Du học sinh cần làm gì khi lần đầu tiên đến một thành phố xa lạ?

0

SSDH – Kinh nghiệm của chính người viết, vốn từng sống, học tập, thực tập và làm việc trên 5 thành phố lạ.

 du%20hoc%20sinh.jpg

 

Đi lòng vòng

 

Hôm đầu tiên tới Lào, tôi có cảm tưởng như mình sẽ “lạc lối ở Viên Chăng” trong suốt 365 ngày tới vì chẳng dễ gì để đánh dấu đường về nhà, khi mà góc đường nào cũng có cột ăng-ten, cũng có những cửa hàng bán sản phẩm thủ công bằng mây tre, chưa kể kiến trúc của các ngôi nhà cứ na ná nhau khó phân biệt. Chưa kể vì mới đến nên tôi cũng chưa thể ghi nhớ những tên đường, tên cửa hàng, bệnh viện dài ngoằng, khó nhớ. Thành ra, tôi quyết định lấy xe máy chạy vòng vòng từ đầu Đông sang đầu Tây, từ đằng Nam lên đằng Bắc, đặc biệt là chọn đi những con phố chính để nhận diện cho quen. Vì chạy xe máy nên không dễ gì để vừa đi vừa xem bản đồ, thế là tôi bỏ hẳn phương án bản đồ sang một bên mà hỏi thăm người dân bản xứ.

 

Chỉ sau 2 lần chạy xe như thế, tôi ít nhất là cũng biết đường đi từ nhà đến chỗ làm việc và Patuxay (Khải hoàn môn của người Lào, nơi khu trung tâm thành phố).

 

Sau này đi làm, gặp cô bạn đồng nghiệp người Pháp, cô nàng cũng khuyên tôi nên đi xe máy cho quen đường quen lối!

 

Lại nhớ một anh bạn Pháp từng khuyên tôi thỉnh thoảng nên sử dụng phương tiện xe đạp công cộng (vélib) và xe bus (thay vì chỉ dùng métro) để có thể ngó nghiêng đường phố Paris – vừa là một cách để tận hưởng phong cảnh thành phố, vừa để “hiểu” Paris hơn.

 

Câu hỏi muôn thuở: Cậu mua cái đó bao nhiêu tiền?

 

Tôi không chỉ hỏi câu này với người quen, bạn bè mà cả những người lạ vừa trở ra từ cửa hàng mà tôi đang đi vào. Đơn giản vì việc biết giá của món đồ họ vừa mua xong sẽ khiến chủ quán không thể “hét giá” chỉ sau vài phút, chưa kể còn giúp bạn trả giá hiệu quả.

 

Nếu có thời gian, hãy đi “đọ giá” ở nhiều điểm bán khác nhau, từ siêu thị đến chợ hay giữa các chợ với nhau trước khi đồng ý mua hàng.

 

Ở châu Âu, việc thương lượng giá cả là gần như không thể, nhưng ở châu Á thì điều này lại quá bình thường, thậm chí là ở trong các siêu thị. Mới hôm qua, tôi đã “có một chút sốc nhẹ” khi chủ cửa hàng bán vỏ bọc điện thoại giảm cho 40 bath, dù đấy là một món hàng có giá in sẵn trên bao bì.

 

Tuy không có “văn hóa trả giá”, nhưng các nước châu Âu lại thường áp dụng chương trình khuyến mãi “giảm 50% cho món thứ hai”, “mua 1 tặng 1”… Nếu không hiểu tiếng địa phương, bạn có thể nhờ nhân viên bán hàng giải thích hộ.

 

Làm gì cũng phải có quy trình

 

Khi đến sống lại một thành phố lạ, đau đầu nhất chính là các thủ tục hành chính, sau là việc sắm sửa “ổn định cuộc sống mới ở khu dân cư”. Cụ thể, thường bạn sẽ phải làm thủ tục xin thẻ cư trú dài hạn, mở tài khoản ngân hàng, đăng ký nhập học/làm việc, ký hợp đồng thuê nhà và đặt cọc, mua sắm các vật dụng cần thiết…

 

Để mọi việc vận hành trơn tru, tôi luôn ghi rõ những thứ cần làm trong một danh sách rồi đánh dấu thứ tự quan trọng cho từng việc, nhằm ưu tiên làm trước những công chuyện gấp rút. Chẳng hạn, để mở tài khoản ngân hàng thì phải có thẻ cư trú dài hạn và giấy chứng nhận việc làm, như vậy thì tôi sẽ xin thẻ cư trú trước rồi mới quay sang làm thẻ ngân hàng (chứ không phải đi ngược lại trình tự, vì nếu không sẽ không được việc).

 

Tiền và giá trị của đồng địa phương

 

Lúc mới sang một nước nào đó, bạn sẽ không thể làm quen ngay với tỷ giá địa phương và điều này sẽ khiến bạn rơi vào hai tình huống: khư khư giữ tiền không dám ăn tiêu gì cả vì nhìn đâu cũng thấy đắt đỏ, hoặc là “nướng” tiền vô tội vạ vì thấy mọi thứ rẻ quá so với tiền đồng.

 

Để có thể làm quen dần, bạn hãy vào ra các siêu thị, ngắm nghía các cửa hàng, trò chuyện với người dân bản xứ để tìm hiểu về mức sống địa phương rồi tự đưa ra cho mình một mức chi tiêu hợp lý.

 

Một điều cần lưu ý nữa là hãy loại bỏ dần việc quy đổi giá cả qua vietnam dong vì việc này vừa mất thời gia vừa khiến bạn chẳng dám chi tiêu/hoặc chi “quá chén”.

 

Kết bạn ngay và luôn

 

Những người bạn, đặc biệt là dân bản địa hoặc những người đã sống lâu năm ở nơi bạn mới đến sẽ là nguồn thông tin hữu ích cho tất tật những vấn đề mà bạn có thể phải đối diện trong cuộc sống.

 

Hãy hỏi họ về những cửa hàng nơi bạn có thể mua món này hay món kia, tiệm ăn nào nên thử, món nào nên nếm cho bằng được, các phương án di chuyển trong thành phố hay cả những vấn đề liên quan đến văn hóa, tập tục của địa phương.

 

Đã gọi là bạn, tức là họ không chỉ “có ích” ở khâu giải đáp thắc mắc, mà còn là nơi chia sẻ buồn vui của bạn ở điểm đến mới và còn là những người mà bạn “sống chung” trong quãng thời gian tới.

 

Nhưng, có bạn rồi không có nghĩa là lúc nào cũng sẵn sàng rút điện thoại ra “nhờ người thân trợ giúp”. Bạn phải đọc thật nhiều để đúc rút thông tin cho mình. Đọc từ tờ báo địa phương đến tờ rơi nơi siêu thị, từ sách lịch sử đến quyển cẩm nang du lịch, từ trang web của trung tâm thành phố đến cả trang Facebook của đồng nghiệp… Vì đây là cuộc sống (mới) của chính bạn, và không chắc là bạn có thể tìm được một người bạn hợp cạ ngay những ngày đầu mới đến…

 

Nguồn: Workandtravel

Share.

Leave A Reply