Ưu và nhược điểm của giáo dục Singapore

0

Sẵn sàng du học – Sáng lập công ty gia sư Smile Tutor tại Singapore, Rum Tan chia sẻ đánh giá tổng quan về hệ thống giáo dục của đất nước này.

ssdh-du-hoc-singapore-sinh-vien1

Giáo dục Singapore được coi là hệ thống thuộc hàng tốt nhất thế giới vì học sinh liên tục đạt kết quả cao nhất trong các chương trình đánh giá học tập như TIMSS và PISA (OECD). Nhưng khi khảo sát người dân, họ chỉ trích lối học vẹt, đề cao điểm số và đẩy mạnh sự căng thẳng trong phương pháp giáo dục của quốc đảo.

Sơ lược về hệ thống giáo dục Singapore

Trẻ em Singapore đến tuổi đi học sẽ đăng ký vào trường học chính phủ, được nhà nước hỗ trợ. Các em có quyền truy cập vào chương trình giảng dạy quốc gia, được phát triển bởi Bộ Giáo dục (MOE), nhận mức học phí tiêu chuẩn. Sau các kỳ thi đánh giá, học sinh sẽ được xếp vào các chương trình học tập.

Kỳ thi đầu tiên học sinh Singapore phải thực hiện là tốt nghiệp tiểu học (PSLE). Vượt qua nó, học sinh sẽ được xếp vào hai hệ: Cấp tốc (Express) hoặc Bình thường (Normal). Hệ cấp tốc là mô hình đào tạo chuyên sâu nhất về mặt học thuật. Hệ bình thường chia ra làm hai chương trình là Học thuật (Academic) và Kỹ thuật (Technical), định hướng nghề nghiệp tương lai của học sinh.

Kết thúc chương trình trung học, học sinh sẽ tham dự kỳ thi O-Level. Kết quả của kỳ thi giúp học sinh đăng ký vào một trong ba mô hình giáo dục: Cao đẳng, đại học và Viện Giáo dục Kỹ thuật (ITE). Sinh viên tốt nghiệp cao đẳng có thể tìm ngay công việc lao động phổ thông vì từng có nhiều cơ hội thực hành tại trường học. Viện Giáo dục Kỹ thuật (ITE) dành cho thí sinh mong muốn phát triển kiến thức và kỹ năng kỹ thuật trong các ngành công nghiệp.

Điểm mạnh của hệ thống giáo dục Singapore

Theo bảng xếp hạng PISA năm 2016, Singapore vượt qua các quốc gia để giành vị trí đầu bảng hai lĩnh vực Toán học và Khoa học. Ngoài ra, theo báo cáo xu hướng nghiên cứu Khoa học và Toán học quốc tế (TIMSS), Singapore chiếm vị trí hàng đầu ở hai lĩnh vực Toán học và Khoa học.

Cùng với việc đẩy mạnh kết quả học tập, hệ thống giáo dục Singapore hướng tới việc xây dựng nền kinh tế thông qua việc đào tạo lao động lành nghề.

Lỗ hổng trong hệ thống giáo dục Singapore

Sự căng thẳng là một trong những vấn đề lớn học sinh Singapore đang phải đối mặt hàng ngày. Một chút căng thẳng để thúc đẩy sự học tập là điều nên có, nhưng khi áp lực vượt quá giới hạn cho phép, nó dẫn đến những tác động bất ổn không ngờ. Người dân Singapore hoàn toàn đồng tình rằng hệ thống giáo dục của đất nước có tính cạnh tranh kết hợp với yêu cầu cao về mặt điểm số đã dẫn đến sự căng thẳng cho học sinh và phụ huynh.

Khi các trường học đánh giá học sinh qua điểm số, học sinh cũng tự đánh giá cuộc đời mình và giá trị bản thân thông qua thành tích. Năm 2016, một học sinh tiểu học đã quyên sinh vì thi trượt môn Toán.

Giáo dục Singapore còn tạo nên sự bất bình đẳng. Cùng tham dự một kỳ thi, nhưng học sinh xuất phát từ những vị trí khác nhau. Nhận ra thành công đến từ điểm số, nhiều gia đình giàu có cho con điều kiện học tập tốt nhất, tại các trường học tân tiến nhất. Ngược lại, trẻ em đến từ tầng lớp trung lưu hoặc nghèo khó không có cơ hội như vậy, dẫn đến thành tích có thể kém xuất sắc hơn. Điều này cản trở sự thay đổi địa vị xã hội giữa các thế hệ trong gia đình.

Sự ra đời của giáo dục trực tuyến cũng khiến sự bất bình đẳng sâu sắc hơn. Giáo dục trực tuyến có thể giúp học sinh học tập phù hợp với trình độ của mình, nhưng trên thực tế phân loại học sinh dựa theo trình độ học tập đã mở rộng khoảng cách giữa họ. Điểm số cũng quyết định học sinh sẽ đăng ký vào một trong hai hệ thống giáo dục trung học và hệ thống giáo dục đại học. Điều này làm tăng khoảng cách giáo dục, tương ứng với khoảng cách thu nhập giữa các cá nhân vì mỗi hệ thống trường sẽ hướng đến ngành nghề và địa vị khác nhau trong xã hội.

Thực tế nền kinh tế và công việc tương lai ngày càng khó đoán định vì tốc độ phát triển không ngừng tính theo từng giây. Do đó, hệ thống giáo dục thiên về lý thuyết, học vẹt và phải ghi nhớ quá nhiều như Singapore là chưa đủ. Nhà trường nên dạy học sinh kỹ năng thích nghi với hoàn cảnh, các kỹ năng mềm để tự lập trong thời đại công nghệ số. Ngoài việc có kiến thức, điều quan trọng là làm sao để sinh viên áp dụng kiến thức đó kết hợp với kỹ năng suy luận, giải quyết vấn đề hay phân tích vào công việc tương lai.

Nền kinh tế cũng cần những ý tưởng độc đáo thúc đẩy bởi sự đổi mới và sáng tạo, cần các doanh nhân, những người có thể tìm ra lấp đầy những khoảng trống với sáng kiến mới.

Trên thực tế, những vấn đề bất cập được nêu ra trên đây, Bộ Giáo dục có thể nhận thấy và đang cố gắng giải quyết. Lấy ví dụ, vấn đề bất bình đẳng đã được chính phủ bày tỏ lo ngại và đưa ra biện pháp. Học sinh đến từ gia đình thu nhập thấp có thể nhận thêm khoản trợ cấp từ chính phủ. Đầu năm 2019, chính phủ Singapore quyết định tăng gấp đôi tài trợ cho mầm non từ năm 2022 để thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng ở giai đoạn đầu.

Tuy nhiên, áp lực học tập vẫn là vấn đề nan giải đối với chính phủ và Bộ Giáo dục Singapore. Nhiều học sinh phải đối mặt với sức ép lớn từ cha mẹ vì toàn xã hội có suy nghĩ xuất sắc trong các kỳ thi là cách tốt nhất để tiến lên trong cuộc sống. Tình hình chỉ có thể thay đổi nếu cha mẹ tin rằng hệ thống giáo dục không chỉ dừng lại ở điểm số mà còn mang đến cho trẻ cơ hội để chứng tỏ bản thân trong tương lai.

Thái Hải (SSDH) – Theo VnExpress

Share.

Leave A Reply