SSDH – Vẫn là một ngày với những chuyến tàu quen bến, công việc quen tay và gương mặt quen thuộc, nhưng là một ngày của nhiều cảm xúc mới toanh.
Không cô đơn trên tramway
7h35’, cũng như tất cả mọi ngày, tôi bật dậy khi đồng hồ báo thức còn chưa kịp cất tiếng ca. Buổi điểm tâm thịnh soạn là một lát bánh mì chocolat và ly nước lọc vặn trực tiếp từ vòi robinet. Gọi là thịnh soạn vì may mà vẫn còn có thời gian để bỏ một cái gì đó vào bụng trước khi lao về phía tramway. Nếu không bắt kịp chuyến tàu lúc 8h1’, tôi sẽ phải cộng thêm 10’ chờ chuyến tiếp theo trong chặng hành trình vốn đã ngốn mất 45’ đồng hồ để đến chỗ thực tập.
Tôi là đứa chẳng bao giờ mò lên trang web của các phương tiện giao thông công cộng để ngóng tin tức đường sá, công trình, biểu tình, sự kiện. Vậy là đã eo hẹp về thời gian lại phải mang thêm trong mình nỗi lo tàu chạy trật giờ. Ở Pháp, nhân viên các công ty giao thông công cộng thì có quyền đình công nhưng những đứa thực tập sinh như tôi thì không!
Tuyến Tramway thường ngày tôi vẫn đi
Bảo Anh, bạn tôi ở Paris vẫn hay than thở trên Facebook vào mỗi khuya Chủ nhật “Métro, boulot, dodo” để chỉ ba công việc mà hầu như người trẻ nào cũng lặp đi lặp lại mỗi ngày ở thủ đô là tàu điện ngầm, công việc/học hành và giấc ngủ.
Montpellier không có métro, phương tiện di chuyển yêu thích của mọi người là tramway (tàu điện). Có lẽ, ở cái xứ mà hết 300 ngày trong năm ngập tràn nắng ấm thì người ta muốn tận hưởng từng phút một thứ thời tiết đặc sản Địa Trung Hải hơn.
Quãng đường từ nhà tới chỗ thực tập chỉ có một, nhưng tôi có hàng tá cách sử dụng khoảng thời gian trên tramway. Có khi tôi sẽ đọc hết 2,3 tờ báo được phát miễn phí ở bến Gare Saint-Roch, cũng có lúc tỉ tê đủ thứ chuyện trên trời dưới đất với cô bạn nào đó ở Việt Nam.
Trên hành trình ngồi tramway về nhà mỗi chiều, tôi thường hay quan sát hành khách trên tàu. Đó là người mẹ trẻ hỏi thăm con gái nhỏ xem bữa ăn trưa ở trường có ngon không, là cặp đôi bàn luận xem sẽ xem phim gì vào cuối tuần, là hai người bạn hỏi thăm nhau về điểm số nhưng cũng có khi là ánh mắt tủi hờn của một anh sinh viên nghèo bị các chú nhân viên phạt tội trốn vé.
Mỗi công việc, một niềm vui
Một ngày đi thực tập luôn bắt đầu bằng mục Điểm báo. Với cả chồng báo địa phương và quốc gia phải lọc qua, bọn tôi luôn có cách để công việc đó trở nên bớt nhàm chán. Nhâm nhi hộp chocolat còn thừa từ bữa tiệc Noel, bàn luận về chiếc áo bông mới mua của cô thư ký hay thú vị nhất là tiết mục đọc horoscope cho mỗi thành viên trong nhóm.
Buổi trưa, đồng nghiệp trong cơ quan luôn ới nhau rồi rồng rắn cùng đi ăn ở canteen. Mà khoan đã, trước khi lên đường phải cử ai đó lên camera nội bộ của cơ quan, xem có nhiều người xếp hàng trước nhà ăn không đã.
Hôm nay tôi, Nathalie cùng cô Cathy sẽ ăn ngay tại văn phòng. Hôm nọ tôi đã làm nem mời hai bọn họ nên hôm nay sẽ đến lượt hai đồng nghiệp thiết đãi đặc sản Pháp: blanquette de veau (món ragu nấu với thịt bê) và bánh tráng miệng chocolat.
Ở cơ quan có một nhóm các cô đồng nghiệp mê thể thao, buổi trưa nào họ cũng chạy bộ cả một quãng mấy cây số quanh khu vườn ngay cạnh. Khi trở về, dù mồ hôi nhễ nhại và phải cắt giảm thời gian cho việc ăn trưa nhưng tinh thần làm việc ai nấy đều phấn chấn hơn hẳn.
Vì được chia văn phòng chung với cô thư ký nên tất cả mọi đầu mối sự kiện đều diễn ra ngay trước mắt tôi. Chiều nay, Valérie đem một tấm thiệp chi chít lời chúc đến nhờ cô thư ký ghi vài lời động viên cho con gái một đồng nghiệp đang nằm bệnh viện. Cô thư ký phòng thư viện ảnh thỉnh thoảng vẫn hay cầm ca nước đi quanh các chậu cảnh để tưới tắm cho các nhánh cây. Hay anh đồng nghiệp galant vẫn hay đòi đi theo giúp tôi và Nathalie trong việc bưng bê những chồng thư của độc giả.
Buổi ăn tối của những ông vua
Để thưởng cho một ngày làm việc chăm chỉ, hôm nay tôi tạt qua tiệm bánh ngọt (pâtisserie) trước khi về nhà. Hẳn cậu em họ Thomas sẽ rất hí hửng với chiếc bánh galette des rois truyền thống (tạm dịch là bánh kẹp của những ông vua). Điều đặc biệt là bên trong chiếc bánh này luôn cất giấu những chiếc tượng nhỏ xíu, đủ mọi hình thù. Nếu ai ăn trúng phần bánh có chiếc tượng nhỏ sẽ phải mua một chiếc galette khác vào bữa ăn sau đó.
Tối nay Thomas xúi quẩy lại chính là người “phải làm vua”, phải đội trên đầu chiếc vương miện bằng giấy và được mọi người nhắc chuyện mua bánh đãi cả nhà lần tới.
Ngay lập tức, anh chàng thống nhất là bữa ăn sắp tới sẽ phải mời cả anh Mathieu và chị Amélie nữa nhé. Tại sao á? Vì nếu đông người cùng ăn một chiếc bánh thì anh chàng sẽ ít khả năng bị làm vua hơn, bởi vì làm vua thì tốn tiền mua bánh lắm, em chỉ thích được làm dân để ăn bánh của mọi người miễn phí thôi!
Thục Uyên (SSDH) – Theo Dân Trí