Kinh nghiệm mua bán xe cũ và những vấn đề thường gặp khi du học

0

SSDH – Bài viết nhằm chia sẻ kinh nghiệm cho những bạn du học sinh có nhu cầu mua bán xe cũ và bảo hiểm xe. Ngoài ra là cách xử lý và một số kinh nghiệm khi chẳng may gặp tai nạn.

 

Kinh nghiệm mua bán xe cũ và những vấn đề thường gặp khi du học

Khi chi phí cho việc mua xe mới còn quá cao, nhiều người lựa chọn mua xe đã qua sử dụng. (Ảnh: Tradingpost).

 

1. Mua xe:

Với những bạn có điều kiện mua xe chính hãng thì mình không bàn đến. Ở đây mình xin đề cập đến vấn đề mua xe đã qua sử dụng. Có rất nhiều cách để các bạn có thể mua được xe cũ.

 

Cách 1: Tìm kiếm qua Website mua bán xe cũ

 

Bạn có thể lên một số Website như Carsales.com.au, Melbourne Cheapest Cars, Gumtree.com.au,.. để tìm các loại xe mình dự định mua, thông số, năm sản xuất, số tay hay tự động,…

 

Kinh nghiệm mua bán xe cũ và những vấn đề thường gặp khi du học

Việc tìm mua xe qua các Website mua bán trực tuyến đã trở nên phổ biến. (Ảnh: Cars.com).

 

Trên Carsales.com.au thường có 2 dạng: một là do Dealer đăng lên, hai là xe riêng của cá nhân cũng được rao bán. Những post quảng cáo có chữ “Car Fact” là xe đã được xác nhận là có thật. Các bạn nên so sánh, đối chiếu, rồi liên hệ xem xe có phù hợp không trước khi mua. Lưu ý:

 

  • Các bạn nên mua loại xe 4 động cơ (tức dung tích xi lanh từ 2.4L trở xuống), Loại xe có dung tích 3.0L trở lên, 6 máy chạy sẽ rất tốn xăng.
  • Nếu những xe sản xuất trước năm 2008 thì thông thường cứ 100.000km lại phải thay dây cu roa (tiếng Anh là Timing belt), các bạn nên để ý những xe cũ đã chạy khoảng 190.000km thì không nên mua do sẽ rất tốn tiền sửa chữa.
  • Các bạn phải hỏi rõ về vấn đề người bán có cung cấp giấy Roadworthy Certificate (RWC) hay mình phải tự làm. Nếu các bạn mua xe thì nên yêu cầu người bán cung cấp cho mình, tránh trường hợp tự làm RWC có thể rất tốn kém và phiền phức.

    

(Mình đã xem qua Melbourne Cars Cheapest và thấy xe cộ tại đây khá chất lượng, giá phù hợp và bán đúng giá).

 

Cách 2: Mua xe của bạn bè, người thân

 

Nếu bạn bè, người thân có xe muốn bán thì sẽ khá thuận lợi và an tâm cho bạn. Nhưng bạn cũng cần lưu ý về vấn đề giấy Roadworthy Certificate (RWC). Mình khuyên dù là bạn bè, người thân thì cũng nên yêu cầu họ làm cho sẵn giấy RWC. Sau đó, bạn chỉ cần mang ra Vicroads sang tên.

 

2. Bán xe:

 

Khi muốn bán, bạn có thể đăng tin trên các trang web như đã để cập ở mục mua xe, hoặc cũng có thể post bài lên một số nhóm rao vặt để các bạn DHS được biết.

 

Về giá cả, các bạn nên tham khảo trước trên các website đó để có thể đưa ra giá hợp lý, giúp cho việc bán xe diễn ra nhanh chóng và hiệu quả.

 

Các bạn cũng nên tìm hiểu về nơi làm Roadworthy Certificate (RWC). Thông thường, đối với xe cũ, nếu không biết cách yêu cầu chủ hãng sửa xe thì sẽ rất dễ bị mất tiền oan. Vì vậy, nếu có thể, các bạn nên tìm vài cửa tiệm quen, họ dễ thông cảm một số lỗi nhỏ và bạn sẽ đỡ bị ép giá.

 

Ngoài ra, khi làm Roadworthy Certificate (RWC), một kinh nghiệm nhỏ là các bạn nên nói bán xe cho anh em họ hoặc bạn bè. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được chi phí làm Roadworthy Certificate (RWC). Giá làm Roadworthy Certificate (RWC) nếu xe không có vấn đề gì sẽ dao động từ 120$-150$ (tại các shop người Việt).

 

3. Bảo hiểm xe:

 

Kinh nghiệm mua bán xe cũ và những vấn đề thường gặp khi du học

Lựa chọn hãng bảo hiểm cũng là một vấn đề cần lưu ý khi mua xe. (Ảnh: Aptivate).

 

Các bạn chạy xe tại Úc nên mua bảo hiểm để yên tâm hơn khi đi lại. Có rất nhiều hãng bảo hiểm như: AAMI, RACV, Coles, CommInsure… Mình đã thử qua 3 dịch vụ AAMI, RACV và CommInsure.

 

Trong đó, dịch vụ của AAMI là tốt nhất. Khi đưa xe tới nơi, bạn sẽ được gọi Taxi miễn phí đến nơi làm việc. Và khi đi lấy xe, Taxi cũng sẽ đón bạn từ nhà đến tận nơi lấy xe về.

 

Dịch vụ của RACV cũng tương đối nhanh gọn nhẹ (vì đợt mình bị đụng xe, lỗi thuộc về người ta, phía bảo hiểm đã giải quyết khá nhanh). Tuy nhiên có điều, mình bị ép giá xe khi writen-off.

 

Hãng thứ 3 là CommInsure, giá cả bảo hiểm có rẻ hơn nhưng vấn đề Claim thì rất mất thời gian. Kinh nghiệm là bạn mình bị đụng xe và phải mất gần 5 tháng mới sửa xong do thủ tục rườm rà, gây ức chế cho khách hàng.

 

Theo mình, các bạn nên mua bảo hiểm cho xe, ít nhất là bảo hiểm một chiều. Trong trường hợp lỡ đụng xe, nếu lỗi do bạn thì hãng bảo hiểm sẽ có trách nhiệm sửa xe cho người ta, và bạn sẽ tự sửa xe của mình. Với xe cũ, giá trị thấp thì mình nghĩ nên chọn gói bảo hiểm AAMI.

 

4. Khi gặp tai nạn:

 

Một số chia sẻ về cách xử trí khi gặp tai nạn nhưng vẫn có thể kiểm soát (vì trong trường hợp không còn nhận biết được thì đã có người khác lo):

 

Trường hợp người không hề hấn gì, việc đầu tiên là bạn phải hết sức bình tĩnh, có thể gọi điện thoại cho người thân nếu cảm thấy cần lấy lại tinh thần.

 

Sau khi ổn định và lấy lại bình tĩnh, bạn nên xác định vụ việc xảy ra mình sai hay đúng. Hãy cố gắng chụp ảnh lại hiện trường, kể cả tên đường, vị trí nếu có thể. Sau đó, hai bên tiến hành nói chuyện (nếu tai nạn chỉ có 2 bên) và trao đổi về tình huống. Trong trường hợp phân xử được đúng sai, bạn nên cố gắng lấy thông tin của đối phương như: Chụp ảnh xe, bằng lái, lấy số điện thoại (bạn nên gọi thử luôn), địa chỉ nhà và cả tên công ty bảo hiểm (cái này rất quan trọng).

 

Sau đó, hai bên tiến hành báo cho hãng bảo hiểm của mình, kể cả trường hợp bạn mắc lỗi hay không đúng. Nếu bạn đúng, cho dù bạn mua gói bảo hiểm một chiều, hãng bảo hiểm vẫn sẽ giúp bạn yêu cầu phía công ty bảo hiểm của người gây tai nạn giải quyết. Ngược lại, nếu lỗi là do bạn, bạn cũng phải báo cho hãng bảo hiểm của mình về tai nạn, họ sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề và bạn chỉ phải trả tiền phí hành chính mà thôi.

 

Đây là những kinh nghiệm của bản thân mình và mong rằng có thể giúp ích cho bạn đọc. Cảm ơn mọi người đã dành thời gian!

 

Nguồn: Facebook Đức Quyết

Share.

Leave A Reply