hành nhiều thì bài thi mới có kết quả tốt.
“Học ở đây, thời gian làm thí nghiệm khá nhiều. Bọn em không phải tưởng tượng thực hành nữa”, Toàn nói.
Một khác biệt nữa là thầy cô hay giao các bài tập liên quan đến thuyết trình, làm việc nhóm. “Hầu như tuần nào cũng có bài tập như vậy. Điều này giúp chúng em có kỹ năng thuyết trình và kỹ năng đứng trước đám đông thành thạo:”
Một điểm đáng nói nữa là các kỳ thi. Sẽ có 2 lần thi giữa kỳ và cuối kỳ, mỗi lần thi kéo dài hàng tháng. Mỗi môn thi sẽ có khoảng 2-3 tờ, mỗi tờ sẽ cách nhau từ vài ngày đến vài tuần. Còn tài liệu ở đây là những công thức tính toán, những chỉ số cơ bản trong toán, lý, hóa.
"Cách tổ chức học và thi như thế này, ngoài trang bị kiến thức bền vững, còn rèn cho học sinh thái độ nghiêm túc và trách nhiệm với việc học. Học không phải để đối phó với các kỳ thi mà học để thực sự cho mình. Đây chính là những phẩm chất quan trọng sau này sẽ giúp ích cho mình ở tương lai” – cậu học trò 18 tuổi nhìn nhận lại những trải nghiệm sau 3 năm học ở trường.
"Học thầy không tày học bạn"
Dù sống xa cha mẹ từ bé, nhưng những ngày đầu ra Hà Nội học, Toàn vẫn không tránh khỏi cảm giác cô đơn và lạc lõng.
Khi vượt qua được cảm giác đó, quãng thời gian sống ở ký túc xá đã cho em những “món quà” quý giá. Đó là những người bạn học. Bạn Lực truyền động lực đến với thể thao, bạn Nhân thì “dẫn dắt” em đến với sự mới mẻ là tranh biện.
Với Toàn, tranh biện vẫn là một hoạt động gì đó lạ lẫm. Những ngày đầu, bạn Nhân (Á quân của chương trình tranh biện Trường Teen trên VTV6) đã giới thiệu Toàn tham gia hoạt động của nhóm Hanoi Debate Tounament. Từ đó, Toàn học thêm những kỹ năng như notetaking, rồi tư duy phản biện. Từng tham gia đội tranh biện không ủng hộ vấn đề “Chùa Online” và bị thua, Toàn nói sự thất bại đã giúp cậu có những kinh nghiệm quý giá. “Cái quan trọng là biết mình yếu ở đâu”.
Có một điều mà Toàn thấy được “học từ bạn” nữa là những buổi trả bài theo dự án.
Khá ngạc nhiên là những giờ học môn Lịch sử lại giúp em “học từ bạn” được nhiều hơn cả. Trước đây, học Lịch sử là một “sự chịu đựng” và cậu chỉ mong ngóng sao cho giờ học đó chóng qua, thì ở đây Toàn thay đổi hẳn.
“Em được hướng dẫn đọc các tài liệu lịch sử, sau đó làm bài tập thuyết trình. Khi giao chủ đề thời bao cấp, các thầy cô tìm tài liệu cho học sinh rồi chia nhóm để chọn từng để tài. Nhóm em làm về chính sách bù giá vào lương. Khi tìm hiểu, em phát hiện ra nhân vật bác Chín Cần rất hay ho, thế là từ đó đào sâu tìm hiểu. Đến giờ trả bài, em lại được biết thêm những chủ đề hay ho từ các bạn khác. Các bạn tìm hiểu rất kỹ về cuộc sống khốn khó thời đó. Em không mất công tìm hiểu, nhưng qua thuyết trình của các nhóm khác, em lại được biết đến phố Tôn Đản, rồi việc xếp hàng mua gạo, canh nước…hồi đó như thế nào.
“Thay vì thầy cô đọc chép làm học sinh phát chán, giờ học Lịch sử ở đây thực sự hấp dẫn và hữu ích. Em thấy chính mình và bạn bè cũng có giá trị vì được học lẫn nhau”, Toàn tâm đắc.
Học rộng các môn với sự hào hứng đặc biệt, Toàn còn tự học và chơi thành thạo các nhạc cụ như guitar, ukelele, đặc biệt là đánh trống.
Học bổng mà Toàn tự tìm được cũng do em "tự thân vận động", cùng với sự giúp đỡ và tư vấn của một người anh khoá trước trong trường.
Tiếng rao ám ảnh và bài luận đặc sắc
Toàn nộp hồ sơ cho trường Whitman vào ngày cuối cùng của năm 2018 chỉ cách hạn chót có mấy tiếng. Đến ngày 18/1, Toàn nhận được thư đồng ý với mức hỗ trợ tài chính lên tới 66.650 USD/năm.
Tiếp theo đó, liên tiếp 6 trường đại học nữa mời nhập học với các mức hỗ trợ tài chính khác nhau nhưng em quyết định chọn ngành Công nghệ Thông tin của trường ĐH Whitman để theo học đại học
Toàn chia sẻ, để nộp hồ sơ du học thành công, ngoài những kết quả học tập, điều cậu nghĩ mình được chấp nhận là bài luận.
Trong bài luận hơn 600 chữ, bắt đầu từ âm thanh tiếng rao đêm lúc 1h sáng ở Hà Nội, Toàn đã tái hiên nỗi hoài niệm tuổi thơ, với những tháng ngày vất vả mà đẹp đẽ khi sống cùng bà.
“Ai bánh bao không?”, “Ai bánh đậu xanh nào!”
Tiếng rao của người bán rong phá vỡ bầu không khí của đêm ẩm ướt, hoang vắng. Đèn đường tắt, ngoại trừ một cột đèn sáng mờ. Thỉnh thoảng, những chiếc xe hơi lướt qua. Người bán hàng đang nướng khoai, cố gắng bán một số thứ trong một ngày gần như không có người mua.Tôi mua một củ khoai của anh và ngồi trên vỉa hè, cảm nhận không khí mát mẻ của mùa đông Hà Nội.Tôi hiếm khi ra khỏi nhà vào khoảng thời gian này, nhưng sự mất ngủ đôi khi làm thay đổi thói quen. “Anh có muốn mua một ít kẹo cao su không?” – một bé gái vô gia cư với khuôn mặt lem luốc và mái tóc rối bù hỏi tôi. Hình ảnh ấy bỗng dưng làm trào dâng trong tôi nỗi hoài niệm” – Đoạn văn mở đầu bài luận đã được đặt trong bối cảnh 1h sáng như thế.
Bố mẹ rời Việt Nam xuất khẩu lao động khi Toàn còn bé. Bà nội nhận trách nhiệm chăm sóc Toàn và các anh chị.
Tuổi thơ của cậu trở nên hạnh phúc hơn khi tình yêu vô điều kiện của bà làm những đứa cháu quên đi cuộc sống khó khăn.
Bà Toàn bán hàng rong, chủ yếu bán trái cây, rau và kẹo cao su.
“Những tiếng rao trở nên gắn bó và trở thành một phần tuổi thơ tôi. Một lần, tôi giúp bà bán hàng. Mang theo một gói đầy trái cây, lúc đầu, tôi miễn cưỡng, đi khắp nơi trong chợ, mọi người nhìn chằm chằm vào tôi với ánh mắt tò mò. Tôi đã lo lắng, xấu hổ và thậm chí cả một chút cáu kỉnh. Tuy nhiên, sau đó tôi đã cố gắng can đảm đi khắp nơi, thu hút sự chú ý của mọi người để bán hàng. Đến cuối ngày, tôi kiếm được một số tiền và kiệt sức. Việc đó dạy cho tôi bài học rằng kiếm tiền không bao giờ là dễ dàng.Đó là lần đầu tiên và lần cuối cùng tôi làm công việc này vì bà không cho phép tôi làm việc đó nữa” – Toàn viết tiếp.
Trong phần sau của bài luận, Toàn bày tỏ: “Lớn lên, tôi tập trung vào việc học vì tôi tin rằng kiến thức sẽ là thứ duy nhất còn lại với mình mãi mãi. Bà tôi vẫn ở bên tôi cả khi vui lẫn lúc buồn. Bà làm việc cả ngày lẫn đêm, luôn trở về nhà với nhiều câu chuyện bán hàng hằng ngày, chuyện giúp đỡ những người vô gia cư hay đơn giản là bà đã hạnh phúc như thế nào khi chứng kiến mọi người giúp đỡ lẫn nhau. Mỗi câu chuyện là một bài học quý giá, giúp tôi hiểu bà của mình nhiều hơn và cho tôi hiểu biết sâu sắc về cuộc sống và con người”.
Mong muốn trường học Việt Nam thay đổi
Ngoài tham gia các câu lạc bộ trong trường, Toàn còn tham gia những sân chơi bên ngoài. Hiện Toàn đang làm trong ban nội dung của Econkids, một tổ chức do học sinh Hà Nội tổ chức nhằm giáo dục trẻ em sử dụng tiền một cách hiệu quả và trách nhiệm hơn.
Kể với chúng tôi về ấn tượng học môn Lịch sử, Toàn nói thêm: “Em thấy nhà trường Việt Nam cần thay đổi cách dạy của nhiều môn học, chẳng hạn Lịch sử, tiếng Anh, Thể dục…”. Nhìn chung, thầy cô nên dạy những kiến thực thực tế hơn. Với em, môn Toán xác xuất thống kê trong chương trình Alevel là “một trong những môn có ích nhất trong toán học".
Khi công nghệ thông tin phát triển, vai trò của giáo viên sẽ thay đổi rất nhiều. Em nói rằng, cách dạy học theo kiểu thầy đọc trò chép, thầy dạy gì học sinh học đó không mang lại hiệu quả cao, dễ khiến học sinh bị phụ thuộc. Điều quan trọng là phải hướng dẫn học sinh tự học. Khi đó, vai trò chính của giáo viên là chỉ dẫn, giải đáp những điều của học sinh; giám sát và xử lý những phát sinh trong quá trình học tập.
Toàn cũng nói rằng việc học thể dục cần phải thiết thực; chẳng hạn nên nâng cao 3 buổi/tuần và có những đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất.
“Những thay đổi này em đã được thụ hưởng trong mấy năm học phổ thông tại TH school. Chính vì thế, em tha thiết mong các thế hệ đàn em càng sớm càng tốt được đón nhận những thay đổi đó”, Toàn nói.
Lứa học sinh năm cuối của trường TH school hiện đang thi nốt những buổi thi cuối cùng của kỳ thi A Level nhưng cũng như Toàn, nhiều em đã nhận được đề nghị học bổng, hỗ trợ tài chính của hàng chục trường Đại học danh tiếng trên thế giới, trong đó có thể kể tới Nguyễn Anh Trung đã đươc 20 trường đại học đón nhận, Nguyễn Việt Trung được 7 trường đón nhận với các mức hỗ trợ tài chính lên tới 5-6 tỷ đồng.
Thái Hải (SSDH) – Theo Vietnamnet