SSDH – Thu nhập từ một công việc làm thêm có thể giúp bạn làm chủ được một phần kinh tế và chi tiêu thoải mái hơn. Tuy nhiên, trước khi đặt bút kí hợp đồng, hãy dành ra một chút thời gian để tìm hiểu về những loại hợp đồng lao động và quyền lợi hợp pháp của bạn khi đi làm thêm tại Pháp.
1. Có những loại hợp đồng lao động nào tại Pháp?
Trong trường hợp bạn được tuyển dụng vào làm tại một doanh nghiệp nào đó, bạn sẽ kí hợp đồng với chủ doanh nghiệp với mỗi hợp đồng sẽ tương ứng cùng những quyền lợi, nghĩa vụ khác nhau. Dưới đây là 3 loại hợp đồng phổ biến đối với sinh viên:
Hợp đồng vô thời hạn (Contrat à durée indéterminée – CDI) : Nếu bạn được kí hợp đồng này nghĩa là bạn sẽ có một công việc ổn định, vì đây là loại hợp đồng được kí kết lâu dài, bạn sẽ không bị giới hạn thời gian làm việc (trừ khi bạn từ chức, bị sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng).
Hợp đồng có thời hạn (Contrat à durée déterminée – CDD) : Khác với CDI, đây là hợp đồng có thời hạn kết thúc hợp đồng tùy thuộc vào từng kiểu công việc: hợp đồng từ 6-8 tháng được xem như là làm việc theo “mùa”, “thời vụ”, khoảng 9 tháng dành cho những người có khả năng được kí kết hợp đồng vô thời hạn, 18 tháng cho các trường hợp khác. Hợp đồng này có thể gia hạn 2 lần. Cần phải tôn trọng thời gian làm việc của hợp đồng CDD.
Hợp đồng tạm thời (Contrat de travail temporaire – CTT) cho hình thức intérim: Khi nhận được một công việc làm thêm tạm thời, bạn sẽ kí loại hợp đồng này với doanh nghiệp. Thời hạn của hợp đồng sẽ kết thúc khi bạn hoàn thành công việc được giao. Tương tự như hợp đồng có thời hạn CDD, với CTT, bạn vẫn được tiếp tục gia hạn 2 lần nếu bạn làm tốt.
2. Tôi được phép làm việc bao nhiêu tiếng/tuần?
Theo luật lao động của Pháp, thời gian làm việc của người lao động tùy thuộc vào các lĩnh vực và không được quá 35 giờ/ tuần. Tuy nhiên nếu bạn là sinh viên, bạn sẽ không bắt buộc phải tuân theo các điều lệ của hợp đồng CDD. Thời gian tối thiểu để các bạn làm việc là 20,50 giờ/tuần (tối đa 964 giờ/năm).
Trong trường hợp bạn làm việc bán thời gian (hoặc nhiều hơn) thì hợp đồng của bạn sẽ xuyên suốt trong thời gian học đại học của bạn, tức là trong khoảng từ ngày 1/9 đến ngày 31/8 của năm sau. Khi đó, bạn sẽ được hưởng quyền lời của một sinh viên có thu nhập, điều này cho phép bạn được nhà trường sắp xếp lịch học một cách thuận tiện và được phép vắng mặt khi cần thiết. Nhiệm vụ của bạn là thông báo công việc của mình trong lúc làm thủ tục hành chính ở trường và bắt đầu làm việc sau ngày 1/9.
3. Mức lương trung bình ở Pháp là bao nhiêu?
Khi đi làm ở Pháp, bạn sẽ có quyền lợi như những người lao động khác và được nhận mức lương tối thiểu theo quy định của luật lao động Pháp. Mức lương tối thiểu hiện tại là 9,67 euros/ giờ (chưa tính thuế).
Đối với những trường hợp kí hợp đồng có thời hạn, thông thường bạn sẽ nhận được tiền thưởng khi kết thúc hợp đồng, tương đương với 10% tiền lương (chưa thuế) trong suốt thời hạn hợp đồng. Lưu ý: bạn sẽ không nhận được quyền lợi này nếu doanh nghiệp gia hạn hợp đồng hoặc kí hợp đồng vô thời hạn (CDI) với bạn.
Đối với loại hợp đồng tạm thời, bạn sẽ được hưởng một mức lương ngang với một nhân viên kí hợp đồng vô thời hạn khác làm cùng vị trí đó. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ được hưởng những quyền và lợi ích xã hội khác như tiền hỗ trợ ăn uống, đi lại…
4. Những quyền lợi này có gì thay đổi khi kí hợp đồng với trường đại học hay một cá nhân, chủ thể?
Đối với những công việc tại trường như tiếp tân, hoạt náo viên, phát triển lực lượng, tư vấn, hỗ trợ, bạn sẽ được kí hợp đồng sinh viên với thời hạn tối đa là 12 tháng. Trong thời gian 10 tháng đầu của hợp đồng kéo dài xuyên suốt năm học (từ tháng 9 đến tháng 6), bạn sẽ làm việc theo hình thức bán thời gian để bảo toàn việc học. Ở giai đoạn tiếp theo (giai đoạn nghỉ hè vào tháng 7 và tháng 8), bạn được phép làm việc toàn thời gian.
Trong trường hợp đảm nhiệm những công việc như trông trẻ, dạy thêm… cho một cá nhân nào đó, bạn vẫn sẽ được hưởng những quyền lợi về lao động và chính người chủ của bạn sẽ là người khai báo. Khi đó, bạn vẫn có thể đóng góp vào các quỹ an sinh xã hội như thất nghiệp, về hưu… để được hưởng các quyền lợi của mình trong tương lai.
Việc kí kết hợp đồng lao động không bắt buộc nếu bạn làm việc ít hơn 8 giờ/tuần, nhưng trong dù trong hoàn cảnh nào thì bạn cũng sẽ nhận được một phiếu lương. và vẫn nhận được những quyền lợi tương tự những người lao động khác (mức lương tối thiểu). Tuy thế, bạn sẽ không được hỗ trợ chi phí đi lại.
5. Tôi cần phải làm gì để đảm bảo tất cả những quyền lợi lao động kể trên?
Để được hưởng các quyền lợi này, bạn phải đóng lệ phí An sinh xã hội cho sinh viên vào đầu năm. Hiện nay, phí này mất khoảng 215 euros.
Và nếu là một sinh viên đi làm (étudiant salarié), bạn cũng phải tham gia vào các chương trình chung của an sinh xã hội như bất kì một nhân viên lao động nào. Bạn không phải đóng phí An sinh ở trường mà số tiền đó sẽ bị trừ trực tiếp từ tiền lương mỗi tháng. Ngoài ra, bạn cũng cần cập nhật lại thẻ Vitale của mình và phải trả chi phí cho Quỹ Bảo hiểm Y tế nơi bạn đang cư trú.
Nguồn: Báo mới