Sẵn sàng du học – Dịch bệnh bùng phát tại Anh được ví như một cơn sóng thần, đổ ập vào ngành giáo dục vốn thu lời nhiều từ sinh viên quốc tế. Ngay cả các ngôi trường danh giá nhất cũng ảnh hưởng.
Các trường đại học ở Anh dự tính sẽ thiệt hại hơn 100 triệu bảng Anh khi các sinh viên nước ngoài buộc phải hủy hay hoãn lại các chương trình du học của họ, theo The Guardian.
Kể từ khi dịch Covid-19 tấn công xứ sở sương mù, ngành giáo dục của nước này bị ảnh hưởng nặng nề. Nhu cầu chỗ ở tụt giảm, kéo theo sự thất thu của những lớp học, khóa học.
Ước tính, vào kỳ học mùa thu của năm học này, số lượng sinh viên quốc tế nhập học tại các trường đại học sẽ sụt giảm ở mức đáng kể.
Thậm chí, con số có thể lên tới 80-100% ở các trường danh tiếng nhất như Đại học Oxford, Đại học Cambridge, nơi có số lượng du học sinh đông đảo.
Trước tình thế khó khăn, các trường đại học đang kiến nghị chính phủ Anh giúp đỡ bằng cách tung ra gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ bảng Anh để vượt qua cơn khủng hoảng.
Mặc dù các trường đã lên kế hoạch học trực tuyến, các chuyên gia đánh giá đây không phải là phương án khả thi với sinh viên năm nhất, đối tượng chắc chắn gặp nhiều bỡ ngỡ khi bước chân vào môi trường mới.
Nhiều học viện, trường học còn đứng ra vay vốn để dành tiền xây dựng các chương trình học mới hấp dẫn, với đối tượng nhắm đến là sinh viên nước ngoài.
Dịch bệnh chưa phải là yếu tố tác động duy nhất đến ngành giáo dục tại Anh. Số lượng người Anh học đại học đang có xu hướng giảm, cùng với những vấn đề liên quan đến Brexit khiến việc thu hút và giữ chân sinh viên quốc tế trở thành mục tiêu quan trọng.
“Dịch bệnh như một cơn sóng thần tấn công vào ngành giáo dục. Các trường đại học sẽ lâm vào khó khăn tài chính vào cuối năm nay. Tác động của Covid-19 chắc chắn sẽ để lại nhiều hậu quả lâu dài nữa trong ngành”, Andrew Connors, chuyên gia phụ trách giáo dục đại học tại Tập đoàn Ngân hàng Lloyds (Anh), đánh giá.
Connors cũng hy vọng các ngân hàng sẽ cung cấp các khoản vay cần thiết cho các trường đại học vì tầm quan trọng của ngành giáo dục đối với nền kinh tế nước nhà.
Tuy nhiên, ông cảnh báo: “Tôi đã làm việc qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và nó không là gì nếu so với những điều chúng ta đang chứng kiến. Dịch bệnh ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của xã hội, dưới nhiều hình thức khác nhau.”
Văn phòng Sinh viên, cơ quan quản lý giáo dục đại học tại Anh, đã đề xuất các phương án hoạt động sau khi dịch chấm dứt.
Theo đó, các trường đại học cạn kiệt tiền hoạt động có thể thông báo với cơ quan này trước 30 ngày.
Ngoài ra, các trường đại học cũng được yêu cầu giới hạn số lượng tuyển sinh trong năm học tới.
“Các trường có thể giảm thiểu tác động bằng cách hỗ trợ sinh viên quốc tế tiếp tục học tập, tạm dừng các hoạt động mở rộng trường, hoãn lại nghiên cứu không cần thiết, cắt giảm nhân viên và thuyết phục sinh viên năm cuối tiếp tục ở lại nghiên cứu sau đại học”, Nick Hillman, Giám đốc của Viện Chính sách Giáo dục Đại học Anh, đánh giá.
“Ngành giáo dục sẽ gặp khó khăn nếu số lượng sinh viên du học giảm mạnh. Những trường hoạt động chủ yếu nhờ sinh viên nước ngoài vẫn có khả năng cầm cự với nguồn thu từ sinh viên bản xứ, những người trả học phí thấp hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời”, ông nhấn mạnh.
Thái Hải (SSDH) – Theo Zing News