Sẵn sàng du học – Thống kê tại Anh cho thấy, có tới gần 3/4 các trường đại học tại Anh ghi nhận sự tụt dốc trong thứ hạng quốc tế. Những tổ chức giáo dục này bao gồm một số trường đại học hàng đầu như Oxford và Đại học College London (UCL).
Theo một dự báo về các trường đại học năm 2021 do Công ty Xuất bản Quacquarelli Symonds (QS) thực hiện, có tổng cộng 62/84 tổ chức của Vương quốc Anh bị hạ bậc trong năm thứ tư liên tiếp. Cụ thể, dữ liệu mới được công bố vào giữa tuần qua cho thấy, Trường Đại học Oxford tụt từ vị trí thứ 4 xuống thứ 5, trong khi UCL tụt xuống hạng 10 – tức giảm hai bậc so với vị trí trong năm 2020.
Trong khi đó, Trường Đại học Hoàng gia London đã có bước tiến đáng kể khi được xếp ở vị trí thứ 8, cao hơn một bậc so với hiện tại. Vị trí mới đã khiến tổ chức giáo dục này trở thành trường đại học duy nhất trong 20 trường hàng đầu Anh cải thiện chất lượng từ năm 2020. Các trường đại học Cambridge và đại học Edinburgh lần lượt giữ vị trí thứ 7 và 20 trong bảng xếp hạng.
Ông Ben Sowler – Giám đốc nghiên cứu của QS, cho rằng sự sụt giảm trong thứ hạng của các trường đại học là do chất lượng giảng dạy và nghiên cứu đi xuống.
Theo ông Sowler, các học giả và sinh viên hàng đầu từ châu Âu cũng như trên thế giới có thể không còn nhận thấy nước Anh là điểm đến hấp dẫn, kể từ sau Brexit.
"Nhiều nguồn tin từ Tổ chức tuyển sinh UCAS và Viện Chính sách giáo dục đại học cho rằng, có mối liên hệ giữa Brexit và sự sụt giảm sức hấp dẫn của Anh đối với cộng đồng sinh viên quốc tế", Giám đốc QS cho biết.
Hơn 1/2 các trường đại học tại Vương quốc Anh được xếp hạng đã chứng kiến tỷ lệ sụt giảm trong cả số lượng nhân viên và sinh viên. Dữ liệu cho thấy, số lượng người học quốc tế ghi danh vào các khóa học tại Anh đã giảm ở 51 trường ĐH.
Ông Sowler nhận định, hiệu suất kém hơn của Anh trong bảng xếp hạng cũng phản ánh khả năng cạnh tranh ngày càng tăng, trong bối cảnh nền giáo dục đại học toàn cầu phát triển. Do đó, việc đầu tư nhiều hơn vào chất lượng giảng dạy sẽ giúp các tổ chức giáo dục của Vương quốc Anh lấy lại nền tảng đã mất.
"Chúng ta cần sự phối hợp và nỗ lực để bảo đảm rằng, Vương quốc Anh sẽ tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn của các học giả và sinh viên tài năng – những người mong muốn học tập tại đây trong tương lai. Tôi cũng hy vọng nước ta tiếp tục hợp tác với những quốc gia châu Âu và trên toàn cầu trong các dự án nghiên cứu biến đổi", ông Sowler nhấn mạnh.
Vị Giám đốc QS chia sẻ, các trường Đại học khác ở khu vực Bắc Mỹ và châu Âu cũng có vị trí thấp hơn trong bảng xếp hạng, trong bối cảnh sự đầu tư vào nền giáo dục đại học trên khắp thế giới ngày càng tăng, đặc biệt là ở châu Á.
Các tổ chức giáo dục đại học trên khắp Vương quốc Anh đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do sự bùng phát của đại dịch và số lượng sinh viên quốc tế giảm. Lý do là bởi, người học nước ngoài thường phải trả phí cao hơn nhiều so với sinh viên Anh và trở thành nguồn thu nhập quan trọng tại nhiều tổ chức giáo dục. Tình trạng này đã làm dấy lên nhiều lo ngại rằng, một số trường đại học Anh có thể đứng bên bờ vực phá sản khi chưa nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ, nhằm bù đắp khoản tài chính thiếu hụt.
Một báo cáo của Hội đồng Anh được công bố đầu tuần qua ước tính, có thể có ít hơn 111.000 sinh viên Anh và 121.000 người học quốc tế theo học tại các trường đại học nước này trong năm nay. Cũng theo báo cáo, có thể số tân sinh viên từ Đông Á trong năm học tới sẽ giảm hơn 14.000 so với năm 2019 – 2010.
Báo cáo được đưa ra sau khi một phân tích vào tháng 4 của Trường Kinh tế London cho Liên minh đại học và cao đẳng cảnh báo, số lượng người học quốc tế giảm có thể dẫn đến một "hố đen" tài trợ trị giá 2,5 tỷ bảng.
Cá Domino (SSDH) – Giáo dục & Thời đại