SSDH – “Bố mẹ phải biết thế nào là điều cân bằng giữa thế giới thực và thế giới số. Nếu không thì các con dễ bị tổn thương về mặt sức khỏe và tâm thần, thậm chí là gây hại”.
Trong buổi tọa đàm trực tuyến diễn ra vào tối 16/12 trên Báo Dân trí, hai chuyên gia giáo dục PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) và ông Bạch Ngọc Chiến – Phó Chủ tịch tổ chức giáo dục EQuest kiêm Phó Tổng giám đốc iSMART Education chia sẻ nhiều kiến thức hữu ích về nuôi dạy con dành cho các bậc phụ huynh.
Gen Z, Alpha là “người bản địa” kỹ thuật số
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, nhiều lĩnh vực đang chuyển đổi số, trong đó có giáo dục. Giáo dục đóng vai trò mang tới cơ hội kết nối và bình đẳng trong việc tiếp cận tri thức.
“Lúc này, người làm chủ kiến thức không phải là người thầy mà là người học sinh làm chủ hệ sinh thái kiến thức. Học sinh có thể tương tác với thầy, với bạn học, với chuyên gia và với kho dữ liệu cực kì khổng lồ.
Trong bối cảnh này, để các con học tốt và thành đạt trong tương lai, cần nhiều kỹ năng khác nhau. Lúc này tri thức không còn là điều quá khó khăn để chiếm lĩnh mà câu hỏi là làm thế nào để không chết đuối trong thông tin. Các con cần có kỹ năng sàng lọc thông tin: biết tìm kiếm, đánh giá, thẩm định, chắt lọc, phân tích và xử lý thông tin, trình bày thông tin cho người khác bằng ngôn ngữ của mình”.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, trong thời đại phát triển trí tuệ nhân tạo, cha mẹ cần phải học cách thức để trở thành một người cha mẹ có hiệu quả, kích thích phát triển tiềm năng cho con.
“Bố mẹ của trẻ em hiện nay thường là Gen X, thế hệ tị nạn kỹ thuật số, chỉ dùng các thiết bị điện tử với những chức năng cơ bản. Trong khi đó, các con thuộc Gen Z, Alpha là những người bản địa kỹ thuật số. Từ nhỏ, các con đã được hướng dẫn, sử dụng, tìm hiểu các ứng dụng. Để đồng hành với con, bố mẹ cần có một kế hoạch sống để cùng trải nghiệm ứng dụng hoặc xem các chương trình con thích thú.
Bố mẹ cũng cần hiểu tâm lý của con. Gen Z và A là thế hệ multi-task, làm nhiều việc cùng một lúc. Bố mẹ có thể thấy việc này có nghĩa là không tập trung nhưng phía con cái cho là bố mẹ làm việc quá chậm.
Để học trên môi trường mạng hiệu quả, đó là điều cả bố mẹ lẫn chuyên gia đều phải nghiên cứu tìm hiểu. Để con học hiệu quả và tập trung trên mạng thì chúng ta phải đưa ra nội dung học phải hấp dẫn, tò mò, các con được trải nghiệm khám phá.
Bố mẹ phải biết thế nào là điều cân bằng giữa thế giới thực và thế giới số. Nếu không thì các con dễ bị tổn thương về mặt sức khỏe và tâm thần, thậm chí là gây hại. Quá trình học trên mạng có thể tạo ra lỗ hổng khiến con tiếp cận với học liệu không phù hợp, người có thể bắt nạt con khiến con gặp phải một số nguy cơ”.
Giáo viên số sẽ thay thế giáo viên thật?
Thời đại AI, bố mẹ phải cân bằng giữa thế giới thực và thế giới số .Ông Bạch Ngọc Chiến nêu lên một số liệu đáng quan tâm. Đó là báo cáo của ngân hàng thế giới, tại Việt Nam, khi áp dụng robot AI, sẽ có 10-70% người lao động sẽ mất việc làm, nghĩa là 5-35 triệu người Việt sẽ thất nghiệp.
Ông Chiến tin tưởng rằng những công việc đòi hỏi thói quen lặp đi lặp lại sẽ biến mất trong tương lai.
Vì vậy, ông Chiến cho rằng: “Sẽ có công thức cho những công việc sẽ mất đi. Theo tôi, đó là những công việc lao động thủ công, không đòi hỏi kỹ năng phức tạp, không đòi hỏi kiến thức chuyên môn, có tính chất lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, có một việc không bao giờ mất. Đó là những công việc liên quan đến sáng tạo, liên quan đến cá thể hóa.
Trong giáo dục, nếu dạy theo cách cũ thì giáo viên số sẽ thay thế giáo viên thật. Trên thực tế, đã và đang xảy ra hiện tượng này. Có những thầy cô dạy livestream một buổi có một triệu người nghe trong khi có những người dạy không có ai nghe. Khi chuyển đổi sang hình thức học trực tuyến, học sinh sẽ chọn những giáo viên dạy hấp dẫn”.
Đồng tình với ông Chiến, ông Nam cũng cho rằng: “Giáo viên dạy học online cần có kịch bản khoa học, diễn xuất ấn tượng, có sự hài hước, điểm nhấn, luận điểm, chia nhỏ kiến thức. Trên mạng, thời gian tương tác cần chất lượng chứ không phải thời gian học kéo dài”.
Ông Chiến lấy ví dụ về việc nắm bắt hay không nắm bắt công nghệ 4.0: “Trong 2 năm gần đây, đại dịch Covid-19 khiến học sinh phải học online. Có một số cha mẹ cảm thấy vui khi được học cùng con, có nhiều thời gian gắn kết với con hơn. Bên cạnh đó, có những bậc phụ huynh mệt mỏi, phàn nàn với học online vì họ không có kiến thức về công nghệ thông tin.
Như vậy, trong cùng một vấn đề nhưng có người vui người mệt và sẽ có hai kết cục khác nhau cho hai kiểu phụ huynh”.
Theo ông Chiến, những điều cần thiết học sinh phải được giáo dục từ khi còn nhỏ đó là:
“Học ngoại ngữ: Tiếng Anh
“Một ngày số lượng kiến thức được tạo ra nhiều hơn 1000 năm trước cộng lại”. Những kiến thức khoa học công nghệ và nghệ thuật mang tính phổ biến cao được viết ở Tiếng Anh, kho học liệu bằng tiếng Anh cực kỳ lớn. Con người cần học Tiếng Anh để khai thác nguồn tài nguyên vô tận đó. Ưu tiên học Tiếng Anh so với các ngôn ngữ khác.
Giáo dục STEM: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học
Học STEM nên được thúc đẩy ở nhiều mức độ và nên trở thành quốc sách về giáo dục. Các cường quốc như Mỹ, Nhật đều đầu tư nhiều cho STEM nên họ có những bản quyền về phát minh, sáng chế hiện đại.
Thế hệ tôi không bứt phá vì không được giảng dạy nhiều về khoa học công nghệ trong khi được học quá nhiều về khoa học xã hội. Điều này không sai nhưng cần một liều lượng đầy đủ. Ngày nay, việc tập trung dạy cho con kỹ năng kiến thức về khoa học công nghệ là rất cần thiết. Đó cũng là lý do mà Trường trực tuyến iSMART Online School của chúng tôi lựa chọn đào tạo tiếng Anh thông qua Toán và Khoa học cho các em học sinh ngay từ bậc tiểu học”.
Hai chuyên gia cùng có chung nhận thức rằng sự phát triển của công nghệ nói chung và AI nói riêng đang đặt ra thách thức cho các bậc làm cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái. Các chuyên gia khuyên rằng cha mẹ cần giúp đỡ con cái rèn luyện kỹ năng phù hợp, nắm bắt xu hướng thị trường lao động trong tương lai, từ đó hoạch định nên những kế hoạch giáo dục phù hợp cho con cái.