SSDH- Bạn đang thắc mắc có nên chuyển nghành không ? Có hàng ngàn câu hỏi, khó khăn và áp lực khi đứng trước quyết định chuyển ngành. Vậy thì làm sao để quyết định? Hãy cùng SSDH SSDH giải đáp những thắc mắc này qua bài chia sẻ của bạn Quynh Hoang nhé !
Tham khảo:
Thắc mắc du học Canada – Lời khuyên từ chuyên gia
Yêu cầu Tiếng Anh đầu vào của các Trường Đại học ở Anh?
Xung quanh mình có khá nhiều câu chuyện với cú chuyển ngành khá gắt. Một bạn học Research Master với mình nhưng thiên về Television, ra trường đi học code 3 tháng và giờ làm Developer. Một bạn khác đang làm Tiến sĩ Kinh tế thì rẽ sang học lại Master về Data Science, hiện bạn đang là một Data Scientist khá thành công. Tương tự, một bạn đang học Master’s Marketing và đã có dày dạn kinh nghiệm làm Marketing trong các tập đoàn FMCG, tự học thêm ở ngoài và lấy chứng chỉ Power BI để giờ đây làm Business Analytics trong tập đoàn về tài chính. Cú chuyển ngành choáng nhất là một bạn có bằng Đại học về ngành xã hội ở VN, chấp nhận bỏ hết làm lại từ đầu để theo đuổi đam mê mới là AI, bạn học lại từ Bachelor và giờ đã học xong Master’s AI (Natural Language Processing) ở Đức, đi thực tập ở một tập đoàn rất lớn về công nghệ, và giờ chuẩn bị bay sang Ireland làm PhD.
Những câu chuyện mình kể trên đều là các bạn Việt Nam ở nước ngoài. Nếu chuyển ngành ở trong nước khó 1 thì có lẽ ở nước ngoài khó 10 vì bạn phải học chuyên ngành mới và tạo network ở một đất nước khác, nói thứ tiếng khác. Chưa kể còn cả áp lực xã hội và có thể là áp lực gia đình. Trong khi bạn bè đồng trang lứa học xong đi làm, và có khi đã làm đến ông nọ bà kia thì mình lại xách sách vở đi học lại từ đầu, tương lai chưa biết thế nào. Bố mẹ có khi cũng sốt ruột, sợ con theo ngành mới không nổi, mà bố mẹ cũng chả hiểu cái ngành này nó là gì, liệu học xong có ai mướn không. Có hàng ngàn câu hỏi, khó khăn và áp lực khi đứng trước quyết định chuyển ngành hay không. Vậy thì làm sao để quyết định? Mình nghĩ có những điều sau đây cần cân nhắc:
1. Động lực chuyển ngành của bạn là gì?
Có thể là vì thị trường lao động đang có nhu cầu cao về công việc này. Hoặc ngành học mới sẽ cho bạn nhiều cơ hội tốt hơn, thu nhập hấp dẫn hơn. Hoặc bạn thấy mình không phù hợp với ngành đang học và làm, với ngành học mới bạn thấy thú vị và phù hợp với tính cách của mình hơn. Nhưng dù thế nào bạn cũng cần một động lực đủ mạnh vì theo đuổi một thứ gì đó mới cần rất nhiều kiên trì và nỗ lực. Vậy trước hết mình cần trả lời câu hỏi tại sao mình muốn chuyển ngành? Nếu bảo bạn bỏ hết tất cả để làm lại từ đầu, bạn có chấp nhận theo đuổi nó không? Nếu bảo bạn cần học vất vả gấp đôi người khác, bạn có chịu không? Đặt ra những câu hỏi này có thể làm bạn chùn bước, nản chí. Nhưng nó là những câu hỏi cần thiết để bạn xác định được động lực mạnh mẽ bên trong. Trả lời được một cách thuyết phục và tự tin những câu hỏi này, bạn sẽ vượt qua được những khó khăn, trở ngại, và nỗi sợ trước mắt.
2. Bạn có phù hợp với ngành mới này không?
Đây có lẽ là câu hỏi còn khó trả lời hơn cả câu trước. Vì bạn chưa làm thì sao biết mình có phù hợp hay không. Nhất là với các bạn đã “qua một lần đò”. Cũng như người đã từng thất vọng vì người trước không phù hợp với mình, nay gặp người yêu mới nhìn rất hấp dẫn, dễ thương nhưng không dám chắc người ấy có phù hợp với mình không. Bạn đã từng tâm huyết, tự tin theo đuổi một ngành học, nhưng đến lúc gần học xong hoặc đã ra trường đi làm mới thấy không hợp, không yêu. Vì thế cân nhắc chuyển ngành không chỉ dựa trên cảm tính mà cần cả lý trí. Cũng giống như chọn chồng, chọn vợ. Đừng chỉ nhìn vào những gì hào nhoáng bên ngoài và thấy người khác đam mê với ngành đó quá mà nghĩ rằng nó thú vị và chắc mình cũng sẽ thích nó. Cách tốt nhất để trả lời câu hỏi này là “dấn thân”. Nếu bạn đang đi làm và muốn chuyển ngành, hãy ít nhất đi học một vài khóa, tự phát triển dự án cá nhân hoặc làm một số job ngắn hạn liên quan. Không có bài test, quiz nào hiệu quả bằng sự dấn thân cả.
3. Tìm hiểu kỹ về ngành mới trước khi quyết định
Bạn nên hiểu rõ các hướng đi, nhánh nhỏ của ngành. Bạn có thể lên LinkedIn để đọc các job description và xem họ thường có những yêu cầu về kỹ năng, bằng cấp, kinh nghiệm ra sao. Liệu có hướng đi nào mà bạn vẫn tận dụng được những kinh nghiệm, kỹ năng đã tích lũy trong thời gian qua không? Bản thân mình cũng đã trải qua khá nhiều công việc khác nhau. Ngành học Bachelor của mình là Communications và mơ ước lúc mới vào học của mình là Copywriter. Nhưng chương trình học lại thiên về PR hơn, càng học mình càng thấy không phù hợp nhưng cũng chưa xác định hướng đi. Khi ra trường, trong khi hầu hết bạn bè đi làm Account công ty quảng cáo hoặc làm trong phòng Communications các doanh nghiệp thì duyên số lại đưa mình vào làm quản lý dự án các dự án công nghệ, phần mềm. Công việc đầu tiên của mình cũng có một chút dính líu đến truyền thông vì mình làm trong cơ quan báo. Các sản phẩm công nghệ, phần mềm thì thực ra cũng có nhiều yếu tố truyền thông trong đó, cũng phải biết cách phân tích tâm lý người dùng để thiết kế sản phẩm, tính năng, nội dung cho phù hợp. Vì thế mà dù không xuất phát từ background công nghệ, mình lại có sự nhanh nhạy và sáng tạo của người học truyền thông làm lợi thế. Trước khi kết thúc bài mình xin kể câu chuyện vì sao mình bỏ dở ước mơ làm Tiến sĩ. Khi đi du học Hà Lan, dự định của mình là học lên PhD, Postdoc rồi đi dạy ở trường Đại học. Vì vậy mà mình đã chọn học Research Master để con đường lên PhD dễ dàng hơn. Mình không hề hối hận vì lựa chọn đó, vì thực sự mình là đứa rất đam mê học và nghiên cứu. Học Research Master mình được học gấp đôi, thậm chí gấp ba (vì mình còn làm thực tập cho Giáo sư và chăm đi thuyết trình Hội thảo) chương trình bình thường, mình được vẫy vùng trong bể kiến thức vô tận và tiếp xúc gần với nhiều Giáo sư rất nổi tiếng. Cái hay của việc học ở Hà Lan là khoảng cách giữa các Giáo sư và sinh viên khá gần gũi nên mình được mở ra nhiều cơ hội. Thế nhưng càng đi sâu vào thế giới học thuật mình càng thấy con đường làm PhD không phù hợp với mình. Mình thích ứng dụng nghiên cứu, suy nghĩ của mình vào thực tế và làm ra ngay cái gì đó có ích cho xã hội. Nhưng con đường học thuật thường không dành cho những người thiếu kiên nhẫn như thế. Những điều bạn nói, bạn đấu tranh, hay tìm ra, có thể mất nhiều năm mới đi vào thực tế được. 5 năm cho một công trình nghiên cứu không biết ứng dụng đến đâu là quá dài đối vời mình. Tuy vậy, mình vẫn lưỡng lự không dám từ bỏ vì dù gì cũng đã đầu tư rất nhiều cho nó. Vì thế mình vẫn tiếp tục chăm đi hội thảo, hỏi mọi người mà mình gặp xem mình có nên làm PhD không vì gia đình, bạn bè mình không ai có kinh nghiệm để cho lời khuyên cả. Các bạn Tây thì thường ngại cho người khác lời khuyên lắm và hoàn cảnh các bạn cũng khác. Mình may mắn gặp một chị Associate Professor người Việt ở Hà Lan đồng ý gặp nói chuyện riêng. Dù chỉ nói chuyện với chị 15-20 phút, chị đã giúp mình cởi bỏ hết những hoài nghi, trả lời được những câu hỏi không ai giúp mình vì không cùng hoàn cảnh. Thực ra chị chỉ hỏi mình 2 câu thôi, mình trả lời chị xong là tự có câu trả lời cho mình luôn. Thế là mình từ bỏ con đường PhD dù Giáo sư nhận xét mình hoàn toàn có khả năng làm PhD (nhận xét này cũng làm mình suy nghĩ dữ dội). Nhưng giờ mình làm startup giáo dục ở Hà Lan , xuất phát từ chính những khó khăn mình đã trải qua và vẫn được sống với niềm đam mê học thuật, giáo dục, lại sử dụng được tất cả mọi kỹ năng, kiến thức mình đã tích lũy hơn 10 năm qua. Vậy nên chìa khóa cuối cùng để trả lời câu hỏi có nên chuyển ngành hay không là hãy tâm tình, hỏi chuyện thât nhiều những người đã, đang làm trong ngành mà mình muốn làm. Mentor, người đã đi trước trong ngành thực sự quan trọng. Mentor như người dẫn đường để mình đi nhanh hơn trong một lĩnh vực nhất định nào đó. Mentor không nhất định phải là người lớn tuổi hơn mình mà là người có trải nghiệm hơn mình ở lĩnh vực mà mình muốn tìm hiểu. Các bạn trẻ mà có mentor ngay từ khi học đại học là phát triển tốt lắm. Còn bạn, bạn có cần mentor không? Nếu gặp được người có thể cho lời khuyên nghề nghiệp thì hãy nhất định bám lấy người ấy nha
Tác giả : Quynh Hoang