Kinh nghiệm khi du học Mỹ

0

SSDH – Hầu như tất cả các trường cao đẳng và đại học ở Mỹ đều cung cấp miễn phí nhiều dịch vụ giúp sinh viên học tập tốt hơn. Tuy nhiên, không phải du học sinh nào cũng biết và tận dụng điều này.

 du%20hoc%20my3.jpg

 

“Chiêu” chọn thầy

 

Du học sinh lâu năm phần lớn đều biết những địa chỉ www.studentsreview.com hoặc www.ratemyprofessors.com. Đây là những trang web đánh giá thầy cô lớn và nổi tiếng nhất ở Mỹ, Canada và Anh (trên trang web này có thông tin khoảng 1,3 triệu giáo viên của 7.000 trường học). Chỉ việc ngồi nhà nhấp chuột, chọn trường, lớp mình muốn học, một danh sách sẽ được liệt kê cùng những nhận xét khá cặn kẽ của sinh viên khóa trước về cách dạy, tính tình của thầy cô và cả “chiêu” đối phó.

 

Biểu tượng gương mặt buồn sẽ dành cho giáo viên “khó”, gương mặt vui cho giáo viên “dễ”. Lớp nào thu hút đông sinh viên sẽ có biểu tượng trái ớt (hot). Nhưng cũng có lúc sinh viên bị “tổ trác”. “Hồi đó, tôi lấy lớp lịch sử. Nhìn vào nhận xét khen thầy dễ, dạy hay tôi liền đăng ký. Vào học mới biết, thầy dạy quá dở, nhưng lại có chiêu cộng điểm cho sinh viên nào nhận xét tốt về thầy trên trang web này”, Tăng Quốc Khoa, cựu du học sinh Đại học Washington kể.

 

Ở Mỹ, ngoài học phí đắt đỏ, tiền sách cũng là mối bận tâm lớn của du học sinh. Một cuốn sách trung bình giá từ 60 – 100 USD (có cuốn lên đến 150 USD), một học kỳ học trung bình 5 môn, chỉ riêng tiền sách cũng tốn khoảng 400 USD. Muốn sao y sách cũng không được vì theo luật bản quyền chỉ được sao y không quá 1/10 cuốn sách. Chưa kể tiền sao y cũng tính giá trên trời 10 – 15 cents (khoảng 2.000 – 3.000 đồng/trang). Dẫu vậy, du học sinh vẫn có cách. “Trước học kỳ mới, tôi tìm thông số cuốn sách – ISBN (mỗi cuốn sách đều có một số ISBN khác nhau) của môn học, rồi lên mạng mua sách. Có rất nhiều trang web như textbookspyder.com, hoặc www.half.ebay.com bán rẻ hơn rất nhiều so với cửa hàng sách. Mua phiên bản cũ, giá còn rẻ hơn. Học xong thì bán lại sách cho khóa sau bằng cách rao trên bảng thông báo của trường hoặc trên mạng”, Lê Đỗ Quyên, ĐH Ohio State, bật mí.

 

Thắc mắc biết hỏi ai?

 

Nếu bạn đang bị tụt đằng sau trong một lớp học khó nhằn, hãy ghé thăm Trung tâm dạy kèm (Tutoring and Writing Center) để được kèm riêng miễn phí. Gia sư tại trung tâm này là những sinh viên giỏi được đào tạo kỹ năng sư phạm và phải trải qua các bài kiểm tra về chuyên môn. Họ được trả lương để ngồi đó và giải thích cho đến khi nào bạn hiểu vấn đề. “Hồi mới sang đây, tôi có lấy lớp về hệ thống chính quyền (Government). Môn học khó quá, bài kiểm tra toàn bị điểm xấu. Nhờ bạn bè chỉ, tôi đến Trung tâm dạy kèm để học thêm. Nhờ vậy mà tôi hệ thống hóa được kiến thức, điểm kiểm tra được cải thiện rõ rệt”, Nguyễn Thị Lan Hương, Trường Savannah Technical College, cho biết.

 

Ngoài ra, du học sinh xa nhà thường gặp nhiều rắc rối về thị thực, khác biệt văn hóa, pháp luật, sức khỏe… Những lúc này, nơi bạn cần tìm đến là Trung tâm tư vấn (Counseling Center). Những nhân viên tại đây đều được đào tạo bài bản để giúp đỡ học sinh trong mọi vấn đề, từ việc chọn lớp, tìm nơi ở, đến giải đáp, tư vấn tâm sinh lý. Thạc sĩ Thiên Kim Phạm, cựu chuyên gia tư vấn Trường cao đẳng cộng đồng Houston, khuyên: “Du học sinh phải trả học phí gấp đôi gấp ba lần dân bản xứ, vì vậy phải ráng tận dụng hết những tiện ích mà hệ thống giáo dục cung cấp để đạt được kết quả học tập tốt nhất”.

 

Đông Đức (SSDH) – Theo Thanh niên

Share.

Leave A Reply