SSDH- Chào mọi người. Lại là mình, Trang Lê, một du học sinh bậc Thạc sĩ với học bổng Think Big tại Đại học Bristol. Bên cạnh Uni of Bristol, mình cũng đã nhận được thư mời nhập học từ 10 trường khác tại UK.
Trước khi vào bài post, mình muốn chia sẻ lý do viết bài này:
Mình mong bài viết có thể giúp đỡ phần nào các bạn đang ấp ủ kế hoạch du học hoặc đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ vì mình thực sự hiểu nó vất vả và đôi khi ‘cô đơn’ thế nào. Mình đã được các anh/chị/bạn giúp đỡ trong hành trình khó khăn ấy (từ những post chia sẻ thế này hoặc kết nối trực tiếp) nên mình cũng muốn tiếp nối tinh thần ‘’Pay it forward’’ đó.
=> Lưu ý: Bài viết này dựa vào kinh nghiệm cá nhân của mình nên chỉ mang tính chất tham khảo.
Quá trình của mình được chia ra 4 bước. 2 bước đầu tiên dành cho các bạn chưa biết bắt đầu tìm hiểu du học UK, các cậu có thể xem trên trang cá nhân của mình. Bài viết này thuộc về 2 bước sau khi các cậu đã có danh sách các trường và ngành muốn học.
1. Đặc điểm chung của bộ hồ sơ
Với trải nghiệm nộp hồ sơ 11 trường (gồm cả khối Russell và ngoài khối), mình rút ra một số đặc điểm chung như sau:
-
Đều yêu cầu bằng tốt nghiệp, bảng điểm, CV, thư giới thiệu (2 thư), chứng chỉ ngoại ngữ. Một số ngành đặc thù sẽ yêu cầu thêm kinh nghiệm làm việc hoặc các chứng chỉ ngoại khóa.
-
Với các trường thuộc khối Russell, yêu cầu về điểm tổng kết và IELTS có thể cao hơn so với các trường khác. Ví dụ, cho bậc sĩ ở ngành Giáo dục tại trường mình, University of Bristol yêu cầu điểm tốt nghiệp trên 2:1 (upper second class honours), profile C cho trình độ tiếng Anh (IELTS trên 6.5, không kỹ năng nào dưới 6.5, mức profile cao nhất là profile A: 7.5 và không kỹ năng nào dưới 7.0). Cùng bậc thạc sĩ ngành Giáo dục, trường University of East Anglia (UEA) yêu cầu IELTS 6.0 và không kĩ năng nào dưới 5.5.
Vì vậy, với những bạn hướng tới các trường thuộc khối Russell, các cậu cần cố gắng và nỗ lực nhiều hơn để có thể đáp ứng đủ yêu cầu từ trường trước khi có thể nộp bài luận học bổng.
2. Bài luận cá nhân
Đây là một tài liệu cực kì quan trọng quyết định xem cậu có được nhận vào trường không và với một số chương trình học bổng của các trường như Durham University và University of Glasgow, nó quyết định cả việc bạn có được nhận học bổng không. Chính vì vậy, cậu nên đầu tư thời gian và tâm huyết để có thể viết một bài luận cá nhân rõ ràng và ấn tượng. Bài luận cá nhân tên tiếng anh là Personal Statement (PS) hoặc Statement of Purpose (SoP). Ở một số nơi, hai cách gọi này là cho một loại tài liệu nhưng cũng có nơi, hai bài này khác nhau. Trong trường hợp nộp hồ sơ đi UK, mình dùng chung hai tên này để chỉ bài luận cá nhân.
2.1. Bài luận cá nhân yêu cầu gì?
Bởi mình từng làm khóa luận tốt nghiệp về SoP và cũng từng viết 11 SoP nộp cho các trường, mình nhận ra những điều sau cần được thể hiện rõ:
[1] Bạn là ai, có background gì liên quan ngành bạn chọn
[2] Vì sao bạn lại chọn ngành đó và trường
[3] Kế hoạch sau khi tốt nghiệp là gì
[4] Bạn cống hiến được gì cho trường
-> Tóm lại là cậu cần thể hiện được cho admission team rằng: Tôi hiểu bản thân tôi có gì, muốn gì, cần gì và việc chọn trường là hệ quả tất yếu để tôi tiếp tục phát triển. Điều này quan trọng bởi cậu đi học bậc Thạc sĩ mà!
Dựa trên những yêu cầu này, bố cục của bài luận sẽ bám sát để trả lời những câu hỏi đó. Theo mình thấy thì phong cách bài luận của UK là straightforward, consistent, and concise (đi thẳng vào vấn đề, nhất quán và xúc tích). Cộng thêm việc một số trường giới hạn độ dài của một SoP (trong 1 trang hoặc nên max nhất là trong 2 trang). Do đó, nếu cậu có câu chuyện nào hoa mỹ hay muốn gây ấn tượng bằng một cú plot twist thì có thể cân nhắc lại nhé!
2.2. Các bước cần làm trước khi viết SoP
Mình không cho phép bản thân viết một bài luận và nộp cho tất cả các trường vì mình cảm thấy đó là sự thiếu trách nhiệm với thời gian và tương lai của bản thân. Mình thực sự cần tự tìm hiểu kĩ về nơi mình sắp đến để chuẩn bị tinh thần cũng như thích ứng nhanh với hoàn cảnh. Với tư duy này, trước khi bắt đầu viết bất kì SoP nào, mình theo các bước sau:
-
Bước 1: Đọc thật kĩ về khóa học (môn học, giảng viên, cơ hội nghề nghiệp,…) để từ đó mình biết mình yêu thích và mong đợi gì từ khóa học.
-
Bước 2: Đọc thật kĩ về trường (ngoài các xếp hạng, mình tìm ra đặc điểm riêng/ thế mạnh của từng trường)
-
Bước 3: Phân tích, đánh giá và chung hòa những gì mình tìm hiểu được với background của bản thân để viết một bài luận có sức thuyết phục
Mình muốn thể hiện với admission team rằng mình thực sự hiểu về nơi mình đến học và mình xứng đáng một cơ hội học tập.
2.3. Cách viết cho từng phần của một SoP
Mình sẽ cấu trúc phần này bám theo đánh số [1], [2], [3] và [4] ở mục 2.1.
-
[1] Bạn là ai, có background gì liên quan ngành bạn chọn?
Vì mình theo ngành Giáo dục nên mình nói về việc vì sao mình theo ngành này, mình đã làm những gì (thành tích) và trải qua những gì để tiếp tục theo đuổi Giáo dục.
-
[2] Vì sao bạn lại chọn ngành đó và trường?
Với lý do chọn ngành, mình sẽ đưa đánh giá và cảm nhận chung của mình về khóa học (các môn học và hoạt động trong các môn) và chúng giúp ích được gì để mình phát triển bản thân. Mình cũng tìm hiểu về các giảng viên dạy mình, đọc hướng nghiên cứu của họ và sẽ đề cập nếu mình cũng muốn theo hướng nghiên cứu đó.
Với lý do chọn trường, mình sẽ dành nhiều thời gian đọc website của trường từ cơ sở vật chất, các câu lạc bộ đến giải thưởng. Từ đó, mình chọn lọc ra vài điểm nổi bật nhất khớp với background và sở thích của cá nhân mình. Một lưu ý nhỏ là thành phố nơi trường tọa lạc cũng là vấn đề cần xem xét bởi có vài nơi với mình là ‘’hơi bùn’’ á. Mình chọn UoB cũng là vì Bristol là một thành phố phía Nam ấm áp hơn, đa dạng và cởi mở.
-
[3] Kế hoạch sau khi tốt nghiệp là gì?
Mỗi bạn sẽ có một kế hoạch riêng và kể cả cậu thực sự chưa biết mình định thế nào, hãy cố gắng cụ thể nhất có thể và gợi mở những hướng cậu nhắm tới.
-
[4] Bạn cống hiến được gì cho trường?
Thực ra phần này cậu không cần viết dài đâu, chỉ cần vài dòng cũng được. Cá nhân mình viết về việc mình trở thành đại sứ để trường của mình được biết đến nhiều hơn.
Trên đây là những kinh nghiệm của mình để xử lý bài luận học bổng. Với các bạn muốn rải đơn nhiều trường như mình, hãy đi từ những trường rank thấp nhất trong list cá nhân rồi mới nộp các trường mình mong muốn nhất. Lý do là bởi lúc đó bạn đã viết quen tay và hiểu dần mình cần cải thiện gì cho bài luận tiếp theo rùi.
3. Thư giới thiệu
Vì post đã khá dài rùi nên phần này mình xin phép viết ngắn gọn.
Thông thường, các trường sẽ yêu cầu 2 thư giới thiệu đến từ: giảng viên đã dạy bạn và quản lý của bạn ở nơi làm việc. Tùy vào mỗi trường mà bạn nộp 2 thư từ giảng viên hay 1 thư từ giảng viên và 1 thư từ quản lý.
Chính vì vậy, mình xin tổng 3 thư giới thiệu để có thể đáp ứng yêu cầu của các trường.
-
Vậy cậu nên xin thư giới thiệu từ ai và như thế nào?
Dù xin thư giới thiệu từ ai, cậu cũng nên xin từ người thật sự hiểu mình và sẵn sàng hỗ trợ cậu thêm nếu trong trường hợp trường muốn hỏi thêm thông tin. Khi cậu xin thư giới thiệu, hãy tự outline hoặc viết sẵn một thư rồi mới gửi email hoặc liên hệ với người cậu chọn. Trong trường hợp của mình thì sau khi mình gửi thư nhờ các cô, các cô đã dựa vào outline đó để viết cho mình (mà giờ mỗi khi mình buồn hay xuống tinh thần, mình mở ra đọc, mình lại có động lực phấn đấu tiếp huhu. Vậy nên, hãy rõ ràng về từ khóa mà cậu muốn nhà trường nhớ về mình và thư giới thiệu làm dẫn chứng và giải thích thêm cho điều ấy bằng cách. Phân bổ thư giới thiệu để làm rõ con người và năng lực của cậu. Ví dụ, mình muốn nổi bật 3 phẩm chất chính: tiềm năng học thuật và sự vượt khó trong học tập (1 letter từ supervisor của mình), lãnh đạo và kiên trì theo đuổi đam mê (1 letter từ giảng viên từng dạy mình), sáng tạo và trách nhiệm (1 letter từ quản lý của mình).
Nếu cậu đã đọc đến dòng cuối này rùi, mình xin chân thành cảm ơn vì đã kiên nhẫn đọc dòng chia sẻ dài dài này. Hãy để lại dưới comment câu hỏi của cậu (nếu có) dưới bình luận nhé! Nếu thấy bài hữu ích, cậu đừng ngại chia sẻ bài post này để các bạn khác cũng có thể tìm được một người đồng hành nha!
Chúc các cậu thực hiện được ước mơ của mình!
Tác giả: Trang Lê