Cộng đồng Việt Nam hải ngoại không thiếu những tài năng thuộc đủ mọi lĩnh vực và ngành nghề chuyên môn, đã có những đóng góp đáng kể cho quê hương thứ hai. Nhưng có lẽ khó ai đạt được thành tích đó khi mới lên 12 tuổi, như Nam Nguyễn đã làm hồi tháng Giêng năm 2011, khi đăng quang ngôi Vô địch Trẻ Quốc gia về Trượt băng Nghệ thuật năm 2011 tại Canada.
Nam Nguyễn
Xin được giới thiệu cậu bé gốc Việt có biệt danh là “Super Nam”, vận động viên trẻ tuổi đã được giới truyền thông Canada ca tụng là “tương lai của bộ môn trượt băng nghệ thuật Canada”.
Năm lên 8, Nam Nguyễn trở thành nam vận động viên trượt băng nghệ thuật nhỏ tuổi nhất từ trước tới nay đoạt ngôi Vô địch Quốc gia Thiếu nhi-Nam về môn Trượt băng Nghệ thuật tại Canada. Cho tới nay, đã 4 lần Nam duy trì được ngôi vị vô địch. Với thành tích mới nhất – Vô địch Trẻ Quốc gia về Trượt băng Nghệ thuật năm 2011, em trở thành niềm tự hào của Canada, quê hương thứ hai của cha mẹ, và tên tuổi của Nam cũng bắt đầu được cộng đồng người Việt khắp nơi chú ý.
Hình ảnh nhà vô địch tí hon đứng giữa hai vận động viên cao lớn người Canada đoạt huy chương bạc và đồng, lan truyền trên internet là niềm hãnh diện chung của người Việt hải ngoại. Nam cho biết khi lên nhận Huy chương Vàng hồi đầu năm nay: “Khi đứng trên bục danh dự, cháu cảm thấy vô cùng phấn khích vì biết rằng mình đã trở thành nam vận động viên trẻ tuổi nhất đoạt Giải Vô địch Trẻ của Canada. Thành tích đó chứng tỏ sự chăm chỉ của cháu trong các buổi tập dượt đã mang lại kết quả, và đây là một cảm giác hết sức tuyệt vời!”.
Phong cách trình diễn chuyên nghiệp và khả năng cảm thụ âm nhạc tinh tế của Nam trên sân băng đã gây ấn tượng mạnh. Sau cuộc thi, khán giả đã đồng loạt đứng dậy vỗ tay, nhiều người ném các con thú nhồi bông lên sân băng, để tỏ lòng ngưỡng mộ đối với vận động viên nhỏ bé có gương mặt thật sáng và nụ cười rất tươi, như để biểu lộ niềm hạnh phúc khi được theo đuổi bộ môn thể thao mình yêu thích.
Nam cho biết, nhờ học dương cầm và chơi kèn baritone ở trường học, em đã nâng cao khả năng cảm thụ âm nhạc dù đã bị buộc phải tạm thời bỏ cây đàn dương cầm để dành thêm thời gian cho bộ môn trượt băng nghệ thuật.
Muốn trở thành một nhà vô địch trước tiên cần có kỷ luật và tính kiên nhẫn, bền bỉ luyện tập, song Nam cho biết chiếc chìa khóa dẫn tới thành công trong trường hợp của em, là vấn đề tinh thần. Nam nói: “Tinh thần dọn đường cho chúng ta tại mỗi bước đi trên cuộc hành trình, cho nên nếu muốn luyện một thao tác chẳng hạn, cháu luôn luôn vận động tinh thần trước, như nghĩ tới những điều tích cực, phải làm gì để đạt được mục đích, và điều cần thiết là phải có khả năng đương đầu với áp lực, không để áp lực nó áp đảo mình”.
Sự trưởng thành trong lời phát biểu đó của một thiếu niên vừa lên 13, có thể gây ngạc nhiên, nhưng theo lời nhà vô địch trẻ tuổi này thì đó là bài học quan trọng nhất mà cha đã dạy cho em: “Ba cháu đã dạy cháu rất nhiều về sự quan trọng của vấn đề tinh thần, chính sức mạnh tinh thần đã giúp cháu đoạt ngôi vô địch. Ngay cả trong lúc luyện tập, ba cũng căn dặn rằng trước khi ra sân, phải luôn luôn tập trung tinh thần, đừng để tinh thần bị áp đảo, mà hãy để tinh thần xếp đặt mọi sự để giúp mình thành công. Chính nhờ lời khuyên đó mà cháu đã đi đúng đường”.
Vừa tròn 13 tuổi hồi tháng Năm năm nay, Nam đang ráo riết chuẩn bị để giành chức vô địch nam toàn quốc, cạnh tranh với các vận động viên chuyên nghiệp sáng giá nhất của Canada.
Luôn song hành cùng nhà vô địch trẻ tuổi là tình thương yêu và sự hỗ trợ của gia đình. Cha mẹ của Nam, anh Sony Nguyễn và chị Lê Thu, đã tạo mọi điều kiện cho con phát triển năng khiếu đặc biệt.
Chúng tôi đã trao đổi với với chị Thu, mẹ của Nam, để tìm hiểu thêm về gia cảnh của nhà vô địch trẻ “Super Nam”.
Thưa chị, nghệ thuật không phải là một ngành mà người Việt Nam chúng ta thường khuyến khích con cái theo đuổi. Anh là một kỹ sư, chị từng là một bác sĩ, xin được hỏi anh chị nghĩ gì khi thoạt tiên biết ý định của cháu muốn theo đuổi bộ môn thể thao này?
– Tôi sinh ra trong một gia đình chỉ chuyên việc học, nên khi cho cháu đi tôi chỉ nghĩ rằng, một đứa trẻ lớn lên có điều kiện tiếp xúc với nhiều lĩnh vực khác nhau là điều tốt, giúp cháu tự tin hơn thì cứ để cho nó đi. Nhưng đến khi nhận ra năng khiếu của cháu, tôi nghĩ làm cha mẹ, biết con có năng khiếu thì mình nên tạo cơ hội cho cháu phát huy.
Thưa, ở bất cứ bộ môn nào, muốn đạt được thành công ở tầm cỡ quốc tế cũng cần phải đầu tư về thời gian, tài chính và nhiều thứ khác nữa, vậy anh chị đã phải hy sinh những gì để tạo điều kiện cho Nam theo đuổi niềm đam mê của em?
– Nói hy sinh thì lớn lao quá nhưng thực ra cũng phải lựa chọn nhiều lắm, ví dụ bây giờ cháu đi học, tụi tôi phải theo đuổi chuyện học của cháu một cách sát sao, một phần là vì phải giữ cho cháu lúc nào hạng cũng phải nhất nhì, hoặc phải có tên trên bảng danh dự (honor roll) của nhà trường. Bên cạnh đó phải đi làm, sau giờ làm hai vợ chồng phải sắp xếp thời giờ, tôi phải đi làm thật sớm để về đúng giờ đưa cháu đi, hoặc ba cháu phải xếp đặt thời gian đi làm, đặng tới giờ phải đưa cháu đến nơi tập, rồi ngồi đó xem cháu tập vì cháu còn quá nhỏ. Chồng tôi gần như phải cùng học với cháu để sau đó hướng dẫn lại cho cháu. Thứ hai nữa là vấn đề tài chính gặp rất nhiều khó khăn bởi vì hai vợ chồng tôi chỉ là công nhân viên chức, thu nhập chỉ đủ để trang trải những chi phí trong gia đình. Ngoài ra mình phải tận dụng thời gian đi làm thêm để giúp cho cháu trả tiền coach, tiền fee, tiền du hành… vì mỗi lần cháu đi dự thi toàn quốc tiền vé rất nặng…
Được biết Việt Nam có ý định mời cháu Nam đại diện cho Việt Nam để tranh tài trong bộ môn trượt băng nghệ thuật tại Thế vận hội Mùa Đông 2018, xin được hỏi phía Việt Nam đã liên lạc với anh chị chưa, và câu trả lời là như thế nào?
– Tôi cũng có nghe tin đồn, nhưng chưa nhận được tin tức gì ở bên Việt Nam. Cháu có được ngày hôm nay một phần là do cha mẹ có nguồn gốc từ Việt Nam, nhưng mà một phần chủ yếu là Canada cũng đầu tư hỗ trợ mình… Thành ra chuyện gì chưa đến thì tụi tôi cũng chưa trả lời được. Nhưng nói chung, lúc nào tụi tôi cũng dạy cháu rằng con có nguồn gốc từ Việt Nam. Cháu phải biết là cháu đến từ 2 đất nước để có được ngày hôm nay.
Xin được hỏi một câu nữa, anh chị nghĩ gì khi chứng kiến con đứng trên bục danh dự để nhận chức Vô địch Trượt băng Nghệ thuật Canada năm 2011, mà lại là nhà vô địch trẻ tuổi nhất?
– Đây là một vinh dự lớn. 4 lần cháu là nhà vô địch trẻ tuổi, và một lần cháu đứng hạng 3. Lần này là lần thứ 5 rồi thành ra tụi tôi cũng có cảm giác mình đã quen. Nhưng lần đầu tiên doạt chức vô địch khi cháu mới 8 tuổi, tôi đã khóc, và ngay cả chồng tôi cũng vậy, không thể nào tin nổi! Mình cảm thấy rất vinh dự, tự hào. Tôi nghĩ cháu cũng nhận ra được rằng ba mẹ rất tự hào, và đứa em gái lúc đó 6 tuổi, nó cũng biết được rằng anh nó đã cố gắng rất nhiều để được như vậy.
Anh chị có muốn nói gì với những người hâm mộ cháu Nam, muốn tiếp tay giúp đỡ một tài năng trẻ hiếm thấy trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại?
– Tôi cũng mong rằng có một nhà hảo tâm hay tất cả những ai hâm mộ môn thể thao này có thể chung tay tài trợ cho cháu, hoặc giúp vợ chồng tôi để có thể gầy dựng một tài năng của đất nước, vì ở hải ngoại khi nhìn ra được một mầm non, một tài năng như vậy, mình cũng cảm thấy tự hào. Không phải chỉ có dân gốc ở đây – ở Bắc Mỹ, mới giỏi, mà con Rồng cháu Tiên Việt Nam cũng đạt được thành công. Thành ra nếu có ai hảo lòng giúp đỡ cháu Nam thì vợ chồng, gia đình tôi vô cùng biết ơn, vì những sự ủng hộ đó có thể là nguồn động lực để giúp cháu Nam tiến bước, bởi vì con đường dẫn tới Thế vận hội 2014 là điều mà cháu ước mơ, cháu nói rằng sẽ cố gắng đạt được trong 3 năm nữa để lập nên lịch sử của Canada, là người trẻ tuổi nhất đi dự Thế vận hội 2014 và Thế vận hội 2018.
Quý vị muốn tìm hiểu thêm về “Super Nam”, xin vào trang web của Nam Nguyễn. Hoặc liên lạc với Agent của Nam Nguyễn: David Baden IMG 767 5th Avenue, 45th Floor New York, NY 10153 Phone: 212.774.4336 Fax: 212.774.8715 david.baden@imgworld.comcontact