SSDH – Những thành phố hiện đại, ngôi làng cổ hiền hòa và bình yên ở nước Anh đã để lại trong quãng đời sinh viên của tôi thật nhiều kỷ niệm đẹp.
“Có phải cái tên chị đặt cho em là định mệnh của em với xứ sở sương mù này không?”. Tôi vẫn thỉnh thoảng đặt câu hỏi cho chị gái về cái tên của tôi, một phần vì tò mò, một phần vì tôi đã thích nước Anh từ những câu chuyện được nghe về Sherlock Holmes từ ngày còn bé, về một London năng động hiện đại với những con người hối hả trên đường nhưng không kém phần lịch lãm, hơn nữa là còn vì đội bóng yêu thích của tôi – quỷ đỏ thành Manchester nữa.
Những điều nhỏ nhặt ấy đã tạo nên cho tôi một ấn tượng rất lớn về đất nước này. Tôi từng mong muốn và ước ao có một ngày được đi dạo trên Tower Bridge, nghe tiếng chuông Big Ben lúc 12 giờ đêm và đón năm mới với pháo hoa cùng bạn bè ở London Eye… cho đến khi tôi vào năm cuối đại học…
Chào từ biệt mọi người ở cửa hải quan Nội Bài, tôi quay lưng và bước đi trên con đường mà mình biết sẽ nhiều thử thách và cần phải mạnh mẽ đối mặt – tôi đi du học. Gia đình đã chắp cánh ước mơ và mở ra cơ hội cho tôi được đứng trên chính đôi chân của mình, và tôi hứa sẽ không bao giờ phải làm họ thất vọng về tôi. Lúc ấy, tôi 21 tuổi, chuẩn bị đến với một chân trời mới – đất nước Anh.
Nước Anh chào đón tôi bằng một ngày nắng chan hòa, điều cảm nhận đầu tiên của tôi về đất nước này chính là thời tiết. Một tiết trời mà tôi chỉ có thể cảm nhận khi Hà Nội chuyển vào thu với gió man mác nhẹ và bầu không khí trong vắt như vừa được gột rửa qua một cơn mưa. Khi ấy, tôi học năm cuối đại học tại Bristol, một thành phố nhiều kỷ niệm đã gắn bó với tôi trong suốt hơn một năm. Tại nơi ấy, tôi từng lơ ngơ vào siêu thị xem đồ đắt, chọn đồ rẻ và rồi nhận định được mặt hàng nào tốt về cả giá cả và chất lượng. Tại nơi ấy, tôi từng tức điên lên vì mất vài đồng penny lẻ làm sai lệch hết số liệu trong sổ chi tiêu mà tôi hì hục thiết kế nguyên cả một buổi chiều. Tại nơi ấy, lần đầu tiên tôi phải đọc chăm chú từng chữ một trong hợp đồng nhà, và rồi vặn vẹo chủ nhà về các điều khoản làm sao cho chúng tôi có lợi nhất khi thuê ngôi nhà đó.
Và ở nơi đó, chúng tôi đã cùng nhau tổ chức những sự kiện với hội sinh viên Việt Nam tại Bristol, nhằm giúp mọi người có thể gắn kết với nhau hơn trong những ngày lễ như Tết, Giáng sinh hay cả lễ tình nhân nữa (cũng phải giúp đỡ những người cô đơn chứ). Còn nữa, tôi không thể không nhắc đến ngôi trường tôi đã được theo học – University of the West of England (UWE). Đó là nơi làm tôi lần đầu tiên phải ngồi trước máy tính viết luận văn đến sáng sớm cho kịp ngày nộp bài, hay phải ngồi đọc sách học thuộc từng chữ một để vào phòng thi cho tự tin. Ấy cũng là nơi tôi gặp những người bạn nước ngoài vui vẻ, nhiệt tình và cũng không kém phần thông minh, hài hước, những người đã giúp tôi tự tin hơn trong khả năng nghe và nói của mình.
Tôi vẫn nhớ ngày tốt nghiệp đại học ở nhà thờ thành phố Bristol (Bristol Cathedral), bố mẹ tôi sang thăm và chứng kiến sự kết thúc của quãng đời sinh viên đại học của tôi bằng tấm bằng cử nhân do hiệu trưởng của trường UWE trao tặng. Đó có lẽ là thứ đáng quý nhất mà tôi đáp trả lại cho sự cố gắng của chính mình và sự quan tâm, lo lắng của bố mẹ tôi trong suốt thời gian tôi là học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, nó cũng là bước đệm tiến tới cho quyết định lớn tiếp theo của cuộc đời tôi – theo học thạc sĩ ở London.
Tạm biệt sự yên bình và nhẹ nhàng của Bristol, tôi chuyển lên sống tại thủ đô của nước Anh – London – thành phố của sự năng động, nhộn nhịp và hối hả. Nếu coi Bristol là một cô gái duyên dáng, dịu dàng, thì London chắc hẳn sẽ là một chàng trai trẻ đầy sức sống, chịu đương đầu với thử thách và không kém phần ồn ào. Ví dụ như tắc đường, đó là điều không khó bắt gặp khi ở London. Xe bus, ôtô chen nhau trên đường nhưng không bao giờ ùn tắc quá lâu. Trên những tuyến phố trung tâm như Whitehall – con đường nối giữa Trafalgar Square, Buckingham Palace và Westminster luôn nườm nượp người, họ là những người khách du lịch với máy ảnh và bản đồ trên tay, nhưng cũng có thể là những người diện bộ vest, bộ váy công sở lịch lãm đang hối hả đi trên đường.
Tôi là một người khá dễ sống và dễ thích nghi, nhưng để quen được với nhịp điệu và lối sống của người dân London đã làm tôi mất một thời gian không ngắn. Nhưng, dù sao thì, không giống như năm đầu tiên tại xứ sở này, tôi đã quen dần hơn với mọi việc trong năm thứ 2 và giải quyết những khó khăn một cách khá dễ dàng. Những vấn đề như nhà cửa, chọn thực phẩm, học hành cũng như giao thông dường như tôi đã thuộc nằm lòng và khá tự tin khi sống ở thủ đô này. Cho đến khi, tôi vướng phải cái điều mà bất cứ du học sinh nào chắc hẳn cũng phải gặp một lần, đó là hết tiền.
Người ta hay truyền tai nhau câu nói: “Ở London, bước chân ra khỏi nhà là mất tiền”, mà đến lúc hết tiền tôi mới bắt đầu thấm thía. Lúc ấy tôi mới xin vào làm ở McDonalds’, một cửa hàng burger phổ biến ở đây. Với những đồng lương đầu tiên do mình kiếm ra, tôi đã bắt đầu biết cắt giảm chi tiêu sao cho vừa đủ sống, và khi đó tôi mới biết kiếm tiền không hề đơn giản chút nào. Cứ thế, tôi đã chuyển 3 chỗ làm. Hiện tôi làm trong một cửa hàng của Nhật với những đồng nghiệp tuyệt vời, luôn giúp đỡ tôi mỗi lúc khó khăn vất vả nhất.
Tôi đã tìm được cho mình những nơi yên bình để nghỉ ngơi sau những ngày đi làm, đi học mệt mỏi và tận hưởng sự vui vẻ cho chính mình trong không gian riêng ấy. Ví dụ như London về đêm, đó là một thành phố rất khác so với cái nhộn nhịp vào ban ngày, ban đêm tại London là lúc mà tôi có thể nghe thấy tiếng gió xen kẽ với lời hát của những người hát rong cạnh sông Thames, những câu hát quen thuộc trong bài hát Yesterday của The Beatles đã tạo nên một London thực sự lãng mạn về đêm. Samuel Johnson – một tác giả người Anh từng nói: “When a man is tired of London, he is tired of life” (Khi một người đàn ông mệt mỏi với London, người ấy đang mệt mỏi với cuộc sống của họ), vì vậy ở London, cho dù khó khăn, mệt mỏi đến đâu, hãy luôn vui vẻ và đối mặt với thử thách, khi ấy hạnh phúc sẽ luôn mỉm cười với bạn.
Nước Anh trong mắt tôi còn rất nhiều kỷ niệm với những thành phố, những ngôi làng cổ và những điều tôi lần đầu tiên được làm trong đời. Ở đây, tôi đã hình thành được nhân cách và nhận thức về cuộc sống của riêng mình, tự nhận biết những điều đáng học của bạn bè hay nhìn lại những sai lầm đã mắc phải để tránh khỏi trong tương lai. Quan trọng hơn hết, nước Anh là nơi giấc mơ thuở bé của tôi đã trở thành hiện thực, nơi tôi đã được bước đi bằng chính khả năng của mình dù có lúc gặp vất vả, khó khăn. Để rồi tôi có thể kể lại với bạn bè và gia đình khi trở về Việt Nam rằng: “Có một nước Anh nhẹ nhàng như thế trong mắt tôi”.
Nguồn: Scholarshipplanet