Vì sao điểm thi Tiếng Anh không phản ánh hoàn toàn khả năng giao tiếp thông dụng và học thuật ?

0

SSDH- Mình có một người bạn 8.0 IELTS academic. Khi mới sang Mỹ, bạn ấy học rất vào nhưng luôn băn khoăn hỏi mình về cách tranh luận với các bạn trên lớp. Bạn ấy nói rằng nhiều khi nghe ý kiến của các bạn Mỹ không hợp lý lắm, “cấn cấn” nhưng nói không sao ra nhẽ.

Xem thêm: 
Ngược lại, có một bạn học trò của mình, điểm có 6.5 thôi nhưng lại tự tin trong mọi hoàn cảnh, từ trong lớp đến đi phỏng vấn xin việc. Đi đến đâu, thành công tới đó. Việc này là sao vậy?
Một, Tiếng Anh học thi đề ( Test) chuẩn thường hay thiếu bối cảnh 
Những đoạn nghe trong IELTS có độ phức tạp từ thấp đến cao. Người nghe càng thông thạo từ vựng và luyện cấu trúc nhiều thì có thể đoán được ý nghĩa cũng như hướng đi của toàn bài mà không cần hiểu từng từ từng chữ.
Nhưng với dung lượng thời gian của một bài thi, tất cả những bài nghe này đều không thể đăt người nghe vào một bối cảnh (context) quá sâu sát:
  • Thông thường, nó chỉ là một văn cảnh chung chung như giáo viên giảng một kiến thức có vẻ chuyên sâu nào đó cho sinh viên.
  • Kể cả kiến thức này có 1 chút thiên hướng về y học, kinh tế hay kỹ sư thì nó cũng chỉ là những thông tin thông dụng như kiểu hướng nghiệp mà người không có chút kiến thức gì về ngành cũng có thể nghe lần đầu là hiểu.
Còn bối cảnh khi giao tiếp trong thực tế ở một quốc gia nói tiếng Anh thì hoàn toàn khác. Bỏ qua tiếng lóng và cấu trúc giao tiếp của người bản địa:
  • Trong mỗi lớp học hoặc môi trường giao tiếp, mỗi sinh viên đều có quan hệ với những sinh viên khác tạo thành những nhóm dù chính thức hay không chính thức.
  • Việc hình thành những nhóm này tạo ra cấu trúc rất riêng cho việc giao tiếp trong từng lớp vì mỗi nhóm sẽ có cách giao tiếp riêng với nội bộ, và cách giao tiếp hơi khác với bên ngoài. Hãy tưởng tượng nhóm bạn của bạn ở Việt Nam có khi nói với nhau 1 từ thì hiểu còn người ngoài thì gãi đầu. Ở nước ngoài cũng vậy, cái khác là bạn không lớn lên trong văn hóa của họ nên không đọc được ngay.
  • Sự phân biệt giữa giao tiếp trong nhóm và ngoài nhóm cũng như nhóm khác nhau tạo ra những bối cảnh xã hội riêng mà những bài kiểm tra chuẩn với môi trường phòng thí nghiệp sẽ không mô phỏng được.
Bởi vậy, việc ra nước ngoài giao tiếp được tốt lại do đọc được bối cảnh tốt chứ chưa hẳn là do làm bài thi tốt. Cái bạn 6.5 thành công rực rỡ ở trên chính là như vậy, bạn ấy tuy từ vựng có thể không bằng người bạn 8.0 nhưng về va chạm cuộc sống và kinh nghiệm với chuyên ngành bạn ấy học nhiều hơn nên giao tiếp tốt hơn trong chính chuyên môn của bạn ấy.
Hai, phản ứng dịch hai chiều khi mới sang cũng ảnh hưởng rất nhiều
Bạn 8.0 thực tế cũng rất nhiều kinh nghiệm nhưng khi nói chuyện với bạn ấy lâu thì mình phát hiện ra bạn ấy bị thói quen dịch hai chiều:
  • Nghe tiếng Anh, trong đầu có thể hiểu thẳng bằng tiếng Anh nhưng lại dịch ra tiếng Việt.
  • Khi có câu trả lời bằng tiếng Việt rồi thì dịch ngược sang tiếng Anh để trả lời.
Thói quen này nằm trong vô thức chứ bạn không hoàn toàn ý thức được:
  • Nó được hình thành từ việc luyện tiếng Anh trong môi trường hàng ngày nói tiếng Việt. Khi thói quen của bạn là tiếng Việt, bạn nằm mơ bằng tiếng Việt, thì vô thức bạn sẽ dịch mọi thứ sang ngôn ngữ mà mình cảm thấy thoải mái hơn.
  • Khi làm bài kiểm tra chuẩn, vì những bài này được thiết kế trong môi trường phòng thí nghiệm, thói quen dịch đi dịch lại trong đầu này có tác dụng giúp người thi tự tin hơn mà không tốn thời gian hơn bao nhiêu.
  • Bởi thế, khi sang đến môi trường tự nhiên của ngôn ngữ thói quen này tiếp tục phát huy.
Thế nhưng nó lại là lợi bất cập hại:
  • Dịch đi dịch lại một hai đoạn thì não chỉ mêt lúc thi. Còn nếu làm thế cả ngày thì cuối ngày não kiệt sức, không làm được gì khác.
  • Thói quen dịch cũng làm cho một người giao tiếp chậm hơn. Trong IELTS thì nghe ra nghe, nói ra nói nên thật ra không bị yêu cầu phải phản ứng lại với tốc độ cao như môi trường giao tiếp thật. Bởi thế nếu dùng thói quen dịch này, đến lúc bạn nói được thì người ta đã chuyển sang chủ đề khác rồi.
  • Môi trường giao tiếp thật không phải từng người nói từng lượt mà nhiều người nói một lúc. Khi bạn dịch bạn thường chỉ tập trung được vào một người mà chính sự tập trung này làm bạn không thể hiểu được bối cảnh chung.
Vì thế, ít nhất hãy ý thức được thói quen này để bỏ nó dần đi nhé. Thật ra vô thức khi ý thức được là 1 nửa đường đi rồi.
Có bạn hỏi, nếu hàng ngày đã giao tiếp với người nước ngoài ở Việt Nam thì có giúp gì không?
Có. Nếu bạn đang làm sẵn trong môi trường quốc tế, giao tiếp tiếng Anh hàng ngày thì thói quen dịch có thể không quá nặng nề. Thế nhưng với vấn đề đọc bối cảnh thì không hẳn:
  • Người nước ngoài ở Việt Nam (kể cả bản địa) cũng nói chậm hơn vì họ cũng ý thức là mình đang giao tiếp với người không nói tiếng Anh.
  • Ngoài ra họ cũng nhập gia tùy tục nên nhiều cái họ nói đã cân nhắc văn hóa Việt Nam trước khi phát ngôn nên họ đặt họ vào bối cảnh của bạn rồi, bạn không phải điều chỉnh quá nhiều nữa.
Khi ra nước ngoài, những người bạn gặp sẽ không chủ động làm việc này mà ngược lại, bạn mới là người phải đặt mình vào bối cảnh của họ.
Vậy làm thế nào để đọc bối cảnh tốt?
  1. Mặt dày: Chai mặt thừa nhận với các bạn ấy rằng tôi không hiểu anh nói gì. Anh nói lại và giải thích cho tôi tại sao anh lại nói câu đấy được không?
  2. Kinh nghiệm: Điều này đặc biệt tốt với học tập bậc thạc sĩ với những chuyên ngành sâu. Nếu bạn chỉ đi học, chưa bao giờ đi làm thì bạn không bao giờ đoán được bối cảnh xung quanh những điều được dạy. Thế nhưng những bạn nhiều kinh nghiệm chuyên sâu lại hoàn toàn có thể ang áng những chủ đề liên quan khi xuất hiện liên quan đến cái mình từng trải qua
  3. Chuẩn bị trước và chuẩn bị gấp đôi: Như người bạn 8.0 của mình, mình đã khuyên rằng: “Bạn thử nghĩ theo lý luận của các bạn Mỹ trước rồi viết ra. Sau đó suy ngược ra tại sao các bạn ấy nói thế, gốc gác thế nào? Khi có lý do chuẩn rồi thì xem mình có thể thông cảm với các bạn ấy đến đâu rồi mới xây lý luận của mình.” Cách làm này tưởng chừng như vòng vèo nhưng thực sự khi mới sang nước ngoài, mình sẽ chưa đọc bối cảnh tại trận ngay được nên đây chính là cách tự đoán trước bối cảnh.
  4. Cuối cùng là tìm “Bạn đồng minh”: Dù ở bất cứ đất nước nào, bạn cũng sẽ tìm thấy những người cởi mở và thích tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Những người này sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn. Hãy nói thẳng với họ là giao tiếp của bạn còn chưa tốt, cần họ giúp. Và cách bạn trả công họ là dạy lại cho họ những điều hứng thú tốt đẹp về ẩm thực, văn hóa và con người Việt.
Mình nói những điều này để làm gì ? 
Có bạn nói IELTS 6.5 mà bài ở trên lớp đọc vẫn còn vất vả (đặc biệt là bài đọc kiểu trong chương trình thạc sĩ nghiên cứu và tiến sĩ) nữa là IELTS thấp:
  • Điểm sàn cho các chương trình kiểu này là 6.5 cũng có lý do riêng của nó. Nếu điểm quá thấp, từ cũng không đủ thì lấy sức đâu ra mà đoán. Đoán thì cũng phải đủ gốc để đoán một cách có cơ sở chứ không phải đoán bừa.
  • Thế nhưng qua mức sàn này, điểm cao hơn có thể thể hiện rằng bạn luyện chăm chỉ hơn người khác chứ chưa chắc đã thể hiện độ hiểu sâu thực sự với ngôn ngữ khi nó được đặt trong văn hóa của nó.
  • Thậm chí mình đã gặp rất nhiều bạn điểm 7.5 đổ lên, nghe không được trong một văn cảnh nhưng không nói ra. Cuối cùng lại thành khủng hoảng tinh thần và sốc văn hóa nặng hơn là những bạn tự công nhận mình không hiểu hết tiếng Anh từ đầu.
Thực sự mà nói, mình ở Mỹ bao lâu mà cách đây vài năm còn giật mình vì hàng xóm nói giọng miền Nam Mỹ đặc quánh, mình mất 6 tháng sau mới hiểu. Vậy nên các bạn đã qua sàn, đặc biệt là điểm cao khi sang nước ngoài nghe không hiểu thì đừng mất tự tin, mình chưa vào được bối cảnh lại có thói quen dịch quá lâu nên chưa thích ứng được ngay thôi.
Cuối cùng thì:
  • Mẹ mình tiếng Anh bập bõm, sang đây chém gió còn nhờ được một ông Mỹ chả quen biết gì chở xe về nhà khi điện thoại hết pin.
  • Chồng mình người Mỹ hẳn hoi, kiểm tra IELTS được 7.0. Xổ nguyên một câu, nhảm ghê, đâu ai bình thường nói chuyện như thế.
Thế nên bài kiểm tra chuẩn chỉ là tấm vé gửi xe, luyện giao tiếp thì còn nhiều ngóc ngách lắm. Cố lên nhé mọi người.
P.S.: Một bạn thi xong đợi điểm nhảy cẫng lên vì được 8.0 với một bạn chưa thi xong đã chắc chắn mình 8.0 là hai trình độ khác hẳn nhau nhưng nếu nhìn điểm thì cũng chỉ là 1 mà thôi. Theo bạn thì bạn nào sẽ giao tiếp tốt hơn?
Tác gỉa: Jenny Hoàng
Share.

Leave A Reply