Chọn đúng nơi du học phù hợp cho mình

0

SSDH – Khi đi du học, tức là bạn phải bắt đầu một cuộc sống tự lập, tự giải quyết tất cả các vấn đề mình gặp phải. Bạn cũng nhớ rằng khi đó bạn đang ở nước ngoài, mọi việc sẽ khó khăn hơn nhiều so với ở Việt Nam, nên việc lường trước và hạn chế những rắc rối là điều không thừa. 

 Warsaw.jpg

Ảnh minh họa

 

Để xác định nơi đâu sẽ là điểm đến du học của mình, chúng ta căn cứ vào nhiều tiêu chí, nhưng trước tiên cần quan tâm đến 3 tiêu chí sau:

 

Sự phù hợp và phát triển về ngành học/lĩnh vực nghiên cứu

 

Tiêu chí này nên được quan tâm đầu tiên khi bạn nghĩ đến việc chọn nơi đến học, vì nó thỏa mãn mục tiêu quan trọng nhất của phần lớn du học sinh là để nâng cao trình độ, mở mang kiến thức, tiếp cận và học hỏi những kỹ thuật, kỹ năng mới, tiên tiến.

 

Chẳng hạn nếu bạn muốn học về Công nghệ Thông tin thì Mỹ, Nhật, Hàn nên là điểm lựa chọn. Nếu bạn muốn học về Y học thì Pháp, Mỹ là sự lựa chọn tốt. Bạn muốn học về Ngôn ngữ học thì nên đến những nước sử dụng ngôn ngữ đó là quốc ngữ thứ nhất…

 

Không hẳn đến nước thật phát triển, thật lớn là lựa chọn tốt. Vì có những ngành lại rất phát triển ở những nước nhỏ, kinh tế không phải tốp đầu. Ví dụ, Công nghệ Sinh học rất tốt ở Hàn và Singapore, ngành Du lịch khách sạn rất phát triển ở Thụy Sỹ, Y học ở Ba Lan cũng được đánh giá tốt, ngày càng nhiều các nước Ả rập, các nước Bắc Âu gửi sinh viên đến Ba Lan học ngành này…

 

Sự phù hợp về ngôn ngữ

 

Tiêu chí này đặc biệt quan trọng với bậc học đại học và dưới đại học, vì phần lớn các bậc học này, người học phải sử dụng ngôn ngữ bản địa. Do đó, nếu bạn có ý định đi du học ở các bậc học từ đại học trở xuống, cần xét đến vốn ngoại ngữ của mình khi sang nước đó, xem mình đã đủ dùng chưa, có thể học và sống bằng tiếng nước bản địa không. Ví dụ, khi bạn sang Nhật, các bậc đại học phần lớn phải học bằng tiếng Nhật, sang Trung Quốc bạn cũng phải dùng tiếng Trung Quốc là chủ yếu. 

 

Với các bậc học sau đại học (thạc sỹ, tiến sỹ) hầu hết các nước có chương trình và nghiên cứu bằng tiếng Anh cho nghiên cứu sinh nước ngoài, nhất là các ngành Khoa học – Kỹ thuật, Sinh y. Tuy nhiên với những ngành đặc thù như văn hóa, ngôn ngữ, văn học… thì với bậc học này bạn cũng phải học và nghiên cứu bằng tiếng bản địa, nên khi chọn nước đến du học, chúng ta cũng cần xét đến sự phù hợp về ngôn ngữ. Ví dụ, hầu hết nghiên cứu sinh thạc sỹ và tiến sỹ Việt Nam đang học và nghiên cứu bằng tiếng anh ở Hàn, Nhật, Đức…

 

Sự phù hợp về ẩm thực, văn hóa và phong tục tập quán

 

Có bao giờ bạn tưởng tượng rằng cả một tuần bạn không ăn cơm? Cả năm không ăn canh hoặc rau xào? Và tìm khắp nơi không có một thực phẩm Việt Nam nào? Nồi cơm điện là cái gì đó rất là “lạ” với người dân?

 

subway_melt.jpg

 Subway một thương hiệu thức ăn nhanh phổ biến ở châu Âu

 

Điều đó có thể xảy ra, nếu như bạn sang học ở một số nước châu Âu và nhất là học ở một số thành phố nhỏ, xa thủ đô, ít người nước ngoài sinh sống và cực hiếm hàng châu Á, do người dân ở đó không có thói quen dùng. 

 

Hoặc, bạn có bao giờ tưởng tượng rằng, mọi thứ mình ăn đều có ớt, ớt nhiều đến đỏ cả nước canh, và khi ăn bạn có cảm giác như cháy trong cổ, và liên tục chảy nước mắt, nước mũi nếu không quen?

 

Điều này chắc chắn bạn sẽ gặp nếu bạn sang du học ở Hàn và ăn cơm ký túc xá.

 

Do đó, việc tìm hiểu, lựa chọn được những nước có văn hóa, phong tục, tập quán phù hợp với mình hoặc ít nhất mình có thể tồn tại và thích nghi được, là điều nên làm trước khi chọn nơi đến học.

 

Mỗi nước có một nền văn hóa, ẩm thực và phong tục tập quán riêng. Chẳng hạn trong ẩm thực, người Nhật thích ăn gỏi, họ có món Sushi và rượu sa kê nổi tiếng, người Mỹ với văn hóa thức ăn nhanh mọi nơi, người Ba Lan thường dùng khoai tây hoặc bánh mỳ thay cơm, người Ấn Độ thường đãi bạn bè món cà ri và họ thường ăn bốc bằng tay, người Hàn luôn tự hào với hàng trăm loại Kim Chi… Trong văn hóa, người Hàn rất có tôn ti – người nhỏ luôn tôn trọng và nghe lời người lớn, giáo sư rất có uy tín. Còn người Ai Cập phần lớn theo đạo Hồi và họ không thích nghe những lời nói tục…

 

Đông Đức (SSDH) – Theo Kenh14

Share.

Leave A Reply