SSDH – Mặc dù Xã hội đã có cái nhìn rộng rãi hơn, nhưng những học sinh, sinh viên trong nước không phải ai cũng có thể sống đúng với giới tính thật của mình ở trường học. Quả thật, vấn nạn kì thị người đồng tính từ lâu đã trở thành một trong những nỗi ám ảnh dành cho sinh viên Việt Nam.
Đi du học, tôi đã được dịp “mở mắt” với những cách làm quyết liệt nhưng đầy nhân văn của các tổ chức, trường học để bảo vệ các sinh viên đồng. Không thể nói rằng nạn kì thị người đồng giới đã hoàn toàn biến mất ở môi trường học đường quốc tế, nhưng ít nhất sinh viên nước ngoài vẫn may mắn ở chỗ họ nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phía nhà trường và Xã hội.
Trong tiết học Xã hội học hồi tôi học năm một ở IUT de Besancon (Pháp), thầy giáo đã chọn nói về vấn đề kết hôn đồng giới với một bài thăm dò ý kiến của sinh viên trong lớp. Kết quả là 90% phiếu rất tán thành thực tế hôn nhân đồng giới này. Taos đại diện lớp đã phát biểu: “Ai cũng có quyền được sống thật với chính mình, được sống hạnh phúc như những người khác bất kể giới tình của họ là gì đi nữa.” Mặc dù có những ý kiến trái chiều khác nữa, nhưng tôi vẫn còn nhớ câu cuối cùng của thầy trước khi kết thúc bài giảng: “Các em có hàng tá lí do để ủng hộ hôn nhân đồng giới. Các em có hàng tá lí do để phản đối hôn nhân đồng giới. Nhưng tôi xin các em đừng có lạm dụng chữ “quy luật tự nhiên” ở dây. Con người từ khi xuất hiện đến giờ không có điều gì là tự nhiên hết. Chính người phương Tây đem quan điểm của mình đi gieo khắp nơi, rằng việc một cặp vợ chồng phải là một nam với một nữ mới đúng với tự nhiên! Tôi nhấn mạnh, hãy hiểu nghĩa tự nhiên cho những hoạt động cơ bản mà tất cả mọi người đều cần phải làm, chẳng hạn như Hấp thụ và thải ra. Còn lại, một cặp vợ chồng có là gái gái/trai trai hay trai/gái thì nó là không thể được gọi là trái tự nhiên. Ủng hộ hay không là tùy các em. Nhưng dù sao thì sự hạnh phúc mỗi người mới là điều quan trọng nhất, vì nhớ là mỗi cuộc đời chỉ có một lần được sống mà thôi”.
Dĩ nhiên, không phải tự nhiên mà những người bạn cũ của tôi hay sinh viên quốc tế nói chung có được cái nhìn bình đẳng, tôn trọng như vậy về người đồng tính. Đơn giản vì họ đã được phổ cập những thông tin chống kì thị đồng tính ở khắp mọi nơi, từ khắp các tổ chức lớn nhỏ trong Xã hội.
GLSEN là tổ chức giáo dục ở Hoa Kỳ có mục đích đem lại môi trường học tập an toàn cho tất cả học sinh sinh viên, bất kể giới tính thật của họ. Được thành lập vào năm 1990, GLSEN mong muốn những học sinh của họ có được cái nhìn tôn trọng với bạn bè tại trường học. Các giáo viên, học sinh tham gia GLSEN được hướng dẫn cách hỗ trợ những người đồng tính qua các chương trình chẳng hạn như “Safe Schools”. Đến nay GLSEN đã tổ chức hơn 8 hội thảo mang tầm quốc gia để mang các lãnh đạo trường học đến gần với nhau, tất cả vì môi trường học tập không kì thị. Các học sinh đến từ hơn 5000 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đã đăng kí tham gia Day of Silence năm 2007. Vào năm 2008, chiến dịch “Think Before You Speak” (Suy nghĩ trước khi nói) kêu gọi người tham dự chấm dứt các ngôn từ thể hiện sự kì thị, phân biệt giới tính trong cộng đồng người trẻ. Một loạt các công cụ truyền thông quan trọng đã được sử dụng để phát động chiến dịch trên diện rộng: Truyền hình, Radio, báo giấy, quảng cáo ngoài trời.
Còn nhớ ở phòng photocopy của thư viện Luật-Kinh tế tại Đại học Franche-Comté (Pháp), tôi đã đọc được một tấm áp-phích với hình ảnh một cô bạn sinh viên như những cô bạn sinh viên bình thường khác. Ấn tượng của tấm áp-phích là lời nhắn nhủ có nội dung đại loại: «Cô gái này thích những cô gái nhưng cô gái thích những cô gái này không thích những cô gái không thích những cô gái thích những cô gái”. Ngay bên dưới là một dòng chữ in nhỏ hơn nhưng đủ sức giải thích và đã mở ra cho tôi một bài học đắt giá về chống kì thị giới tính: “Câu trên quá rối rắm phải không? Nhưng cuộc sống của những sinh viên đồng tính bị kì thị trong môi trường học đường còn rắc rối hơn thế rất nhiều. Hãy góp tay vì một môi trường học tập không có kì thị người đồng giới”.
Và chỉ một tấm áp-phích được dán ngay ngắn ở phòng photocopy đó thôi cũng đã đủ sức khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều về giá trị của một môi trường học tập bình đẳng cho tất cả mọi người. Ích lợi của việc du học ở một nơi cách nhà hơn 12.000km chính là những bài học bên lề như thế này.
Đông Đức (SSDH) – Theo Hotcourses