Kết bạn với sinh viên bản xứ, khó hay dễ?

0

SSDH – Nâng cao khả năng giao tiếp, hiểu thêm về lối sống, văn hóa… nơi xứ người là một trong số những lí do khiến sinh viên Việt Nam rất mong muốn được kết bạn với những sinh viên bản xứ. Nhưng liệu điều này có dễ dàng và đơn giản như mọi người vẫn tưởng….

 

Những người bạn đặc biệt


“Mình sống cùng phòng trong ký túc xá với một cô bạn Hàn Quốc. Nhờ thế mà mình thường xuyên được ăn những món như kimbap, kim chi, canh rong biển,… Thỉnh thoảng rảnh rỗi mình lại làm vài món Việt Nam để đãi lại cô ấy. Mình cảm thấy may mắn khi kết bạn được với một cô bạn bản xứ tốt bụng như vậy”, Minh Hồng (du học sinh Hàn Quốc) chia sẻ.

 

Không chỉ kết bạn, mà Băng Anh (du học sinh Pháp) còn “lôi kéo” được 2 anh bạn người Pháp về du lịch Việt Nam mùa hè vừa rồi. Hai anh bạn lần đầu được tận mắt ngắm nhìn và thưởng thức những món ăn mà cô bạn châu Á của mình vẫn thường kể khi còn ở Pháp. Và với vai trò hướng dẫn viên du lịch, cô bạn dường như đã “trả công xứng đáng” cho hai người bạn của mình vì những sự giúp đỡ họ đã dành cho cô.

 

ket-ban-voi-sinh-vien-ban-xu-kho-hay-de

Băng Anh (du học sinh Pháp) còn “lôi kéo” được 2 anh bạn người Pháp về du lịch Việt Nam 

 

“Khả năng giao tiếp, từ vựng, ngữ điệu nói của mình khá lên rất nhiều nhờ những người bạn cùng lớp. Khi mới nhập học, mình hơi rụt rè. Nhưng ngay từ buổi học đầu tiên, các bạn lớp mình đã cùng nhau đến nói chuyện với mình. Có lẽ vì nhìn mình “lạ” Trang (du học sinh Canada) cười, nói. “Ở lớp, những chỗ giáo viên giảng mà mình chưa hiểu, các bạn lại cùng nhau giải thích cho mình rất cặn kẽ, có những người bạn còn dành cả thời gian nghỉ để chỉ bài cho mình.

 

Có một kỷ niệm mà có lẽ mình sẽ nhớ mãi về những người bạn bản xứ. Đó là vào tiết học môn Lập Pháp, giáo viên là một cô giáo rất khó tính, và hơi có thành kiến với người nước ngoài. Bài test của mình bị cô chấm nhầm một lỗi. Khi mình lên hỏi lại, thì cô không để ý đến. Và ngay lập tức, những người bạn cùng lớp mình yêu cầu cô lắng nghe và giải thích thắc mắc của mình.

 

Có một cô bạn còn sẵn sàng mang bài ra đối chiếu với bài mình. Khi đó cả cô giáo lẫn mình đều cảm thấy rất bất ngờ vì phản ứng của các bạn. Bài test sau đó đã được cô xem và chữa lại. Cô còn nói thêm “Em hẳn phải là một cô gái quan trọng với các bạn”. Nhưng bản thân mình thì lại hiểu rằng, chính những người bạn bản xứ này mới là những người đặc biệt thế nào. Và họ có ý nghĩa thế nào đối với những năm tháng du học cùa mình”.

 

ket-ban-voi-sinh-vien-ban-xu-kho-hay-de2

2 chàng trai người Pháp đã có những khoảng thời gian khó quên ở Việt Nam

Còn theo như Đăng Minh (du học sinh Đức), đôi khi “chơi với bạn Đức còn dễ hơn chơi với bạn Việt Nam”. Theo học tại một trường Đại học có khoảng 20 sinh viên Việt Nam, Đăng Minh nói: “Mình không hiểu sao đôi khi giữa những người Việt Nam với nhau còn ganh đua, để ý, nói xấu nhau nhiều hơn đối với những người nước ngoài.

 

Mỗi khi mình đi đâu, chơi với ai, nhất là với những cô bạn gái mới quen, thì những người bạn Việt Nam của mình lại nhòm ngó, rồi mang ra làm chủ đề của các cuộc “buôn bán”. Thế nên mình còn thấy dễ thở hơn khi ở giữa những người bạn Đức. Người Đức rất tôn trọng không gian riêng tư, phân biệt rõ ràng công việc với cuộc sống, và đặc biệt, họ rất coi trọng tình bạn. Bây giờ, hầu như mình đều đi chơi và học với các bạn Đức, còn đối với sinh viên Việt Nam, mình chỉ có thể giữ mối quan hệ xã giao, chứ không chơi thân được với ai.”

 

Sinh viên bản xứ – khó kết bạn!


Tuy nhiên không phải ai cũng gặp được những “thiên thần” nơi đất khách như vậy. Tất cả sự háo hức và hào hứng trước khi đặt chân xuống  Pháp của H.N (du học sinh Pháp) gần như bị tan biến sau hơn 2 tháng theo học tại đây.

Vì là người nước ngoài duy nhất ở lớp, lại mới chỉ học tiếng Pháp chưa đầy 6 tháng ở nhà, H.N gần như bị các bạn cùng lớp coi như… vô hình. Các cuộc nói chuyện của H.N với những người bạn bản xứ của mình chỉ dừng lại ở câu chào, tạm biệt, có, không. Các bài tập nhóm, chia nhóm nghiên cứu, bài tập thực hành, H.N thường xuyên rơi vào trạng thái không có người làm cùng.

 

Theo bố mẹ sang Mỹ học từ khi mới bắt đầu trung học, những kiến thức mà những người bạn bản xứ chưa từng được học qua thì Anh Tuấn (du học sinh Mỹ) lại nắm rất chắc. Chính vì vậy, những môn học như Toán, Hóa, Tin… đối với cậu bạn không hề khó. Những bài tập, bài kiểm tra của cậu cũng thường đạt xấp xỉ điểm tối đa. Những giải thưởng dành cho học sinh xuất sắc đều có tên cậu. Đối với bố mẹ và bản thân Anh Tuấn thì việc này là rất tốt.

 

Nhưng với những người bạn cùng lớp của Anh Tuấn thì đây chính là lí do khiến họ “tẩy chay” cậu. Cậu bị họ gọi với đủ cái tên như “mọt sách”, “chảnh”, “chơi nổi” … Và cũng chính vì thế mà cậu hầu như không có lấy một người bạn nào. Cậu thường ngồi im lặng một mình một góc trong các giờ nghỉ và các giờ ăn trưa, không tham gia một hoạt động ngoại khóa nào, cũng không kết bạn với ai.

 

Ngân Giang

 

Share.

Leave A Reply