Sẵn sàng du học – Cấp 3 không phải là thời điểm quá sớm để bắt đầu suy nghĩ về ngành mà bạn muốn theo đuổi. Hãy chuẩn bị trước về mặt học hành, nghiên cứu thêm các nhánh ngành nghề khác nhau trong ngành Y, thậm chí tham dự các hội thảo hướng nghiệp phù hợp. Sau đây là cách bạn nên chuẩn bị cho ngành Y nếu bạn là học sinh cấp ba.
Liệu ngành Y có phải là ngành nghề phù hợp với bạn?
Nhiều học sinh chỉ biết về ngành Y thông qua phim ảnh hoặc những chuyến đi đến bệnh viện. Trước khi bạn thực sự muốn theo đuổi ngành này, hãy cân nhắc liệu nó có phù hợp với bạn không.
Làm sao để học sinh cấp ba nghiên cứu về ngành Y?
The Association of American Medical Colleges – AAMC (Hiệp hội Các trường Cao đẳng Y Mỹ) có những bảng thông tin về trường Y. Nó cũng bao gồm những câu chuyện truyền cảm hứng từ các tiền bối và một mục trả lời những câu hỏi liên quan đến con đường đi vào ngành này.
Tiếp theo, hãy dò hỏi những người trong các lĩnh vực Y mà bạn có hứng thú. Phỏng vấn những chuyên gia chăm sóc sức khỏe là cách tốt để nhận biết những sự khác biệt giữa các nhánh ngành nghề Y khác nhau. Bạn có thể hỏi những câu như là:
- Tại sao anh/chị lại chọn nghề Y?
- Một ngày thông thường của anh/chị là thế nào?
- Anh/chị có lời khuyên gì để em có thể chuẩn bị cho ngành này không?
- Anh/chị thích/không thích những gì về nghề của mình?
- Cách anh/chị chọn chương trình tiền Y khoa và/hoặc trường Y khoa và tại sao?
Bạn cũng có thể đăng ký tham gia chương trình y khoa mùa hè dành cho học sinh cấp ba hoặc đăng ký thực tập tại các bệnh viện, cơ sở y khoa.
Nghiên cứu xem là bệnh viện hoặc các cơ sở y khoa địa phương có cần tuyển tình nguyện viên không. Tình nguyện sẽ tạo cho bạn cơ hội được tiếp xúc bệnh nhân và giúp bạn quyết định xem ngành Y đáng theo đuổi hay không.
Bật mí nho nhỏ: Các trường Y sẽ tìm học sinh tỏ ra hứng thú với Y khoa từ những năm cấp ba.
Học sinh cấp ba chuẩn bị cho trường cao đẳng tiền Y khoa như thế nào?
Trước hết, bạn cần chọn những lớp đúng, bao gồm các lớp khoa học, như Lý và Hóa; Toán, bao gồm Giải tích và Xác suất; thậm chí là Tiếng Anh. Kết hợp giữa các lớp AP (Advance Placement – Lớp nâng cao), lớp Honors (Các lớp Danh dự) hoặc lớp IB và phấn đấu đạt được điểm cao nhất có thể.
Điều quan trọng là dù các trường cao đẳng chấp nhận tín chỉ AP, các trường Y khoa thì có thể không. Nếu bạn muốn theo đuổi lĩnh vực này, hãy học lớp cao đẳng và bỏ qua tín chỉ AP. Lớp cao đẳng trông sẽ đẹp hơn trên đơn xin nhập học và cũng sẽ chuẩn bị bạn cho kỳ thi MCAT (Medical College Admissions Test).
Tiếp theo, tìm các chương trình y khoa mùa hè dành cho cấp ba. Những chương trình này giúp bạn tiếp xúc với thế giới y khoa và tạo cho bạn cơ hội được làm việc với các chuyên gia sức khỏe. Những trường cao đẳng như Stanford, Đại học Pennsylvania, Georgetown và nhiều nơi khác có những chương trình mùa hè giúp học sinh được tiếp xúc với ngành Y.
Tôi có thể đăng ký trường tiền y khoa ngay khi học xong cấp ba không?
Nếu bạn đã chắc chắn muốn trở thành bác sĩ, bạn có thể cân nhắc học chương trình BS/MD, nghĩa là kết hợp cả trường đại học lẫn trường y, và bạn sẽ nhận được cả bằng cử nhân lẫn bác sĩ. Những chương trình này kéo dài 7 năm, và yêu cầu khác nhau giữa các chương trình. Lợi ích của những chương trình này là nó thường cho phép bạn nhập học trường Y ngay sau năm ba Đại học.
Như bạn có thể hình dung, những chương trình này rất phổ biến đối với những học sinh đã chắc chắn rằng ngành Y là ngành họ muốn theo đuổi. Vì vậy, những trường có những chương trình này cạnh tranh rất cao.
Bạn cần điểm GPA cao, điểm kiểm tra cao, và cũng phải chứng minh được bạn có hứng thú với ngành Y bằng cách viết luận văn hoặc tham dự phỏng vấn đặc biệt. Những chương trình này không phải dành cho mọi người. Bạn phải có năng lực học tập cao vì bạn cần phải đạt được những yêu cầu cho trường Y chỉ trong 3 năm. Hãy sẵn sàng hi sinh một vài ‘trải nghiệm đại học’ thông thường để tập trung vào việc học. Nếu bạn có nghi ngờ, tốt hơn hết là đăng ký một chương trình tiền y khoa thông thường và dành thời gian để khám phá xem là ngành Y có thực sự dành cho bạn hay không.
Người dịch: Quốc Kỳ (SSDH)