Các phần hồ sơ thực sự có ý nghĩa khi xin học bổng Mỹ

0

SSDH – Cứ mỗi lần nhìn các bạn chia sẻ điểm rồi thành tích lên nhóm rồi hỏi em cần gì nữa là mình lại cảm thấy hoa hết cả mắt. Mình qua rồi cái tuổi sẽ cảm thấy ghen tị hay áp lực trước những thành tích mà các bạn đạt được. Nhưng nếu các bạn hỏi phải thêm gì, thì mình sẽ nói các bạn cần thêm cá tính?

147bb78d-601f-464b-9a64-00357d556417

TRƯỜNG XÉT HỌC BỔNG DỰA TRÊN TIÊU CHÍ NÀO

Rất nhiều bạn thấy kì quặc khi nhìn hệ thống xét tuyển ở Mỹ. Có những hồ sơ điểm cao chót vót, có những hồ sơ điểm không cao cũng được vào? Những hồ sơ điểm cao thì các bạn: “À ừ. Cái bạn đấy giỏi.” Còn điểm không cao thậm chí thấp hơn trung bình trường, nhiều khi cho các bạn hi vọng hơi hão là “Kể cả hồ sơ mình không có gì thì vẫn được.”
Thực ra, các trường xét hồ sơ tổng quan hơn điểm chác rất nhiều. Tiêu chí cao nhất mà các trường dùng để xét học bổng chính là: “Liệu cái bạn này sau khi học có khả năng đóng góp được nhiều cho xã hội và đất nước hay không?” Vậy làm sao để dựa trên từng phần và tổng hợp hồ sơ để xét ra tiêu chí đó? Phải có tâm thì mới muốn đóng góp, phải có tài thì mới có thể đóng góp và phải có tầm thì mới đóng góp được nhiều

BÀI LUẬN (PS, SOP, SAI)

Phần này thực sự dùng để xét cái tâm của ứng viên. Người xét tuyển muốn đọc xem ứng viên từng trải qua những gì, những trải nghiệm đó trở thành động lực của ứng viên như thế nào, vượt qua khó khăn ra làm sao, làm những gì để kiên định với lựa chọn của mình.
Lựa chọn của ứng viên trong phần này không thể là sự lựa chọn ích kỉ kiểu vì em thích vẽ, em thích tâm lý học mà phải là sự lựa chọn mở rộng và có ích cho đời như kiểu:
  1. Em thích nghệ thuật vì có lần em biểu diễn trước người nghèo, em thấy dù em không có tiền nhưng âm nhạc có thể làm mọi người đều lạc quan. Nên em nghĩ có kiến thức về nghệ thuật để có thể tiếp tục mang tiếng hát đến những miền quê, biểu đảo nơi xa xôi của tổ quốc.
  2. Em thích làm Hướng đạo sinh, vì khi tham gia nó, em không chỉ rèn luyện kĩ năng sống mà còn được giao tiếp, nói chuyện và tâm sự với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Khi đó em nhận ra là em may mắn thế nào, và cân nỗ lực thế nào nữa để có thể giúp những bạn có hoàn cảnh tệ hơn em có điều kiện được tiếp xúc với kiến thức mới.
Động lực của ứng viên cũng nên là một câu chuyện thể hiện quyết tâm cao độ như:
  1. Nhà em bố say rượu và mẹ cố gắng làm việc nhưng rất nghèo. Để được đi học đại học em phải làm 2 việc một lúc và em trai em vì không được phải đi học thêm nên em phải kèm em học nhà. Nhưng em biết rõ giá trị của tri thức nên vẫn cố gắng từng ngày – Với bạn này không cần nhắc điểm. Điểm nếu có hơi thấp mà làm được rất nhiều việc cho gia đình thì người ta vẫn đánh giá đây là một người mạnh mẽ, có tâm và có tài hơn người.
  2. Em muốn đi tham gia Hướng đạo sinh nhưng mà bố mẹ lại luôn tập trung hơn vào điểm cao hơn ở lớp. Để được tham gia hoạt động em yêu thích, em đã phải đặt cược với bố mẹ rằng: “Bố mẹ con con thử 2 tuần, con hứa rằng con sẽ đảm bảo điểm trên lớp, và vẫn tham gia hoạt động. Còn nếu con không đảm bảo được thì con không được tham gia nữa” Điều đó có nghĩa là có những hôm em phải thức trắng đêm để vừa lo điểm vừa đạt hoạt động. Cuối năm đó thành tích điểm em cao nhất khóa nhưng hoạt động cũng được đảm bảo cho khóa sau tiếp tục tham gia.” – Lưu ý là nếu điểm thấp vì mải hoạt động thì lại chứng minh mình năng lực có hạn, nhưng điểm vẫn cao hoạt động vẫn tốt thì đó là con người đáng ngưỡng mộ.
Lỗi sai thường rất lớn trong phần này là dùng nó để khoe lại thành tích mà người ta có thể đọc được trong sơ yếu lý lịch (CV) rồi bảng điểm. Lỗi khác dùng các khái niệm của Việt Nam mà Mỹ khó liên hệ. Ví dụ khi dịch nhóm Hướng đạo sinh thì nhiều bạn dịch thành “scout group”. Trong khi nếu muốn Mỹ liên hệ tốt hơn thì phải dùng “scout troop”. Rồi một số bạn dùng từ khi dịch từng từ một thì bị nhảy sang sắc thái tiêu cực. Ví dụ như một người muốn miêu tả sự lựa chọn kì lại của mình thì dùng từ “weird” hay “strange” như từ dùng tốt hơn có thể là từ “uncommon”. Nói chung nói lỗi sai bài luận thì nhiều lắm nhưng mà SOP là chỗ để thể hiện cái “tâm”, vì thế lỗi lớn nhất vẫn là dùng cái này để khoe rằng tôi giỏi, tôi tốt, tôi có khả năng.

ĐIỂM TRUNG BÌNH MÔN HỌC (GPA) VÀ ĐIỂM SAT/ GMAT/ GRE:

Đây là điểm tổng hợp qua nhiều năm học của bạn tại trường và nước sở tại. Trường thường so tương đối điểm này của bạn với những bạn nộp đơn cùng năm mà đến từ cùng trường hoặc nước để đánh giá xem bạn “thực sự có năng lực” để đóng góp cho xã hội tại nước sở tại hay không. Cái này chính là chữ tài trong tâm tài tầm.
Vì vậy, trừ khi bạn có một bài luận cực kì xuất sắc và hợp lý, nêu rõ ràng được:
  1. Bạn đã phải vượt khó để học tập như thế nào (do bệnh tật, hay hoàn cảnh gia đình)
  2. Bạn đã thử cách học mới như thế nào, nên điểm có phần hơi thấp
  3. Bạn đã từ không quyết tâm học những năm đầu lên quyết tâm học ở những năm cuối như thế nào vì tìm được mục đích cao cả hơn cho xã hội.
Thì người ta nhìn chữ tài của bạn thông qua điểm GPA rất nhiều. Nhưng điều này cũng không có nghĩa là hoàn cảnh bạn khó khăn thì người ta sẽ thương hại và cho bạn học bổng. Họ sẽ nhìn vào người này đã vượt khó một cách ngoạn mục như thế nào để giữ điểm ở mức ổn. Những người có khả năng vượt khó như vậy khi được tạo điều kiện sẽ còn tiến xa hơn rất nhiều cái điểm phẩy hiện tại.
Nếu điểm SAT/ GMAT/ GRE của bạn cao vượt trội so với GPA thì ví dụ về bài luận nói về “thử cách học mới” sẽ rất hiệu quả. Vì SAT/ GMAT/ GRE chênh quá nhiều với điểm phẩy cho người ta thấy rằng GPA không phản ánh hoàn toàn năng lực của bạn mà chỉ đơn giản là bạn không hợp với cách học truyền thống tại Việt Nam thôi. Còn nếu cả SAT/ GMAT/ GRE cả điểm GPA đều thấp mà bạn kêu bạn không hợp, thì người xét tuyển chỉ đánh giá bạn là yếu kém mà thôi
Cả GPA, IELTS và SAT/ GMAT/ GRE chỉ thực sự được dùng để đánh giá điểm sàn khi bạn xin vào một trường, vì vậy quan trọng nhất vẫn là liệu bài luận có thể cứu được bạn nếu điểm của bạn không thể hiện rõ năng lực và cái tâm của bạn không.

CÁC LOẠI ĐIỂM SAT II, AP, IB, GIẢI THƯỞNG:

Cái này để vừa đánh giá tài vừa đánh giá quyết tâm học hành của bạn. Chỉ những người có quyết tâm hoặc có năng lực cao vượt trội thì mới vượt qua yêu cầu hồ sơ tối thiểu của trường để có thể học thêm và làm thêm những phần này. Hầu hết những bạn nộp trường top 10 đều có những mảng này. Nhưng nếu một người có thể chứng minh được mình vượt khó thế nào để có thể được học hành, và vẫn học tốt thì hồ sơ vẫn được đánh giá cao tương tự

HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA (CHO HỌC BỔNG ĐẠI HỌC):

Giấy chứng nhận thực sự không có mấy ý nghĩa. Mỹ là một đất nước in bằng khen liên tục, chỉ để động viên các bạn trẻ tiếp tục tham gia các hoạt động thật nhiều và thật tích cực. Những giấy chứng nhận kiểu như của Liên hợp quốc, hay các tổ chức phi chính phủ lớn thì được bên xét tuyển liếc nhiều hơn một lần.
Giải thể thao với Mỹ cũng vậy, tuần nào các trường phổ thông Mỹ cũng có sự kiện thể thao, nên giải đông giải tây giải trời giải biển, họ cũng không quan tâm lắm. Trừ khi bạn có giải Olympic hoặc Seagame mà trường có đội tuyển đúng môn thể thao mà bạn tham gia.
Vậy thực ra xét ngoại khóa là xét gì? Xét ngoại khóa là để xem nó có phù hợp với những gì bạn nêu trong bài luận (dù là định hướng hay quyết tâm):
  1. Ví dụ, có những bạn quyết tâm học, phải đi làm thêm 2 việc nhưng vẫn giành thời gian dạy thêm cho những bạn khó khăn hơn mình. Đấy thể hiện tiềm năng của một người khi vượt qua khó khăn thì sẽ đóng góp được rất nhiều cho xã hội.
  2. Trong trường hợp khác, có bạn muốn học ngành hóa nhằm nghiên cứu nhiều về thuốc cho bệnh nhân, vì mẹ bạn bệnh, thì hoạt động ngoại khóa mà bạn ấy có giải về điều chế chất chống ung thư từ một cây gì đó lại rất hiệu quả.
  3. Hoặc một bạn muốn học ngành Dịch vụ cộng đồng, mà bạn ấy thường xuyên tham gia tổ chức quyên góp từ thiện, đi chụp ảnh cưới cho người nghèo cũng tốt.
  4. Một bạn muốn học ngành nghệ thuật điêu khắc mà nói nghệ thuật chạm đến tâm con người, thì những hoạt động kiểu như đi nặn tò he cho các em miền núi lại hiệu quả hơn.
Nói chung, hoạt động ngoại khóa chỉ thực sự hiệu quả khi nó liên quan đến mục đích học của bạn còn mọi loại bằng khen đều không thực sự có ý nghĩa.

KINH NGHIỆM LÀM VIỆC (CHO THẠC SĨ TIẾN SĨ):

Giống như hoạt động ngoại khóa, kinh nghiệm làm việc nên liên quan đến ngành xin học bổng. Nếu là chuyển ngành, thì trong bài luận phải nêu xem trải nghiệm gì trong lúc làm việc khiến mình muốn chuyển đổi ngành nghề.
Khó hơn hoạt động ngoại khóa, là kinh nghiệm việc làm trong CV nếu muốn hiệu quả thì bạn phải cho thấy mình có thăng tiến trong nhiều năm làm việc: Từ nhân viên lên trưởng nhóm lên quản lý cấp trung. Vì vậy nếu công việc của bạn nhảy ngang nhiều, người xét tuyển sẽ đánh giá là: “Bạn này không biết bản thân muốn làm gì.” Vì vậy để hiệu quả thì công việc cần có bền vững và có thăng tiến.
Nếu đã chẳng may nhảy ngang rồi thì CV thực sự phải liệt kê được những kĩ năng mới mà bạn đã rèn luyện để bạn trở thành 1 con người hoàn chỉnh hơn.
Có rất nhiều loại CV:
  1. Với Mỹ CV cho bậc đại học thường chấp nhận việc màu mè sáng tạo hơn
  2. CV thạc sĩ không vượt quá 1 trang và thể hiện nhiều thành tích có số má đàng hoàng (rất khó thêm kĩ năng cứng)
  3. CV thạc sĩ của châu Âu họ lại thích dài, nêu rõ trách nhiệm của bạn trong từng công việc
  4. CV thạc sĩ của Mỹ cũng có thể phân làm CV thường và CV Quant. CV Quant là CV mà bạn dùng để nêu kĩ năng của mình: từ các loại tiếng, các loại học lập trình kĩ năng cứng. CV quant sẽ nêu rõ học tiếng ở đâu, học lập trình ở đâu, bao nhiêu lớp, bao nhiều năm. Và nếu trường không yêu cầu CV quant mà mình nộp thì cũng coi như 1 điểm cộng
  5. CV quant cũng có thể dùng để nộp Tiến sĩ
  6. CV Tiến sĩ ở Mỹ thì thường dài, chỉ tập trung vào xuất bản, còn phần kinh nghiệm làm doanh nghiệp thì được phép viết vài dòng ở cuối. Tuy nhiên với những bạn chưa có kinh nghiệm nghiên cứu trước Tiến sĩ thì hoàn toàn có thể nộp CV thường như bậc thạc sĩ và nộp thêm bài viết mẫu (Mình viết blog về vấn đề chuyên ngành mình muốn xin Tiến sĩ cũng có thể dùng được để thay thế cho kinh nghiệm nghiên cứu)
Nói chung, CV dùng để xét về tài và tầm, một số kinh nghiệm nhỏ trong CV hoàn toàn có thể được lôi ra để khai thác thêm trong bài luận, nhưng cái gì đã liệt kê rất rõ trong CV rồi thì thôi, đừng có cố để mà lèn thêm vào trong luận nữa, chán lắm. Nhưng luận có thể kể về một câu chuyện mà mình ấn tượng và cảm động nhất trong quá trình làm việc. Những câu chuyện này không có trong CV nên sẽ thể hiện rõ con người mình hơn.

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC HOẶC PORTFOLIO THIẾT KẾ

Phần này thường dùng cho thạc sĩ chuyên môn hoặc thiết kế. Nhưng hầu hết các trường chỉ xét phần này không phải là tài năng mà là tiềm năng của ứng viên. Nếu một người có nghiên cứu trước tiến sĩ thì họ có vẻ thích nghiên cứu và học cũng có vẻ có tiềm năng. Nhưng mà nói thật, là nghiên cứu trước tiến sĩ của Việt Nam hầu hết trông như trẻ con tập viết với các thầy Mỹ, vì vậy 1 cái 2 cái được rồi, nhiều quá cũng chưa chắc có tác dụng mà ***nếu nghiên cứu không hợp ý thầy còn bị thầy phản lại nghĩ: “Cái bạn này khó dạy lại.” ***Tất nhiên nếu các bạn có bước đệm thạc sĩ tại các nước phát triển hơn Việt Nam trước khi học tiến sĩ Mỹ thì những nghiên cứu này có thể được đánh giá cao hơn.
Tương tự như vậy với portfolio, nhiều khi các thầy dùng để đánh giá trình độ nhưng phần nhiều hơn là các thầy muốn đánh giá tiềm năng và khả năng đào tạo lại. Vì vậy đừng có đầu tư quá sức vào mảng này dù nó có thể là một điểm cộng.
Như mình nói, ngoài nghiên cứu, các bạn có thể dùng những bài viết blog chuyên ngành để thay thế và thể hiện sự đam mê của mình với một ngành, cũng sẽ rất hiệu quả.

THƯ GIỚI THIỆU (LETTER OF REFERENCE – LOR)

Rất nhiều bạn không để ý đến thư giới thiệu và người viết thư. Thư giới thiệu của Việt Nam thường bị sáo rỗng và bệnh thành tích cao:
  1. Bạn này rất giỏi
  2. Bạn này rất nhiệt tình
  3. Bạn này thi được giải nọ giải kia do tôi hướng dẫn.
Thư giới thiệu hiệu quả thường rất cá nhân và có liên kết với CV cũng như thành tích nhưng không phải để nêu thành tích. Nó nhằm:
  1. Kể về một kỉ niệm mà thầy cô hoặc sếp có với ứng viên. Ví dụ, thầy cô kể về một lần có bạn đi học muộn và bị mắng nhưng về sau hỏi ra mới biết bạn này trên đường thấy một bạn mồ côi bị ngã xe. Bạn này dừng lại đưa vào bệnh viện nên mới học muộn. Cái này sẽ rất hợp lý nếu bài luận cũng viết vì tình cảm của ứng viên với người nghèo. Và nó có thể kết nối với CV ở sự kiện nào đó bạn này đã làm cho người nghèo.
  2. Sếp đi. Sếp có thể huyên thuyên về thành tích của một bạn nhưng sẽ không hiệu quả bằng sếp kể: “Con bé này lúc thi vào công ty tôi nó đến muộn. Nhưng nó vẫn hoàn thành bài sớm hơn người khác và tôi rất ngạc nhiên khi nó làm tốt nhưng vẫn khó chịu vì thái độ muộn giờ của nó. Hôm phỏng vấn tôi hỏi nó sao lại muộn. Nó nói, nó có việc cần hoàn thành gấp với công ty hiện tại, và tuy nó đang tìm việc mới nhưng nó phải có trách nhiệm với công ty hiện tại của nó đã.” Người xét tuyển qua câu chuyện này có thể hình dung được ứng viên là người có trách nhiệm với công việc như thế nào. Sau đó so lại với CV xác định xem người viết thư ở công ty nào, rồi mới đọc tiếp xem thành tích của đối tượng ở công ty hiện tại ra sao, có khớp với bài luận hay không
Vị trí của người giới thiệu có quan trọng không? Có. Nhưng nếu sếp tổng viết 1 cái thư chung chung thì thà sếp trực tiếp viết 1 cái thư mà có kỉ niệm, có tình cảm còn tốt hơn. Có những người có thể viết thư giới thiệu vô cùng hiệu quả như khách hàng thân thiết, các bạn cũng nên nghĩ đến.
Thường rất nhiều người không biết viết thư giới thiệu ở Việt Nam vậy nên bạn cũng có thể tự viết bằng cách hỏi họ nếu họ không có thời gian thì chỉ cần họ kể sơ qua về kỉ niệm sâu sắc nhất của họ với bạn để bạn tự viết và họ kí thôi. Điều này không có nghĩa là mình viết sai sự thật, chỉ đơn giản là mình viết hộ để họ đỡ tốn thời gian và đảm bảo thống nhất với câu chuyện trong bài luận của mình.
TẦM chính là ở chỗ thư giới thiệu dù mình không tự viết vẫn rất thống nhất với bài luận của mình. Mỗi thư giới thiệu có thể nói về một khía cạnh con người như trách nhiệm, giàu lòng nhân ái, giàu tài năng. Vì không ai biết hết con người chúng ta cả, nên ba thư giới thiệu nên là ba góc cạnh khác nhau thể hiện một con người hoàn chỉnh. Còn nếu ba thư đều nói chăm và ngoan thì vứt hết.
Riêng với người ở bậc học Tiến sĩ thì thư giới thiệu sợ còn quan trọng hơn các phần khác của hồ sơ. Nếu bạn đang đại học thạc sĩ Mỹ mà thầy bạn có tiếng trong ngành, thì thư giới thiệu cho bạn lên thạc sĩ sẽ là 1 trong những phần quyết định nhất. Nếu bạn đang học ngoài Mỹ thì trọng số về nghiên cứu khoa học cũng như viết thư giới thiệu bản thân với các trường mục tiêu cũng sẽ nặng nề hơn. Các bạn tự xem vào đó mà cân nhắc.

BÀI PHỎNG VẤN

Cuối cùng, một số trường sẽ có phỏng vấn. Và những câu hỏi phỏng vấn này thường rất cụ thể theo nghĩa: “Kể về một thất bại/ thành công hay điểm yếu của bạn.” Mỗi câu hỏi này đều đòi hỏi bạn phải có một câu chuyện riêng mà không có trong CV, bảng điểm, hay bài luận của bạn. Khó chính là ở chỗ nó vẫn phải có liên kết nhỏ nhỏ, hoặc kiểm chứng được về thời gian với hồ sơ chính.
Nếu bạn từng “làm giả” hay “nói dối” trong hồ sơ thì khi phỏng vấn rất dễ bị lòi ra. Vậy nên phải làm chính mình thì công việc này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. ***Mình đọc rất nhiều bài trên nhóm mà mình còn soi ra được câu trước câu sau đánh nhau chan chát thì những người làm xét tuyển nhiều năm họ nhìn một giây sẽ ra luôn. ***Vậy nên bạn vẫn luôn phải chuẩn bị tinh thần kể chuyện và đồng bộ hóa toàn bộ hồ sơ nhé.
Phỏng vấn còn rất nhiều góc cạnh mà có viết vài cái sớ cũng không hết

TỔNG QUAN HỒ SƠ

Cái này có lẽ chính là phần quan trọng nhất. Mình từng nhìn nhiều bạn điểm cao nhưng kêu thích hội họa, và hoạt động ngoại khóa thì toàn từ thiện, thư giới thiệu cũng chỉ chăm chăm nói về tâm lý. Nếu như vậy thì đâu có đi đến đâu được. Các bạn muốn được học bổng cao rồi còn học trường top cao nữa thì hồ sơ từ trong ra ngoài không chỉ phải đẹp mà còn phải nói lên một định nghĩa tổng thể và thống nhất nhưng NHIỀU GÓC CẠNH về con người bạn.
Nhiều bạn hỏi mình sửa bài luận, thư giới thiệu, và luyện phỏng vấn bằng tiếng Anh. Mình cười. Thực ra, các bạn luôn nghĩ vì nó bằng tiếng Anh nên nó khó. Mình thì lại nghĩ, bản thân các bạn không hiểu rõ bản thân mình muốn gì, không có câu chuyện cho từng thứ mình trải qua nên nó mới khó thôi. Mình luôn nói nếu viết tiếng Việt cảm động được lòng người thì lúc đó hẵng chuyển ngữ tiếng Anh. Tiếng mẹ đẻ chưa sõi, viết tiếng Anh đôi khi đang nghĩ mạch chuyện lại quay sang: “Từ này là từ gì ấy nhỉ?” thế là bay hết ý luôn.
Thêm nữa nhiều bạn có vẻ khó tính về lỗi lặp từ hay viết nhiều từ sáo rỗng quá. Thực ra bài luận không phải chỗ để thể hiện trình độ tiếng Anh, chỉ cần không sai chính tả, không sai cấu trúc, giọng văn lạc quan là đã được đánh giá cao rồi. Nếu bạn có một câu chuyện hay, và thêm một số từ (không nhiều) mang hàm nghĩa cao thì là một bài luận hiệu quả. Còn những bài mà từ ngữ kiểu “too gravely” “extremely”, nhiều tính từ quá thì thực ra lại là sáo rỗng và khó đọc. Vì vậy, hãy tập trung vào câu chuyện, tiếng Anh sẽ có người giúp được nhưng câu chuyện thì không ai cứu được đâu.
Chúc mọi người thành công và may mắn
SSDH (tác giả Jenny Hoang)
Share.

Leave A Reply