“Gap year” – Du học có dễ?

0

SSDH – “Gap year” (năm ngắt quãng) thường nói đến các bạn trẻ vừa tốt nghiệp trung học hoặc đại học dành một khoảng thời gian trống để tích lũy kinh nghiệm sống và định hình cuộc sống sau này. Hiện nay, số lượng bạn trẻ ở Việt Nam lựa chọn trải nghiệm gap year ngày càng gia tăng. Liệu sau một thời gian “nghỉ học để đi chơi”, cơ hội du học của các bạn có dễ dàng?

 

Ông Nguyễn Chí Hiếu – Tiến sĩ ĐH Stanford (Mỹ) chia sẻ, nếu một học sinh nghỉ 1 năm và nộp đơn sau khi tốt nghiệp phổ thông thì khả năng nhận và xin học bổng vẫn cao với trường hợp, đó là một học sinh xuất sắc với điểm thi TOEFL, IELTS, SAT cao. Ngoài ra, một bài luận thuyết phục và các hoạt động ngoại khóa trong năm gap year cũng giúp bạn tăng khả năng xin học bổng.

 

Sự thật, nếu bạn gap year càng lâu, khả năng nhận và xin học bổng từ các trường đại học của Mỹ càng giảm. Tuy nhiên, nếu bạn dùng các năm gap year đó vì một công việc, một dự án có ý nghĩa cho cá nhân và cho cộng đồng thì đôi khi khả năng được chấp nhận vào trường và xin được học bổng cũng rất cao.

 

Ví dụ, Huyền Chip (tên đầy đủ Nguyễn Thị Khánh Huyền) – tác giả của cuốn “Xách balô lên và đi” cũng nghỉ gap year hơn 4 năm sau khi tốt nghiệp phổ thông nhưng cuối cùng đã được nhận vào Đại học Stanford trong năm học này với học bổng rất cao. Lý do là vì những gì Huyền Chip làm trong những năm nghỉ gap year thật sự có ý nghĩa với bản thân và với không ít bạn trẻ.

 

Nghỉ gap year hơn 4 năm, Huyền Chip sẽ du học tại Đại học Stanford vào tháng 9 tới

Nghỉ gap year hơn 4 năm, Huyền Chip sẽ du học tại Đại học Stanford vào tháng 9 tới

 

Ngoài ra, Huyền Chip cũng có một bộ hồ sơ đẹp với điểm số SAT, TOEFL cao ngất ngưởng và bài luận cũng rất đặc sắc. Cũng có không ít các trường hợp khác giống như Huyền Chip, cũng nghỉ gap year và vẫn đạt được các suất học bổng từ các trường tốt.

 

Cách đây không lâu, Huyền Chip đã khiến nhiều bạn trẻ phải ngưỡng mộ về điểm số SAT ấn tượng của mình: 2290 SAT1 và 800 điểm SAT II Toán và tiếng Tây Ban Nha. Theo đó, nhà trường sẽ hỗ trợ tài chính toàn bộ chi phí ăn ở, học tập (hơn 60.000 USD/năm).

 

“Tuy nhiên, nếu có điều kiện và thời gian, và năng lực của bạn tốt, bạn nên chuẩn bị và nộp hồ sơ khi đang học lớp 12 vì khi đó khả năng của bạn sẽ chắc chắn hơn. Bạn chỉ nên lấy gap year nếu như bạn thật sự không chuẩn bị kịp các yêu cầu tuyển sinh hoặc bạn có một dự án, công việc có ảnh hưởng và ý nghĩa quan trọng với cá nhân hoặc cho cộng đồng” – TS Nguyễn Chí Hiếu đưa ra lời khuyên.

 

Võ Hồng (SSDH)

Share.

Leave A Reply