SSDH – 21 tuổi, nộp hồ sơ vào Harvard và bị từ chối…. Hoài Chung năm 31 tuổi, khi đã có cuộc sống ổn định, công việc tốt sau nhiều ngã rẽ, vẫn quyết định bền bỉ với giấc mơ Harvard của 10 năm trước, dù đã có 2 lần trượt.
Bền bỉ tìm chân trời trí tuệ mới
Sinh ra, lớn lên tại một làng quê nhỏ rìa thành phố Quy Nhơn, tuổi thơ của Trương Phạm Hoài Chung gắn với khát khao khám phá thế giới. Chính vì thế, anh chàng chăm chỉ học tiếng Anh – phương tiện để vươn tới những vùng đất, chân trời mới. Chung liên tục nhận giải nhất thành phố môn tiếng Anh năm lớp 8, giải nhì tiếng Anh cấp tỉnh lớp 8 và lớp 9…
Năm lớp 10, Chung tham gia thi và nhận học bổng toàn phần hệ trung học Chính phủ Singapore. Năm lớp 11, anh chàng sang Singapore du học . Sau đó, Chung tốt nghiệp trung học National Junior College (Singapore) với kết quả học tập luôn nằm ở nhóm dẫn đầu của trường và đoạt huy chương vàng kỳ thi Olympiad môn hóa học toàn Singapore… cùng nhiều hoạt động ngoại khóa khác.
Ở tuổi 31, sau 2 lần trượt, Hoài Chung vẫn không từ bỏ giấc mơ Harvard.
Ấp ủ giấc mơ Harvard từ lâu, Chung nộp đơn vào trường Đại học Harvard nhưng bị từ chối (năm 2005). Song, anh lại được học bổng theo học ngành Hóa học tại ĐH Williams, một trường danh tiếng khác của Mỹ. Vài năm sau, Hoài Chung lần 2 nộp hồ sơ vào Harvard và vẫn… trượt.
“Quá tam ba bận”, tháng 2 vừa rồi, Hoài Chung, sau bao nỗ lực, cuối cùng đã nhận thư chúc mừng đậu học thạc sĩ giáo dục ở Harvard danh tiếng.
Khi được hỏi, điều gì khiến anh không từ bỏ giấc mơ Harvard sau 10 năm trời, Hoài Chung đáp: “Ai cũng công nhận là Harvard là trường Đại học hàng đầu thế giới về học thuật. Khi được học chương trình thạc sĩ giáo dục ở đây mình sẽ được học tập với những giáo sư đầu ngành ở Mỹ cũng như giao lưu với các thầy cô tài năng khác trên khắp nước Mỹ và thế giới.
Harvard đối với mình không quan trọng là tấm bằng danh giá, mà quan trọng là những mối quan hệ mình có được, những cơ hội mới mở ra, những chân trời trí tuệ mới mình được một lần may mắn chạm đến”.
Hoài Chung trong chuyến tặng học cụ cho học sinh Hoài Nhơn.
Khát khao “truyền lửa” giáo dục
Là giám đốc kiêm một người thầy dạy ở trung tâm tiếng Anh, đó là một trong những lợi thế của Hoài Chung khi chinh phục giấc mơ Harvard: “Mình nộp chương trình “Chính sách và giáo dục”. Công việc của mình đã cho mình trải nghiệm quản lý cũng như thử nghiệm về chính sách để tạo môi trường học thuật lý tưởng nhất.
Lợi thế của mình là am hiểu thị trường của Việt Nam, nên chắc chắn sẽ đem những điều mới lạ và hấp dẫn đến cho những thầy cô người Mỹ cùng học với mình. Khẩu hiệu của Trường Cao học Giáo dục Harvard là “Học để thay đổi thế giới”, và mình tự hào là một đại diện đến từ một nước đang phát triển có nhiều tiềm năng như Việt Nam”.
Ở tuổi 31, Chung tự tin với tất cả trải nghiệm mình có: “Hơn 30 tuổi vẫn không ngừng học hỏi sáng tạo. Cái tuổi của mình rất vừa vặn để trò chuyện tư vấn cho phụ huynh và hòa nhập tìm hiểu giới trẻ. Cái tuổi của mình cũng hợp lý để tuyển chọn và đào tạo những tài năng sư phạm”.
Chung trong lần tặng giày cho trẻ em ở Sa Pa vào tháng 12/2013.
“Kỷ niệm đáng nhớ nhất là những lần ăn pizza với học trò vì thực sự lúc đó các bạn cởi mở nhất. Các bạn sẽ kể cho mình nghe những câu chuyện bên lề để thông qua đó mình hiểu hơn tính cách của mỗi bạn.
Bộ hồ sơ tuyển sinh đại học Mỹ đòi hỏi phải viết bài luận cá nhân, nên điểm số chỉ là một phần thôi. Là thầy của các bạn, khi mình hiểu các bạn hơn, mình sẽ định hướng tốt hơn để bạn phát huy tối đa đam mê và cá tính của mình.
Đặt chân tới Harvard, Hoài Chung sẽ nghiên cứu những mô hình quản lý ở các trường phổ thông và đại học Mỹ, cũng như tìm hiểu những chính sách đặc biệt đã làm nên chất lượng giáo dục ở đây. Chương trình cũng sẽ đưa ra nhiều vấn đề nan giải ngay trên đất Mỹ để mình có thể góp ý kiến với cái nhìn của người có trải nghiệm nền giáo dục ở nước ngoài”, Chung cho hay.
Ngoài học và làm việc, anh là đồng sáng lập KIDS Việt Nam – một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ trẻ em nghèo. Năm 2013, Chung phát động chương trình Giày cho trẻ em Sa Pa và gây quỹ hàng trăm triệu đồng. Năm 2014, Chung đứng ra quyên góp cho chương trình học cụ cho Bình Định…
Chung còn sáng tác ca khúc và tự biểu diễn. Năm 2011, anh ra album “Ngôn ngữ tình yêu” gồm 10 bài hát tiếng Anh và tiếng Việt do chính anh viết.
Chung cũng là thành viên trong ban tổ chức chương trình Thắp sáng khát vọng Việt – tiếp sức du học của Hội Thanh niên – sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ (AVSPUSA) vừa ra mắt tháng 6/2014 tại Mỹ nhằm giúp nhiều người Việt Nam có thể thực hiện giấc mơ du học, sau đó trở về đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.
“Thắp sáng khát vọng Việt kết nối tất cả các tài năng có ước mơ du học của Việt Nam, đặc biệt là những bạn vùng xa hay có điều kiện kinh tế khó khăn. Các bạn trẻ sẽ đồng hành cùng với du học sinh đã từng học trường/ ngành các bạn muốn theo đuổi.
Các bạn không chỉ được cung cấp thông tin chính xác mà còn được định hướng rõ ràng để hoàn thành bộ hồ sơ tuyển sinh và săn học bổng. Mình may mắn góp sức trong dự án ý nghĩa này”, Chung nói.
Luôn mong muốn “truyền lửa” cho thế hệ trẻ Việt trong việc chinh phục ước mơ học tập, bằng sự kiên trì bền bỉ với giấc mơ Harvard, Hoài Chung muốn gửi đi một thông điệp: “Trên con đường mình đi luôn có nhiều ngã rẽ. Hãy tự tin khám phá nó trước khi quay lại con đường chính”…
Nguồn: Dân Trí